16:43 11/04/2025

Thay đổi lối sống để phòng ngừa suy thận mạn

Hoài Phương

Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận trung bình 30 - 40 bệnh nhân thận mới. Đáng chú ý, bệnh nhân nhập viện ngày càng có nhiều người dưới 30 tuổi…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh nhân M. (30 tuổi, ở Bắc Giang) tâm sự 5 năm trước khi đang đi làm có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Khám tại bệnh viện huyện, anh được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. “Khi nhận chẩn đoán, tôi rất bất ngờ vì trước đó không có biểu hiện gì, vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Giờ cuộc sống đảo lộn, muốn làm nhưng sức khoẻ không cho phép, thậm chí sinh hoạt bình thường thôi cũng không được… ”, M. chia sẻ.

“Có rất nhiều người trẻ đang điều trị nội trú tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, hầu hết những người này phải nhập viện là do viêm cầu thận mạn. Có những thanh niên còn rất trẻ đã bị bệnh thận ở giai đoạn cuối”, TS.BS Nghiêm Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

“Khi không phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì chi phí điều trị vừa tốn kém hơn mà thời gian điều trị bảo tồn cũng không được lâu. Có những người bệnh, gia đình có điều kiện, bố mẹ hoàn toàn có thể cho thận, nhưng tình trạng suy tim đã quá nặng, bệnh nhân không thể tiến hành ghép thận. Lúc đó buộc phải chấp nhận phương án tối ưu nhất là lọc màng bụng hoặc thận nhân tạo”.

Thay đổi lối sống để phòng ngừa suy thận mạn - Ảnh 1

Bệnh thận thường diễn biến rất âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Ở Trung tâm Thận tiết liệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều người chỉ phát hiện bệnh sau khi khám sức khỏe tại cơ quan hoặc làm hồ sơ đi du học.

Theo TS.BS Nghiêm Trung Dũng, xu hướng trẻ hóa người bị suy thận liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó ngoài nguyên nhân do viêm cầu thận thì thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ của người trẻ cũng là yếu tố nguy cơ thúc đẩy các bệnh lý chuyển hóa sớm gây ra nhiều bệnh lý trong đó có bệnh thận mạn.

Lối sống thiếu khoa học, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động, ăn uống nhiều chất béo, chất đường… ở giới trẻ dễ dẫn đến các hội chứng chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gout, béo phì…). Biến chứng của những căn bệnh chuyển hóa này lên cơ quan thận là một trong những nguyên nhân khiến suy thận gia tăng ở người trẻ.

“Người trẻ bây giờ sử dụng quá nhiều đồ uống không rõ nguồn gốc, ăn nhiều đồ ăn tiện lợi như mì gói, đồ hộp với hàm lượng muối cao cộng thêm thói quen sinh hoạt không điều độ, không đúng theo nhịp sinh học. Ngủ quá muộn, lười vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh thận”, TS.BS Nghiêm Trung Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, thói quen lạm dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng người bị suy thận.

Để hạn chế nguy cơ suy thận mạn tính, người dân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại rau củ, uống nhiều nước, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, thường xuyên tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe, sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc Tây hay các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Đồ ăn tiện lợi với hàm lượng muối cao không tốt cho thận.
Đồ ăn tiện lợi với hàm lượng muối cao không tốt cho thận.

Thực tế, gần 850 triệu người đang chịu gánh nặng của bệnh thận mạn tính trên toàn cầu, chiếm hơn 10% dân số thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có tới 8,7 triệu người trưởng thành đang phải sống chung với căn bệnh này, tương đương gần 12,8% dân số trưởng thành.

