Quy trình đăng kiểm xe ô tô và những điều chủ xe cần lưu ý
Thủ tục đăng kiểm ô tô
Thủ tục đăng kiểm sẽ gồm các bước sau:
Nộp hồ sơ đăng kiểm xe ô tô
Khi đi đăng kiểm ô tô, chủ xe cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- CMND/CCCD/Hộ chiếu photo 3 bản (Đem theo bản chính để đối chiếu).
- Hộ khẩu chủ xe photo 3 bản (Đem theo bản chính để đối chiếu).
- Giấy tờ xe bộ gốc: Đăng ký xe, hóa đơn VAT, giấy xuất xưởng, giấy chứng nhận chất lượng xe.
- Cà số khung xe, số máy, tờ khai thuế trước bạ theo mẫu quy định.
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự 1 bản chính.
- Tờ khai đăng kiểm xe theo mẫu quy định.
Chờ khám xe
Đơn vị đăng kiểm sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối chiếu các dữ liệu quản lý sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới.
Nếu xe ô tô đạt yêu cầu kiểm định, đơn vị đăng kiểm thu lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định (50.000 đồng). Trường hợp xe có khiếm khuyết, chủ xe sẽ được thông báo để sửa chữa theo tiêu chuẩn.
Đóng phí bảo trì đường bộ
Với các xe ô tô đạt tiêu chuẩn đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm sẽ đọc biển số để lái xe đóng phí bảo trì đường bộ theo quy định.
Dán tem đăng kiểm mới
Với xe đạt các tiêu chuẩn đăng kiểm và chủ xe hoàn tất đầy đủ các thủ tục trên sẽ được dán tem đăng kiểm mới. Đơn vị đăng kiểm sẽ cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và xe được phép tham gia lưu thông.
Thời hạn đăng kiểm xe
Thời hạn kiểm định xe ô tô căn cứ theo loại phương tiện, số chỗ ngồi và mục đích sử dụng. Do đó, chủ xe cần nắm rõ thời gian và quy định để đăng kiểm kịp thời, tránh trường hợp quá thời hạn sẽ phải chịu phạt.
(1) Ô tô chở người đến 09 chỗ và không kinh doanh vận tải
Thời hạn đăng kiểm lần thứ nhất là 30 tháng. Sau đó, các mốc đăng kiểm tiếp theo được quy định cụ thể theo năm sản xuất, cụ thể:
- Xe đã sản xuất đến 07 năm: Chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 18 tháng.
- Xe đã sản xuất 07 - 12 năm: Chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 12 tháng.
- Xe đã sản xuất trên 12 năm: Chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng.
(2) Ô tô chở người đến 9 chỗ, có kinh doanh vận tải và ô tô chở người trên 9 chỗ
- Với xe không cải tạo: Áp dụng cho các phương tiện chưa qua cải tạo, thay đổi kết cấu, nguyên lý làm việc, hình dáng, bố trí, đặc tính kỹ thuật, thông số của một phần hoặc toàn bộ hệ thống xe thì thời hạn đăng kiểm lần đầu là 18 tháng và chu kỳ đăng kiểm là 6 tháng một lần.
- Xe đã qua cải tạo: Áp dụng với xe đã qua cải tạo, thay đổi về kết cấu, bố trí, hình dáng, nguyên lý làm việc, đặc tính và thông số kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống thì thời hạn đăng kiểm lần đầu là 12 tháng, chu kỳ đăng kiểm tiếp theo là 6 tháng.
(3) Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc
- Với ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất đến 7 năm và rơ moóc, sơ mi rơ moóc đã sản xuất đến 12 năm: Thời hạn đăng kiểm xe lần đầu là 24 tháng, chu kỳ đăng kiểm xe định kỳ là 12 tháng.
- Với ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất trên 7 năm và rơ moóc, sơ mi rơ moóc đã sản xuất đến 12 năm: Chu kỳ đăng kiểm xe định kỳ là 06 tháng.
- Ô tô, rơ moóc, sơmi rơ moóc đã qua cải tạo: Thời hạn đăng kiểm lần đầu là 12 tháng, chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 6 tháng.
(4) Ô tô chở người trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên: Chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 3 tháng.
(5) Ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên: Chu kỳ đăng kiểm định kỳ là 3 tháng.
Quy trình kiểm định ô tô
Quy trình kiểm định ô tô là những bước kiểm tra theo tuần tự do đơn vị có thẩm quyền thực hiện, bao gồm:
Kiểm tra tổng quát xe
Công đoạn này bao gồm kiểm định các hạng mục: lốp xe, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, thùng xe để đảm bảo các hạng mục này duy trì chất lượng, khả năng hoạt động tốt.
Xe đăng kiểm được kiểm tra tổng quát đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật (Nguồn: Sưu tầm)
Kiểm tra phần trên của xe
Các hạng mục kiểm tra bao gồm: kính chắn gió, gạt nước, vô lăng lái, trục lái... đảm bảo các phần này hoạt động an toàn, đúng kỹ thuật.
Kiểm tra trượt ngang bánh xe dẫn hướng, phanh xe
Công đoạn này sẽ kiểm tra tiêu chuẩn trượt ngang của bánh xe, hiệu quả phanh chân, phanh tay và độ lệch giữa hai bánh xe trên trục của phanh để duy trì các quy định an toàn kỹ thuật.
Kiểm tra tiêu chuẩn môi trường
Hạng mục kiểm tra này đánh giá khí thải và tiếng ồn của xe. Các chi tiết kiểm tra bao gồm: còi điện, khí thải động cơ xăng, khói động cơ dầu... nhằm đảm bảo tuân theo các quy chuẩn bảo vệ môi trường hiện hành.
Kiểm tra phần dưới của xe
Kiểm tra các bộ phận chính của xe là: Rô tuyn lái, nhíp, các đăng... đảm bảo các bộ phận không bị lỏng, gãy, xô lệch và đủ tiêu chuẩn lưu thông trên đường.