Các hãng xe Nhật lo làn sóng tẩy chay mới ở Trung Quốc

An Huy
Hãng xe Nissan cho biết đang “theo dõi chặt chẽ” các diễn biến trong quan hệ Nhật-Trung
Bên trong một điểm phân phối xe Nissan ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg.<br>
Bên trong một điểm phân phối xe Nissan ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg.<br>
Các nhà sản xuất xe hơi của Nhật Bản đang lo bị khách hàng Trung Quốc tẩy chay nếu căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước gia tăng sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới thăm ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni đúng vào ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, hãng xe Nissan cho biết đang “theo dõi chặt chẽ” các diễn biến trong quan hệ Nhật-Trung sau chuyến thăm của ông Abe. Đây là lần đầu tiên trong vòng bảy năm qua, một thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản tới viếng thăm đền Yasukuni.

Ngôi đền Yasukuni là nơi thờ những người Nhật chết trong chiến tranh, bao gồm 14 tướng lĩnh thời Chiến tranh Thế giới 2 bị xem là tội phạm chiến tranh loại A. Hàn Quốc và Trung Quốc coi đền Yasukuni là một biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật. Việc Thủ tướng Abe tới thăm ngôi đền này ngày 26/12 đã dẫn tới sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Với tư cách là một công ty, chúng tôi không thể can thiệp vào các vấn đề chính trị. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là làm tốt hơn nữa công việc của mình”, phát ngôn viên Huo Jing của Nissan tại Bắc Kinh nói.

Năm ngoái, hai hãng xe lớn nhất của Nhật là Toyota và Honda cùng chứng kiến mức doanh số cả năm tại Trung Quốc giảm lần đầu tiên. Xe Nhật đã bị tẩy chay tại thị trường Trung Quốc sau khi Chính phủ Nhật tuyên bố quốc hữu hóa một quần đảo nằm trong diện tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoa Đông, dẫn tới làn sóng biểu tình phản đối ở Trung Quốc.

Chuyến thăm lần này của ông Abe tới đền Yasukuni trùng với sinh nhật thứ 120 của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, đã tham gia vào các hoạt động kỷ niệm sự kiện này.

“Chúng tôi hiện vẫn đang trong giai đoạn cần phải theo dõi thận trọng ảnh hưởng của sự việc, nhưng rõ ràng việc này sẽ chỉ có ảnh hưởng bất lợi đối với Nhật Bản”, ông Mitsushige Akino, Giám đốc quản lý quỹ tại công ty Ichiyoshi Asset Management ở Tokyo, đánh giá. “Chuyến thăm này gây những rủi ro lớn về địa chính trị”.

Sau đợt tẩy chay năm ngoái, các hãng xe Nhật hiện đang trong quá trình hồi phục tại thị trường Trung Quốc, cho dù cái giá sự hồi phục này là các hãng xe Nhật phải hy sinh lợi nhuận để đạt doanh số cao hơn.

“Việc họ chọn ngày hôm nay để tới thăm ngôi đền sẽ càng khiến người Trung Quốc khó chấp nhận. Tín hiệu họ gửi đi là rất nguy hiểm. Một số khách mua xe Trung Quốc sẽ dè chừng với xe Nhật vì mối quan ngại an toàn với chiếc xe và thậm chí là đối với cả bản thân họ nếu môi trường chính trị xấu đi”, ông Cui Dongshu, Phó tổng thư ký của Hiệp hội Xe hơi Thượng Hải, nhận xét.

Theo ông Cui, chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới đền Yasukuni có thể dẫn tới sự lặp lại của làn sóng tẩy chay xe Nhật ở Trung Quốc vào năm ngoái.

Đại diện của Honda tại Bắc Kinh từ chối đưa ra bình luận với lý do chính sách của công ty là không bàn chuyện chính trị. Phóng viên của Bloomberg không liên hiện được với đại diện của Toyota.

Bà Zhang Yulan, một người hưu trí ở Bắc Kinh, nói sẽ không cho con trai mua xe Nhật. “Chính phủ Nhật lúc nào cũng gây rắc rối. Có rất nhiều lựa chọn, tại sao cứ phải mua xe Nhật. Tôi biết là nhiều xe Nhật giờ được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng vì sao lại phải giúp người Nhật kiếm tiền chứ”, bà Zhang nói.

Lãnh sự quán của Nhật Bản tại Thượng Hải  đã lên tiếng cảnh báo công dân Nhật thận trọng vì tình hình có thể xấu đi xét tới thái độ “phản đối Nhật Bản mạnh mẽ” của giới truyền thông Trung Quốc.

Vào giai đoạn cao điểm của các biểu tình phản đối Nhật Bản vào năm ngoái, hàng trăm cảnh sát chống báo động đã được huy động để ngăn dòng người biểu tình trước lãnh sự quán Nhật ở Thượng Hải. Cùng với đó, hàng nghìn chiếc xe Nhật ở Trung Quốc bị đập phá, các công ty Nhật bị tấn công. Hãng bán lẻ Fast Retailing đã phải đóng cửa các cửa hiệu ở Bắc Kinh trong thời gian cao điểm của các cuộc biểu tình. Thậm chí, hai nhà phân phối xe Toyota và Honda ở Thanh Đảo đã bị người biểu tình phóng hỏa.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.