Đắt đỏ như mua ôtô ở Singapore

An Huy
Có thu nhập bình quân đầu người vào hàng cao nhất thế giới, nhưng hiện không có nhiều người Singapore đủ sức tậu một chiếc xe hơi mới
Gần đây, Chính phủ Singapore đã áp dụng thêm các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường xe hơi.
Gần đây, Chính phủ Singapore đã áp dụng thêm các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường xe hơi.
Nằm trong số những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất và là một trong những địa chỉ có giá sinh hoạt “cắt cổ” nhất thế giới, đảo quốc Singapore giờ tiếp tục gây dấu ấn khi trở thành một trong những đất nước mà việc sở hữu một chiếc xe hơi là tốn kém vô đối.

Gần đây, Chính phủ Singapore đã áp dụng thêm các biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường xe hơi, bao gồm tăng mức trả trước tối thiểu đối với mỗi chiếc xe lên 40%, rút ngắn thời hạn tối đa đối với các khoản vay mua xe xuống còn 5 năm từ mức 10 năm trước đó, bên cạnh tăng thuế sở hữu xe. Các động thái này đã khiến nhiều hộ gia đình ở đảo quốc Sư tử hết muốn mua xe, hoặc đơn giản là không đủ khả năng tài chính để mua.

Hãng tin CNBC cho biết, dù Singapore là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, hiện không có nhiều người ở nước này đủ sức tậu một chiếc xe mới.

“Việc này vượt quá tầm tay của tôi, rất xa”, huấn luyện viên thể dục 43 tuổi Andy Siew, người có thu nhập cả gia đình khoảng 9.650 USD/tháng, cho biết. “Bất kỳ nhà nào có mức thu nhập tương tự đều không thể mua xe ở thời điểm này”.

Trước khi Singapore áp dụng các biện pháp kiểm soát mới, thì chi phí mua xe ở nước này đã rất cao so với các nền kinh tế phát triển khác. Tất cả xe mới được bán đều bị đánh thuế sở hữu với thuế suất 100% giá xe. Ngoài ra, người mua còn phải nộp tiền để có được giấy phép lưu hành phương tiện (certificate of entitlement - COE) để được quyền sở hữu và sử dụng xe đó trong 10 năm. Đây được xem là một công cụ nhằm hạn chế số lượng xe hơi ở Singapore, một đảo quốc chật hẹp với diện tích chỉ 276 dặm vuông.

Hiện nay, mức phí trung bình để mua một COE ở Singapore là vào khoảng 87.000 Đôla Singapore (tương đương 70.000 USD). Với COE, thì tổng chi phí phải bỏ ra để sở hữu một chiếc sedan “thường thường bậc trung” ở Singapore như Corolla Altis lên tới khoảng 120.000 USD, trong khi chiếc xe này có giá bán ở nước láng giềng Malaysia chỉ từ 34.000 USD, ở Mỹ từ 16.000 USD, và ở Anh từ 20.000 USD.

Theo ông Mohit Aroa, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng nghiên cứu J.D. Power & Associates, các biện pháp kiểm soát mới của Singapore đang loại những khách hàng có túi tiền trung bình ra khỏi thị trường xe vốn dĩ đã rất khắc nghiệt của nước này.

“Ở bất kỳ đâu trên thế giới, việc sở hữu một chiếc xe hơi gửi đi thông điệp về địa vị trong xã hội. Tôi nghĩ, việc này đang ngày trở nên khó khăn hơn đối với người dân Singapore bình thường”, ông Arora nhận xét.

Thậm chí ở phân khúc thị trường cao cấp, khách mua xe cũng đang cảm thấy “sức nóng” từ những biện pháp mới nhất mà Chính phủ Singapore đưa ra. Một nhân viên bán hàng tại một công ty bán xe sang ở Singapore cho hay, kể từ khi các biện pháp này được công bố vào tuần trước, họ nhận thấy việc bán xe trở nên thực sự khó khăn.

“Ai cũng nghĩ nếu có 100.000 Đôla Singapore lúc này, họ sẽ không mua xe mà mua nhà”, nhân viên bán hàng này cho biết. Công ty của anh này chuyên bán những chiếc xe cao cấp, có giá trung bình khoảng 200.000 Đôla Singapore.

Singapore sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng đẳng cấp, nhưng dân số của nước này đã tăng vọt từ mức 4,2 triệu người lên 5,3 triệu người trong vòng chỉ có 10 năm, dẫn tới tình trạng chật chội quá mức trên các phương tiện giao thông như tàu hỏa, xe bus và các con đường. Hiện số lượng xe hơi đang được lưu hành ở Singapore đã lên tới mức 965.000 xe.

Chính phủ Singapore đã tăng cường hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân giảm sử dụng xe riêng, nhưng giới phân tích và người dân cho rằng, các dịch vụ này vẫn chưa đủ tốt để tạo sức hút lớn hơn.

“Hệ thống giao thông của chúng tôi không thực sự tốt… Các con tàu và xe bus không đúng giờ, taxi đôi lúc rất khó gọi, nhất là vào những ngày mưa hay giờ cao điểm”, anh Siew cho biết.

Vì thế, song song với sự gia tăng gánh nặng lên hệ thống giao thông của Singapore, việc sở hữu một chiếc xe hơi đối với người dân ở nước này trở thành một nhu cầu hơn là một cách để thể hiện sự sang trọng.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.