2019 - Năm u tối của công nghiệp ôtô thế giới

An Huy
Kinh tế giảm tốc khiến người tiêu dùng trên khắp thế giới tỏ ra ngần ngại hơn với việc rút hầu bao để sắm ôtô mới
Xe hơi nhập khẩu tại một bến cảng ở New Jersey, Mỹ, tháng 2/2019 - Ảnh: Reuters.
Xe hơi nhập khẩu tại một bến cảng ở New Jersey, Mỹ, tháng 2/2019 - Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, và như một hệ quả tất yếu của sự giảm tốc đó, người tiêu dùng trên khắp thế giới tỏ ra ngần ngại hơn với việc rút hầu bao để sắm ôtô mới.

Trong bối cảnh như vậy, dù còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc, năm 2019 gần như đã chắc chắn sẽ trở thành một năm đáng quên của ngành công nghiệp ôtô. Và bức tranh u ám của ngành này khiến triển vọng hồi phục của ngành sản xuất nói chung càng thêm phần mong manh.

"Sự suy giảm của thị trường ôtô toàn cầu từ giữa năm 2018 chính là nguyên nhân chủ chốt phía sau tình trạng xuống dốc của ngành sản xuất. Bức tranh doanh số ôtô đang chuyển xấu nhiều hơn so với những gì chúng tôi dự báo", chuyên gia kinh tế trưởng Brian Coulton của tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nhận định với trang CNN Business.

Fitch dự báo, doanh số thị trường ôtô toàn cầu giảm 3,1 triệu xe trong 2019 so với năm ngoái, tương đương mức giảm khoảng 4%. Đây sẽ là cú giảm mạnh nhất của thị trường ôtô thế giới kể từ năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính ập đến. Ngoài ra, năm nay cũng sẽ là năm thứ hai liên tiếp doanh số ôtô toàn cầu giảm.

Fitch ước tính tổng số xe mới được tiêu thụ trên thế giới năm nay đạt 77,5 triệu xe.

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu ôtô tại Trung Quốc - thị trường xe lớn nhất thế giới - đã giảm 11%, trở thành nhân tố lớn nhất đóng góp vào sự sụt giảm của thị trường xe toàn cầu. Ngoài sự giảm tốc mạnh của kinh tế Trung Quốc do thương chiến với Mỹ, việc Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp cho xe chạy điện cũng là lý do quan trọng khiến doanh số thị trường xe nước này trượt dài.

Theo số liệu của Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA), doanh số xe hơi ở nước này trong tháng 10 giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 1,87 triệu xe. Đây là tháng giảm doanh số thứ 16 trong vòng 17 tháng của thị trường xe hơi Trung Quốc. Duy chỉ có tháng 6 chứng kiến doanh số tưng do các đại lý giảm mạnh giá bán xe để đẩy hàng tồn kho.

Bức tranh ảm đạm của ngành công nghiệp ôtô 2019 không chỉ là câu chuyện của Trung Quốc.

"Hầu như chẳng có lý do nào để tin rằng thị trường ôtô toàn cầu sẽ hồi phục trong 2020, cho dù thị trường ôtô Trung Quốc được dự báo phục hồi khoảng 1%", ông Coulton nói. "Điều này có nghĩa là sự suy giảm của ngành ôtô sẽ tiếp tục đè nặng lên ngành sản xuất toàn cầu và những nền kinh tế có độ phụ thuộc cao vào ngành sản xuất, chẳng hạn như Đức".

Trên thực tế, kinh tế Đức - nền kinh tế đầu tàu của khu vực Eurozone - đã mấp mé bờ vực suy thoái. Hôm thứ Ba, hãng xe Đức Audi công bố cắt giảm 7.500 nhân viên.

Tại Mỹ, các hãng xe lớn như General Motors (GM), Ford và Honda đều đã phải cắt giảm sản lượng xe do thị trường yếu đi. Fitch dự báo toàn thị trường ôtô Mỹ sẽ chứng kiến mức giảm doanh số 2% trong năm nay, còn 16,9 triệu xe.

Doanh số ôtô tại các thị trường lớn khác như Brazil, Nga, Ấn Độ và khu vực Tây Âu cũng được dự báo giảm trong 2019.

Ngoài sự giảm tốc kinh tế toàn cầu, theo ông Coulton, các yếu tố như mối lo về ô nhiễm môi trường do xe chạy dầu diesel gây ra, và sự phổ biến của dịch vụ chia sẻ xe cũng gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ ôtô.

Năm 2018, doanh số thị trường xe toàn cầu đạt 80,6 triệu xe, giảm từ mức 81,8 triệu xe trong năm 2017, đánh dấu năm giảm đầu tiên kể từ 2009.

Tin mới

Giấc mơ Robotaxi có thể là cơn ác mộng về pháp lý đối với Tesla và các nhà đầu tư

Giấc mơ Robotaxi có thể là cơn ác mộng về pháp lý đối với Tesla và các nhà đầu tư

Chương trình thí điểm robotaxi của Tesla được kiểm soát chặt chẽ tại Austin đã trải qua 16 ngày mà không xảy ra tai nạn nghiêm trọng nào. Nhưng vào ngày 24 tháng 6, một chiếc Model Y trong đội xe thử nghiệm đã đâm vào một chiếc Toyota Camry đang đỗ bên ngoài một tiệm pizza nổi tiếng. Đó chỉ là một sự cố nhỏ, nhưngvấn đề đặt ra nếu đó là con người thì câu chuyện hoàn toàn khác.
Chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ giao thông sẽ tăng gấp 3 lần trong thập kỷ tới

Chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ giao thông sẽ tăng gấp 3 lần trong thập kỷ tới

Chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ giao thông dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong thập kỷ tới, từ 389 tỷ USD vào năm 2023 lên 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2035, chủ yếu nhờ sự mở rộng đáng kể trong lĩnh vực sạc xe điện (EV) và các dịch vụ kỹ thuật số, đặc biệt là các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS).
AI: Động cơ mới thúc đẩy tương lai ngành ô tô toàn cầu

AI: Động cơ mới thúc đẩy tương lai ngành ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua một sự chuyển mình mạnh mẽ. Trái tim của một chiếc xe từng là động cơ cơ khí, nhưng ngày nay, sức mạnh chuyển đổi nằm ở trí tuệ nhân tạo (AI). Khi AI được tích hợp vào mọi khía cạnh của thiết kế, sản xuất và trải nghiệm người dùng, nó nhanh chóng trở thành "động cơ" thúc đẩy sự đổi mới và lợi thế cạnh tranh.
Hãng xe lớn thứ 2 Trung Quốc và hành trình làm chủ công nghệ xe tự hành

Hãng xe lớn thứ 2 Trung Quốc và hành trình làm chủ công nghệ xe tự hành

Trong cuộc đua xe tự hành toàn cầu đang phát triển nóng, các đối thủ hàng đầu như Tesla, Waymo và Zoox dẫn đầu về đổi mới công nghệ và dịch vụ. Tuy nhiên, một trong những ông lớn của ngành ô tô Trung Quốc đã âm thầm tham gia thị trường này một cách kín tiếng và phát triển mạnh mẽ đó là Geely.