“Ngõ hẹp” cho xe hơi?

Đức Thọ
Thị trường ôtô Việt Nam có thể sẽ phải đi qua “ngõ hẹp” nếu phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội phê chuẩn
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng trên mặt hàng ôtô, hiện dư luận đang nghiêng về hướng cắt giảm hoặc xóa bỏ nhiều hơn - Ảnh: Doãn Khuê.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng trên mặt hàng ôtô, hiện dư luận đang nghiêng về hướng cắt giảm hoặc xóa bỏ nhiều hơn - Ảnh: Doãn Khuê.
Thị trường ôtô Việt Nam có thể sẽ phải đi qua “ngõ hẹp” nếu phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội phê chuẩn.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý để Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét phương án điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII diễn ra vào tháng 5/2008.

Năm 2007, với ba lần liên tiếp giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 90% xuống còn 60%, tưởng như thị trường ôtô Việt Nam (chủ yếu là các loại xe du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống) sẽ được “rẽ” sang một “đại lộ” rộng mở.

Tuy nhiên, hai lần tăng trở lại trong 4 tháng đầu năm 2008 lần lượt ở mức 70% rồi 83% trên loại thuế suất này đã cho thấy quãng đường để đến được “đại lộ” kia đối với thị trường xe hơi vẫn còn dài.

Quan trọng là cho dù thuế nhập khẩu tăng mạnh trở lại (với tốc độ nhanh hơn so với giảm) thì lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu về nước vẫn tăng chóng mặt. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết tháng 4/2008, đã có tổng cộng 28.000 chiếc ôtô nhập khẩu về nước, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2007 đồng thời san bằng cách biệt về số lượng so với cả năm 2007.

Điều này đồng nghĩa mục tiêu mà Bộ Tài chính đặt ra tại hai lần tăng thuế nhập khẩu vừa qua là hạn chế nhập siêu, giảm lượng xe lưu hành dẫn đến ách tắc giao thông đã thất bại.

Do đó, việc trình lên Quốc hội phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô có thể coi như một tiếng còi thổi phạt “việt vị” của Bộ Tài chính đối với thị trường ôtô.

Theo tính toán, giả sử thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô được điều chỉnh tăng thêm 10%, giá các loại ôtô du lịch lắp ráp trong nước và nhập khẩu sẽ tăng thêm khoảng 6-9%. Riêng các loại xe “ngoại”, nếu cộng dồn với cả mức tăng 23% của thuế nhập khẩu sau hai quyết định vừa qua của Bộ Tài chính, giá của mặt hàng này sẽ tăng xấp xỉ 20% so với thời điểm cuối năm 2007.

Như vậy, nếu Quốc hội đồng ý với phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thị trường ôtô Việt Nam thời gian tới sẽ phải trải qua một “con ngõ hẹp” đầy gian nan trước khi “rẽ” sang “đại lộ” do lộ trình cắt giảm thuế tại cam kết WTO mang tới.

Tuy vậy, do thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế do Quốc hội quyết định nên sẽ cần sự đồng thuận của đa số đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Vì thế việc Quốc hội có thông qua phương án điều chỉnh thuế sắc thuế này hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng trên mặt hàng ôtô, hiện dư luận đang nghiêng về hướng cắt giảm hoặc xóa bỏ nhiều hơn.

Kết quả của một cuộc bình chọn do VnEconomy thực hiện cuối năm 2007 cũng đã cho thấy điều này. Nội dung bình chọn là: “Theo bạn giá ôtô sẽ giảm mạnh nếu: Giảm nhanh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc; Giảm nhanh thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng; Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt; Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa xe sản xuất trong nước; Cho phép các liên doanh nhập khẩu xe nguyên chiếc”.

Sau hơn một tháng thực hiện với 1.977 phiếu bình chọn đã có đến 1.112 ý kiến (chiếm 56,25%) cho rằng cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, tất cả các phương án còn lại chỉ gói gọn trong 43,75% số phiếu bình chọn.

Bên cạnh đó, cuối năm 2007 Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống mức hợp lý nhằm làm giảm giá ôtô trong nước. Tại cuộc họp ngày 26/10 do Bộ Công Thương chủ trì nhằm đánh giá việc thực hiện quy hoạch công nghiệp ôtô, đại diện hầu hết các doanh nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng không nên tiếp tục coi ôtô là mặt hàng xa xỉ, theo đó nên loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt.

* Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, thuế nhập khẩu đối với các loại ôtô con có dung tích xi-lanh dưới 2.500cm3 sẽ giảm xuống còn 70% trong vòng 7 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đối với xe có dung tích xi-lanh từ 2.500cm3 trở lên (loại chạy xăng) sẽ giảm xuống 52% trong vòng 12 năm và đối với có dung tích xi-lanh từ 2.500cm3 trở lên (loại 2 cầu) sẽ giảm xuống 47% trong vòng 10 năm.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.