06:00 07/06/2024

Rà soát kê khai, nộp thuế sau những phiên livestream bán hàng triệu USD

Ánh Tuyết

Gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee... nở rộ livestream bán hàng với doanh số hàng triệu USD mỗi phiên. Ngành thuế cho biết đang khẩn trương rà soát, kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp bán hàng...

Sau khi thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong 3 năm 2021-2023, cơ quan thuế xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm của 22.159 cơ sở kinh doanh.
Sau khi thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong 3 năm 2021-2023, cơ quan thuế xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm của 22.159 cơ sở kinh doanh.

Tổng cục Thuế vừa ban hành công điện gửi cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn đề nghị quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

"NỞ RỘ" LIVESTREAM TRIỆU USD

Tại công điện này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị tiếp tục khẩn trương rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm. 

Đặc biệt, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ... Đây là hình thức bán hàng bằng cách phát video trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử, kênh truyền hình.

Hình thức bán hàng này khá phổ biến được các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng để xúc tiến cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của mình. Trong các phiên bán hàng trực tuyến thường có sự tham gia của các cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các cá nhân khác như: blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội... được trả hoa hồng từ  livestream bán hàng.

Thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream có thể gặt hái doanh số hàng triệu USD trong vài tiếng tiếng đồng hồ, tương đương doanh thu một công ty trong 1 năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như: TikTok, Shopee... Từ đó, những kỷ lục mới về doanh số của những "chiến thần" livestream liên tiếp được ghi nhận.

Đơn cử, sau khi đạt doanh thu "chấn động" 100 tỷ đồng, một tài khoản TikTok nổi tiếng đặt mục tiêu doanh số trong phiên livestream TikTok ngày 5/6 đến 150 tỷ đồng và hứa hẹn tặng quà khủng như ô tô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng.

Trên nghị trường Quốc hội, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về hiện tượng livestream bán hàng trên mạng xã hội, với doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là thật hay ảo.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng thương mại điện tử là lĩnh vực "khó quản" và cho rằng cần phối kết hợp với lực lượng chức năng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân.

Dù khó thể xác nhận doanh số hàng triệu USD là thật hay ảo, bởi doanh số này tính cả số hủy đơn, tức là kể cả có người ảo đặt đơn rồi hủy thì cũng được tính vào doanh số, song những phiên livestream này khiến dư luận ngỡ ngàng và đặt vấn đề về quản lý thuế trong lĩnh vực này.

CÁ NHÂN KINH DOANH CÓ THỂ PHẢI NỘP 35% THUẾ

Sau khi kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử lên ngôi, cơ quan thuế cũng thay đổi phương thức quản lý thuế để tăng thu ngân sách từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng đang được quản lý và giám sát theo hai sắc thuế.

 

"Cá nhân có thu nhập từ hoa hồng do thực hiện livetream bán hàng sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc gồm: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%".

Tổng cục Thuế.

Thứ nhất, nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình và cá nhân sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính thực hiện quản lý thuế và thu thuế đối với các hoạt động này theo sắc thuế này.

Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng môi giới; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác... được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Theo mức thuế suất tăng dần này, người có phần thu nhập tính thuế ở mức nào sẽ nộp thuế tương ứng với thuế suất ở mức đó. Thuế suất cao nhất 35% áp dụng cho cá nhân có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng.

Thứ hai, đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động bán hàng này và có phát sinh doanh thu, Bộ Tài chính thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh.

Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.

Trường hợp này, hộ kinh doanh khai nộp thuế theo mức thuế 7%, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

ĐƯA GẦN 32.000 DOANH NGHIỆP VÀ CÁ NHÂN VÀO DIỆN RÀ SOÁT 

Chị L.H.H (Phú Thọ) cho biết đã bán hàng, livestream trên facebook một thời gian, sau khi cơ quan thuế gửi thư mời yêu cầu ra trụ sở làm việc, người bán hàng này phải nộp gần 80 triệu tiền thuế. Chị H. cho biết không biết cơ quan thuế lấy thông tin từ đâu, khi lên làm việc thì cán bộ thuế yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng, dựa vào các khoản khách hàng chuyển khoản và tiền COD (thanh toán khi nhận hàng) của các đơn vị vận chuyển và yêu cầu nộp thuế.

Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hình thức livestream bán hàng trên mạng có phát sinh doanh thu và có thể phát sinh thu nhập, khi đó, phải chịu sự điều chỉnh của các quy định của luật thuế và các sắc thuế, phải chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế.

Thời gian qua, cơ quan thuế có nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử. Trong đó, đẩy mạnh rà soát, kiểm tra đối với các cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động livestream bán hàng, đối chiếu dữ liệu doanh thu chi trả của các tổ chức cho các cá nhân thực hiện quảng cáo, bán sản phẩm hàng hóa trên livestream.

 

"Tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2,9 nghìn tỷ đồng".

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sau bước đầu tuyên truyền, hỗ trợ một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế vào ngân sách nhà nước cơ quan thuế lên đến hàng tỷ đồng.

Đối với các trường hợp không tự giác kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng để xác định dòng tiền, thu nhập và thông báo mời người nộp thuế lên làm việc trực tiếp, để hướng dẫn kê khai, nộp thuế và xử lý vi phạm về thuế theo quy định pháp luật.

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất ghi nhận kết quả thu thuế khả quan từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Cụ thể, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương 130,57 tỷ USD, với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, tương ứng 46,28 tỷ USD, với số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, cơ quan thuế cũng đưa tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vào diện rà soát là 31.570, gồm 6.257 doanh nghiệp và 25.313 cá nhân trong 3 năm 2021 - 2023, nhằm thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm.

Để tăng thu ngân sách từ lĩnh vực thương mại điện tử, cơ quan thuế có nhiều sáng kiến mới và thay đổi cách thức quản lý khác biệt, không giống với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh truyền thống. Nổi bật là quản lý thuế qua bản đồ số hộ kinh doanh thay vì quản lý các hộ kinh doanh dọc các tuyến phố như trước đây.

Về công tác quản lý thuế đối với các "ông lớn" kinh doanh xuyên biên giới, vào tháng 3/2022, Tổng cục Thuế khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đây là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài chủ động đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2024, thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua cổng, tăng 2 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới so với tháng trước. Lũy kế đến 15/05/2024, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trực tiếp qua cổng thông tin là 4.029 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 12/2022, Tổng cục Thuế cũng kích hoạt Cổng Thông tin thương mại điện tử để người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, thực hiện nghĩa vụ thuế. Cổng có 3 chức năng chính, đó là hỗ trợ cho sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin, hỗ trợ sàn khai thuế thay cho cá nhân và hỗ trợ cá nhân khai thuế trực tiếp trên cổng.

Đáng chú ý, trong thời gian qua Bộ Công Thương tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực này.