Thử một lần đi ngược xu hướng: “Phượt” Tây Bắc trên Nissan Kicks e-POWER
Nhiều người vốn quan niệm rằng, vượt đường trường hay lên vùng cao, nên dùng xe bán tải, còn xe điện chỉ phù hợp với nhịp sống đô thị. Thế nhưng, thử nghiệm mới đây của một “phượt” thủ ở Hà Nội đã cho thấy điều ngược lại. Mang trong mình công nghệ e-POWER, Nissan Kicks vẫn không làm người dùng thất vọng khi dùng để vượt dốc, leo đèo.
“Vừa có bằng lái xong, vợ mình đòi mua xe riêng, dù ở nhà đã có một chiếc SUV chuyên dùng đi du lịch. Vợ mình nói, phải là một chiếc xe đa dụng, linh hoạt, vừa dùng để đi làm, vừa đi chơi. Đặc biệt, xe phải thực sự tiết kiệm nhiên liệu, không ám mùi xăng dầu, nếu là xe điện thì càng tốt. Cái duyên ập đến khi mình lái thử chiếc Nissan Kicks và thấy rằng nó thỏa mãn tất cả những nhu cầu kể trên”, anh Phạm Anh Tú, 40 tuổi, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ lý do chọn mua Nissan Kicks e-POWER để dành tặng vợ yêu của mình.
Chiếc Nissan Kicks vừa được bàn giao cho gia đình anh Tú hồi tháng 8 năm nay. ODO hiện tại đạt 1.850 km, mới qua bảo dưỡng lần đầu với chi phí khoảng 530.000 đồng. Những ngày đầu có xe mới, hai vợ chồng thay nhau cầm lái chạy quanh Thủ đô. Là một nhân viên văn phòng, anh Tú cũng có niềm đam mê đặc biệt với các món đồ công nghệ. Thế nên, chiếc Nissan Kicks cũng được anh Tú “vọc” khá kỹ lưỡng.
“Trên các diễn đàn, nhiều anh em trong hội xe đều cho rằng Kicks chỉ phù hợp nhất khi đi trong đô thị. Nhưng mình thì chưa tin điều đó lắm. Tất cả phải đến từ trải nghiệm thực tế của bản thân để xác nhận lại một lần nữa. Và thế là... chuyến “phượt” Hà Nội - Trạm Tấu (Yên Bái) bằng Nissan Kicks được lên lịch. Hai vợ chồng gửi con, nhờ ông bà chăm sóc rồi xách balô lên và đi thôi”, anh Tú nói.
Nhờ kinh nghiệm từ các chuyến “phượt” trước đó, hành trang của vợ chồng anh Tú cũng khá đơn giản, gồm một lều cắm trại gấp gọn, đồ sơ cứu, băng keo, dao đi rừng, la bàn, đèn pin, bơm xe, kích gầm và nước uống.
Lộ trình Hà Nội - Trạm Tấu dài hơn 260 km, chia làm hai chặng. Chặng thứ nhất (Hà Nội - TP. Yên Bái) chủ yếu là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Anh Tú cho biết, lượng tiêu thụ nhiên liệu thực tế khi đi trong thành phố khoảng 3-3,5 lít/100 km, một mức tiêu thụ thấp đến “bất ngờ” so với các mẫu xe cùng phân khúc. So với các dòng xe chạy xăng, khi chạy trên đường trường đáng lý phải tiết kiệm xăng hơn đi trong phố, nhưng với Nissan Kicks thì lại ngược lại.
Vừa vào cao tốc, mức tiêu hao nhiên liệu do máy tính toán nhảy vọt từ 3 lít/100 km lên 5,1-5,4 lít/100 km nếu chọn chế độ lái Eco, hoặc 6-7 lít/100 km nếu chọn chế độ lái Sport. Tuy nhiên, mức tiêu hao này cũng vẫn rất thấp so với nhiều mẫu xe chạy xăng truyền thống.
“Điểm thú vị nhất mà tôi thấy là khả năng bứt tốc. Vì động cơ xăng chỉ đóng vai trò như máy phát điện để sạc cho pin, toàn bộ truyền động do động cơ điện đảm nhiệm nên khả năng đáp ứng của xe gần như là tức thì. Đặc biệt khi ở vòng tua thấp, Nissan Kicks dễ dàng đạt mô-men xoắn cực đại nên dễ dàng vượt lên nhiều chiếc xe khác cùng chiều. Khi bứt tốc, cảm giác lực kéo của xe cũng rất nhẹ nhàng, thanh thoát, không có độ nặng như khi cầm lái những chiếc SUV cỡ lớn. Điều này cũng xuất hiện ở các mẫu xe khác của Nissan như Almera, Navara, chứng tỏ đây là một ưu thế rất mạnh của Nissan so với các đối thủ cùng phân khúc”, anh Tú nói.
Chặng thứ hai (TP. Yên Bái - Trạm Tấu), cung đường bắt đầu nhỏ lại, quanh co và có độ dốc, nhưng Nissan Kicks vẫn đáp ứng rất tốt. Thử thách chỉ bắt đầu xuất hiện ở khoảng 30 km cuối hành trình, từ địa phận xã Phúc Sơn (Thị xã Nghĩa Lộ) đến Trạm Tấu. Đường uốn lượn, khúc khuỷu, nhiều con dốc cao, lại trong mùa mưa bão nên mặt đường khá trơn trượt.
