Tôm khô củ kiệu: hương vị tết miền Tây
Người miền Tây thường mua kiệu về làm món dưa kiệu ăn với cơm hoặc ăn kèm cùng các món nhậu. Mà trong đó phải kể tới món củ kiệu tôm khô trứ danh.
Có thể nói tôm khô củ kiệu trứng bắc thảo là món ngon đậm chất truyền thống và quá đỗi quen thuộc của người dân Nam bộ. Giống như dưa món của người miền Trung, hành muối của người miền Bắc, củ kiệu ngâm chua ăn kèm tôm khô, trứng bắc thảo luôn xuất hiện trên mâm cỗ của người miền Nam ngày tết.Kiệu là loại củ đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, v.v vào dịp cuối thu đầu xuân. Hình dáng cây kiệu rất giống hành, nhưng ít hăng hơn và củ cũng nhỏ hơn rất nhiều. Cứ bắt đầu vào tháng chạp là ở các chợ đầu mối lại ùn ùn đưa củ kiệu về các chợ nhỏ, chợ quê. Nhìn những bành củ kiệu như mảng cỏ lớn được đưa ra bán, ít ai hình dung được là chỉ sau ít ngày, đám cỏ lấm lem bùn đất đó sẽ hoá thân thành món củ kiệu trắng tươi trong hũ sành, hũ thuỷ tinh của mỗi gia đình.
Củ kiệu có tên thuốc là giới bạch, là loại cây thảo, thân hành màu trắng. Theo Đông y, củ kiệu có tác dụng bổ khí, ôn ấm tỳ vị. Ăn kiệu giúp tăng cường sức đề kháng khi thời tiết giá lạnh, tốt cho đường tiêu hóa kiện vị, tiêu thực. Ngoài ra, theo các nghiên cứu hiện đại, củ kiệu có tác dụng lợi niệu, hạ huyết áp, chống xơ vữa động mạch, phòng ngừa sự hình thành huyết khối gây nghẽn tắc mạch máu, thiếu máu cơ tim, có tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn và tế bào ung thư.Cứ mỗi độ tết về, ngoài bánh tét là món ăn chính thì củ kiệu là món đồ chua nhà nhà phải có. Có dưa kiệu chua ngọt giòn giòn ăn kèm bánh tét hay thịt kho tàu, v.v món ăn ngon hơn đỡ ngán hơn. Nhưng không lẽ dưa kiệu chỉ được ăn vào ngày tết thôi sao, vậy có phải quá uổng hay không. Dư vị đặc biệt lại dễ ăn nên công thức món ăn mới cứ thế ra đời phục vụ nhu cầu thưởng thức hàng ngày. Sẵn có đặc sản tôm khô trứ danh, có quả trứng bắc thảo người ta đem trộn cùng dưa kiệu, nêm nếm gia vị, vậy là ra đời tôm khô củ kiệu ngon lạ. Ở đó, có vị đậm đà của tôm, vị béo thơm của trứng và chua giòn của kiệu.
Đặc biệt, người miền Tây không ăn củ kiệu với bánh tét bao giờ. Theo một phong cách ẩm thực riêng, người miền Tây quan niệm dĩa củ kiệu tôm khô là một món ăn độc lập, cũng đủ kiêu hãnh và hấp dẫn như bất kỳ dĩa thịt hay cá nào khác. Một dĩa củ kiệu tôm khô có rắc thêm một lớp đường cát trắng, có khi thêm vài lát hột vịt bắc thảo… là đủ cả nam nữ, già trẻ, dù có nhậu hay không nhậu, cũng đều ưa thích.Thật khó mà tả hết vị ngon chảy nước miếng của món tôm khô củ kiệu. Củ kiệu vốn là một món đồ chua nhưng khi ăn vào lại có vị ngọt nồng nàn, dùng kèm với vài con tôm khô, nhất là tôm đất sẽ được thêm vị ngọt bùi từ thịt tôm, kèm theo một vài lát trứng bắc thảo béo thơm càng làm tôn lên hương vị thơm ngon đặc trưng có một không hai của món ngon truyền thống này.
Món tôm khô củ kiệuNguyên liệu: Củ kiệu muối 150 gram. Tôm khô ngon 200 gram. Một quả trứng bắc thảo. Đường cát.Cách làm: Tôm khô rửa qua nước lạnh cho sạch bụi bẩn. Đun một chút nước ấm, bỏ tôm vào ngâm 15 phút cho mềm. Sau đó vớt ra để ráo. Củ kiệu vớt ra, bổ đôi để riêng. Phần nước giấm ngâm kiệu tận dụng làm gia vị trộn tôm. Trứng bắc thảo rửa sạch, luộc 15 phút rồi bóc vỏ. Lấy dao cắt thành 8 miếng. Chọn một chiếc đĩa lớn, trộn đều tôm khô với củ kiệu rồi rưới chút nước giấm lên trên, thêm chút đường cát để tăng vị ngọt. Trang trí trứng bắc thảo xung quanh.