Ông Võ Quang Huệ: “1 người làm trong nhà máy ôtô tạo ra việc làm cho 10 người nữa”

Bạch Huệ
"Tôi chuẩn bị về hưu rồi nên tôi rất bất ngờ được gặp anh Phạm Nhật Vượng trong một buổi sáng mà không bao giờ tôi quên được"
Ông Võ Quang Huệ - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast.
Ông Võ Quang Huệ - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast.

Đó là chia sẻ của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast Võ Quang Huệ khi dẫn đoàn đi thăm nhà máy ngày 14/5.

Ông Võ Quang Huệ - có 25 năm làm việc cho BMW, trở về Việt Nam với vai trò là Tổng giám đốc của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam từ ngày 1/2/2008. Với một kho kinh nghiệm quý báu về công nghiệp cơ khí, công nghiệp ôtô, ông Võ Quang Huệ khi đó dù ở độ tuổi gần về hưu vẫn được ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup lúc đó "chọn mặt gửi vàng".

Ông Huệ chia sẻ khi nhận được lời mời gặp mặt và khi ông Vượng nói về dự án ôtô, lúc đó trong đầu ông Huệ đầy hoài nghi và có những phản biện nhưng sau đó đã bị thuyết phục.

"Buổi sáng không bao giờ quên được"

Ông Huệ nói: "Có tận mắt thấy, chân đi thăm nhà máy sẽ tin chắc rằng đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. VinFast xây dựng nhà máy công nghiệp hiện đại 4.0 có những tiêu chí, những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Rõ ràng đây là một đề án rất lớn với tốc độ triển khai hỏa tốc, một chương trình hành động có thể nói là quá kinh khủng trong một khoảng thời gian kỷ lục như vậy".

Vị lãnh đạo nhấn mạnh ở VinFast mọi thứ được làm, được quyết rất nhanh chóng. Trên cao toà nhà có một chiếc đồng hồ đếm ngược để nhắc nhở cán bộ công nhân viên của VinFast hàng ngày là còn bao nhiêu thời gian nữa để tới ngày bắt đầu sản xuất hàng loạt xe ôtô mang thương hiệu Việt Nam. Đó là ngày 14/6 tới đây.

Câu chuyện của 21 tháng từ kịch bản, từ chọn lựa công nghệ, từ thiết kế, từ xây dựng, từ thương thảo hợp đồng, từ máy móc đưa vào với hàng ngàn container đã đưa đến đây.

Ông Huệ chia sẻ bản thân có 25 năm làm trong Tập đoàn BMW, đã đi rất nhiều nước, làm ở Mexico, ở Ấn Độ, Ai Cập, đã phụ trách Đông Nam Á cũng như các bạn đồng nghiệp James DeLucs, Kevin Fisher... đều thấy rất tự hào khi là thành viên của một đề án mang tinh thần Việt, một dấu ấn, một điểm nhấn cho sự phát triển.

"Với khởi đầu như thế thì đến giờ phút này tôi nghĩ lại như mới hôm qua thôi. Thực sự là tôi chuẩn bị về hưu rồi nên tôi rất bất ngờ được gặp anh Phạm Nhật Vượng trong một buổi sáng mà không bao giờ tôi quên được. Trong câu chuyện của chúng tôi trao đổi trong thời gian rất ngắn như vậy, tôi cũng phản biện, cũng nêu những câu hỏi để biết câu chuyện như thế nào. Tôi đã thực sự bất ngờ và bị thuyết phục ngay từ lúc ban đầu trước sự mãnh liệt của lãnh đạo Vingroup. Lúc đó anh Phạm Nhật Vượng đã định hướng cho tương lai của tập đoàn Vingroup là 10 năm tới sẽ là công ty hàng đầu Việt Nam có danh tiếng thế giới trong mảng công nghệ, công nghiệp và dịch vụ và VinFast là đề án đầu tiên theo định hướng mới đó", ông Huệ nói.