“Những đoạn đường bằng phẳng, ôm theo sườn núi, khả năng ôm cua của Kicks khá “ngọt”. Hai vợ chồng tôi ngồi ở ghế trước đều có cảm giác dính ghế. Những đoạn đường có tầm nhìn tốt, việc vượt xe khác rất dễ dàng và nhanh chóng. Riêng những đoạn dốc cao, buộc phải để chế độ Sport và nhấn ga sâu; tiêu hao nhiên liệu nhảy vọt lên 8-9 lít/100 km. Ấy vậy mà lúc đổ đèo thì xe hầu như... không ăn một giọt xăng nào. Cảm giác này rất rõ ràng và hoàn toàn có thể tính toán được”, anh Tú chia sẻ.
Đây là một tính năng ưu việt mà hệ thống e-Pedal Step (chế độ vận hành một chân ga) của Nissan đem lại. Thông thường, khi đổ dốc, đối với xe dùng động cơ đốt trong, người lái phải về số thấp, kết hợp dùng phanh. Việc rà phanh liên tục vừa khiến hệ thống phanh bị nóng, dễ gây cháy phanh mà vẫn tốn nhiên liệu.
Trong khi đó, với chế độ e-Pedal, khi nhả bàn đạp ga, mô tơ điện sẽ tạo ra lực phanh mạnh gấp ba lần so với lực phanh của động cơ đốt trong thông thường. Cường độ lực phanh thay đổi theo mức độ nhả của bàn đạp ga. Nhả chân ga càng nhiều, lực phanh càng mạnh và ngược lại. Đồng thời, khi giảm tốc, một phần năng lượng sẽ được thu hồi và sạc lại cho pin. Như vậy, ngoài việc sạc điện từ động cơ xăng thì pin lithium trong Nissan Kicks cũng nhận thêm năng lượng từ quá trình phanh tái tạo. Đây là một trong những tác động chính giúp Nissan Kicks đem lại hiệu quả sử dụng nhiên liệu vượt trội so với nhiều mẫu xe xăng có mặt trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, anh Tú cũng cho biết, việc vận hành chỉ bằng một chân ga, không cần đến chân phanh cũng giúp cho thao tác xử lý trên đường đèo trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn hẳn.
Tính chung quãng đường từ quận Thanh Xuân (Hà Nội) đến Trạm Tấu (Yên Bái), anh Tú cùng vợ di chuyển mất 4 giờ 15 phút, nhanh hơn 1 giờ đồng hồ so với gợi ý trên Google map. Thậm chí, chặng đường từ Trạm Tấu về Hà Nội, nhiều đoạn đổ dốc liên tục, lượng nhiên liệu tiêu hao hiển thị chỉ khoảng 2,2 lít/100 km, bằng với con số mà nhà sản xuất đưa ra ở trong điều kiện vận hành lý tưởng.
“Dù vậy, vẫn có một vài điểm cần lưu ý khi “phượt” Tây Bắc bằng Nissan Kicks. Trong chuyến đi này, xe của tôi sở hữu lốp loại HT, vốn chỉ phù hợp nhất với địa hình đường nhựa hoặc bê tông bằng phẳng. Khi dùng lốp này để vượt đèo chắc chắn sẽ là một bất lợi, đặc biệt khi trời mưa, đường xấu và trơn trượt. Vậy nên, những cung đường như từ Sa Pa vào Mường Hum, hoặc từ Mường Hum lên Y Tý, Giàng Su Phì ở Hà Giang thì tốt nhất nên cân nhắc lựa chọn 1 bộ lốp phù hợp hơn. Đồng thời, nếu muốn đi phượt thì những phụ kiện như bộ lốp dự phòng, bơm hơi, kích xe là không thể thiếu”, anh Tú nói.
Cũng theo anh Phạm Anh Tú, việc chọn mua ô tô, đánh giá xe này đáng mua hơn xe kia là cảm nhận của mỗi người.
Nhiều người chọn mua những dòng xe phổ thông, bán chạy với tâm niệm “đắt hàng thì chất lượng thường là tốt” và quan trọng hơn là phụ tùng giá rẻ, dễ sửa chữa, lại có khả năng giữ giá tốt hơn nếu muốn sang nhượng, lên đời xe. Trong khi đó, những khách hàng mua Nissan Kicks thường là những người yêu công nghệ, mong muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và sẵn sàng chi tiền để phục vụ những trải nghiệm ấy.
“Nissan Kicks đã đem đến cho vợ chồng tôi một trải nghiệm thực sự mới lạ, đó là cảm giác lái an toàn, nhàn và tự tin do công nghệ e-POWER mang lại. Dù chưa phải là một chiếc xe thuần điện nhưng trải nghiệm không khác là bao. Trong thời gian tới, tôi hi vọng rằng, khi Nissan tiếp tục ra mắt phiên bản Kicks 2024 thì vẫn tiếp tục hỗ trợ những khách hàng tiên phong cho dòng xe hybrid ở Việt Nam, bằng những nâng cấp, phụ kiện mới, cùng với chế độ ưu đãi phù hợp”, anh Tú chia sẻ.