Tại tọa đàm "Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh" cuối năm ngoái, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho hay trong số hàng triệu người bệnh thận mạn tính (CKD) có đến hơn 90% hoàn toàn không nhận thức được tình trạng sức khỏe của mình cho đến khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn, gây ra những gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Một khảo sát cho thấy, một số người chăm sóc bệnh nhân CKD phải dành từ 4 - 35 giờ mỗi tuần để hỗ trợ người thân, bao gồm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, thăm khám tại bệnh viện và hỗ trợ về mặt tâm lý; sự hỗ trợ này càng trở nên cấp thiết khi bệnh tiến triển vào các giai đoạn muộn. Một khía cạnh vô cùng quan trọng là tác động của CKD đến môi trường. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm, lọc máu sử dụng hơn 169 tỷ lít nước và tạo ra 1 tỷ kg chất thải.

Trong bối cảnh bệnh thận mạn đang trở thành một vấn đề y tế chung toàn cầu, nhiều tổ chức y tế, doanh nghiệp và bệnh viện đã và đang nỗ lực triển khai các chương trình hành động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tầm soát bệnh sớm và cải thiện chất lượng điều trị CKD.

Thay đổi lối sống để phòng ngừa suy thận mạn - Ảnh 2

Chỉ tính riêng năm 2024, hơn 200.000 cá nhân tại Việt Nam đã được sàng lọc các yếu tố nguy cơ liên quan đến thận, cho phép xác định sớm gần 10.000 bệnh nhân. Đáng chú ý, 10% trong số những bệnh nhân này cho thấy kết quả UACR/eGFR ban đầu dương tính điều này cho thấy việc sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời, giúp họ tránh được các biến chứng và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh đến giai đoạn cuối (ESKD).

Ngoài ra, đối với bệnh nhân suy thận phải tạo cầu nối AVF để chạy thận, lọc máu, sau nhiều năm, người bệnh có thể gặp một số biến chứng của cầu nối như: hẹp, phồng, giả phồng, nhiễm trùng, vỡ… Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, hiện kỹ thuật can thiệp tiên tiến hiện nay đã đem đến hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân suy thận mạn.

Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Nam, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, để xử lý tình trạng hẹp cầu nối AVF, các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã áp dụng kỹ thuật can thiệp nong bóng tái thông mạch để điều trị. Đây là phương pháp can thiệp nội mạch xâm lấn tối thiểu, giúp tái thông dòng chảy bằng cách sử dụng bóng nong mạch hoặc đặt stent để mở rộng vị trí bị hẹp.

Kỹ thuật này giúp người bệnh duy trì liệu trình chạy thận ổn định, giảm thiểu nguy cơ phải tạo cầu nối mới, giúp họ có một cuộc sống chất lượng hơn và đem lại nhiều lợi ích như: giúp cải thiện lưu lượng máu ngay lập tức, đảm bảo quá trình lọc máu không bị gián đoạn; không cần phẫu thuật lớn, giảm nguy cơ biến chứng và thời gian hồi phục nhanh chóng; giúp kéo dài tuổi thọ của cầu nối, hạn chế việc phải tạo cầu nối mới; tránh các can thiệp phẫu thuật phức tạp, giảm thời gian nằm viện và gánh nặng tài chính cho người bệnh.

Việc phát hiện sớm các tổn thương và can thiệp kịp thời đóng vai trò quyết định trong việc duy trì chức năng AVF.
Việc phát hiện sớm các tổn thương và can thiệp kịp thời đóng vai trò quyết định trong việc duy trì chức năng AVF.

Các bác sĩ  khuyến cáo, đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và có cầu nối AVF, cần được chăm sóc và theo dõi định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhằm duy trì quá trình lọc máu ổn định và hạn chế nguy cơ biến chứng.

Người bệnh nên kiểm tra cầu nối hằng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như: sưng, đỏ, đau, giảm tiếng rung hoặc khó tiếp cận trong quá trình lọc máu; tránh mang vác nặng hoặc tạo áp lực lên tay có cầu nối để hạn chế nguy cơ tổn thương; giữ vệ sinh vùng cầu nối sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng; đồng thời tuân thủ lịch tái khám và kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.