Ông Huệ nhấn mạnh chưa có công ty ôtô nào trên thế giới chỉ trong thời gian ngắn như vậy có thể hoàn thành 5 phân xưởng sản xuất 2 dòng xe ôtô và xe máy điện.

Làm ôtô: một người có việc kéo theo 10 người có việc làm

Ông Huệ nhớ lại, cuối năm 2017 ông được giao một nhiệm vụ rất độc đáo, trong đời mình chưa bao giờ nhận một thời hạn (deadline) ngắn như thế, đó là anh Phạm Nhật Vượng giao cho mình chốt tất cả các hợp đồng để mua cho nhà máy ôtô. Tất cả các máy móc, thiết bị của nhà máy này ông là người điều hành việc thương thảo hợp đồng giai đoạn cuối cùng, chốt giá. Và điều bất ngờ là anh Phạm Nhật Vượng nói với tôi: "anh làm gì thì làm, anh làm sao giảm tiến độ đi 1 tháng".

"Trong thời gian kỷ lục, chúng tôi đã thương thảo tất cả hợp đồng cho nhà máy và đạt tất cả các chỉ tiêu về tài chính và quan trọng nhất là tiến độ đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo, tức là rút ngắn thời gian một tháng, điều mà chưa bao giờ trong lịch sử mấy chục năm hoạt động của các nhà cung cấp, họ phải chạy theo tiến độ như vậy. Đến khi hoàn thành công việc tôi có hỏi là nếu khi mai mốt về lại quốc gia của bạn thì có điều gì bạn ấn tượng nhất? Thì bạn nói là tốc độ rất mãnh liệt và con người Việt Nam", ông Huệ nói.

Khi khởi động đề án này, ông Huệ và các đồng nghiệp công ty đi gặp BMW, gặp công ty về kỹ thuật hàng đầu Magna, gặp công ty thiết kế bên Ý, làm mọi cách để thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam và thế giới bằng các sản phẩm chất lượng hàng đầu với công nghệ Châu Âu, thiết kế Ý, với cách làm của người Việt Nam. Và có một kỷ lục là VinFast là công ty đầu tiên trên thế giới chỉ trong vòng 5 tháng chốt được hợp đồng mua bản quyền công nghệ với công ty BMW, tạo nền tảng cho hai chiếc xe ở hai mẫu xe ôtô đầu tiên ra mắt nhanh chóng.

Ông Huệ cho rằng đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn vì VinFast lúc đó chưa có tên tuổi trong ngành xe hơi thế giới. Khó khăn đã qua, hiện nay VinFast còn phải từ chối không nhận tiếp khách, không nhận liên lạc thêm vì có nhiều nhà cung cấp muốn trở thành bạn hàng, thành đối tác của công ty.

Về việc dẫn dắt ngành công nghiệp phụ trợ, ông Huệ nhấn mạnh, VinFast không phải chỉ là câu chuyện của thương hiệu ôtô Việt Nam không, mà nó là câu chuyện của ngành công nghiệp dẫn đầu để có thể sinh ra những ngành công nghiệp khác như công nghiệp hỗ trợ.

Lịch sử công nghiệp thế giới từng có thống kê, cứ 1 người làm trong công nghiệp ôtô có thể tạo việc làm cho 7 đến 10 người trong các ngành công nghiệp phụ trợ khác nhau. Đó là một kịch bản rõ ràng cho nên công nghiệp phụ trợ đang phủ đầy những đề án sẵn sàng triển khai tại khu tổ hợp VinFast này.

"Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục để có thể ra trong những sản phẩm mới, trong đó có dòng xe điện, dốc lòng hết sức để cùng phát triển, để thúc đẩy xây dựng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và tôi cho đó là câu chuyện hấp dẫn cho nền kinh tế Việt Nam và đó là câu chuyện rất thú vị khi đầu tư dự án này sẽ dẫn đến hàng loạt hoạt động thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai sắp tới", ông Huệ khẳng định.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.