Renault, Nissan, Daimler bắt tay sản xuất xe nhỏ

Kiều Oanh
Ba nhà sản xuất ôtô Renault của Pháp, Nissan của Nhật Bản, và Daimler của Đức vừa công bố thỏa thuận thành lập liên minh
Việc dùng chung linh kiện và dây chuyền sản xuất sẽ giúp các hãng xe giảm giá thành - Ảnh: AP.
Việc dùng chung linh kiện và dây chuyền sản xuất sẽ giúp các hãng xe giảm giá thành - Ảnh: AP.
Ba nhà sản xuất ôtô Renault của Pháp, Nissan của Nhật Bản và Daimler của Đức vừa công bố thỏa thuận thành lập liên minh nhằm hướng tới sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường xe cỡ nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu.

Liên minh tay ba này ra đời trong bối cảnh doanh số ôtô trên toàn cầu đang chật vật phục hồi sau một thời gian dài suy sụp vì khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Theo nội dung của thỏa thuận, ba hãng xe này sẽ sở hữu cổ phần chéo trong nhau.

Theo hãng tin AP, phát biểu tại buổi họp báo công bố thỏa thuận liên minh diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 7/4 Giám đốc điều hành Daimler, ông Diete Zetsche, đã nhấn mạnh lý do chủ đạo dẫn tới sự thành lập liên minh này là bởi nhu cầu các loại xe nhỏ đang gia tăng trên thế giới.

“Do phân khúc thị trường xe nhỏ có sự cạnh tranh cao độ và rất nhạy cảm về giá nên cần phải có được một cấu trúc chi phí hợp lý”, ông Zetsche nói.

Các chương trình kích cầu ôtô của các chính phủ trên thế giới và những lo ngại của người tiêu dùng xung quanh sự biến động giá cả xăng dầu đã giúp thúc đẩy sự gia tăng doanh số của những chiếc ôtô nhỏ nhắn, trong khi những chiếc xe cồng kềnh và ngốn xăng ngày càng bị “xa lánh”.

Tuy nhiên, xe nhỏ thường chỉ đem đến cho các nhà sản xuất tỷ suất lợi nhuận nhỏ. Do đó, việc dùng chung các loại linh kiện và dây chuyền sản xuất có thể giúp các hãng xe cơ hội tốt hơn để giảm giá thành xe.

Các nhà lãnh đạo của Renault và Daimler ước tính, họ sẽ đạt được khoản tiết kiệm chi phí và mức gia tăng doanh số với tổng trị giá lên tới 2 tỷ Euro, tương đương 2,7 tỷ USD, trong vòng 5 năm tới nhờ liên minh ba bên này.

Thỏa thuận giữa ba hãng xe trong liên minh quy định, Renault và Nissan sẽ nắm giữ cổ phần 1,55% mỗi hãng trong Daimler, còn Daimler sẽ nắm cổ phần 3,1% trong mỗi hãng còn lại.

Trước khi liên minh này được thành lập, Renault và Nissan đã có thời gian hợp tác kéo dài 11 năm, giúp cái tên Renault-Nissan trở thành hãng xe lớn thứ tư trên thế giới trong năm 2009 với doanh số 6,1 triệu chiếc. Trong liên minh Renault-Nissan, hãng xe Pháp sở hữu cổ phần 44% trong Nissan, còn hãng xe Nhật nắm giữ cổ phần 15% trong Renault.

Một trong những nội dung hợp tác của Renault, Nissan và Daimler là sẽ phát triển một hệ thống khung gầm chung cho hai trong số các mẫu xe nhỏ của họ là Smart Fortwo của Daimler và Twingo của Renault.

Ngoài ra, liên minh cũng sẽ chia sẻ động cơ xăng và diesel của xe, trong đó hãng Mercedes-Benz của Daimler sẽ sử dụng động cơ của Renault-Nissan cho các dòng sản phẩm xe nhỏ cao cấp trong tương lai, còn chiếc Infiniti của Nissan sẽ sử dụng động cơ 4 và 6 xi-lanh từ Daimler.

“Hướng đi của chúng tôi là tăng cường khả năng cạnh tranh trên cả phân khúc thị trường xe nhỏ và giảm lượng khí thải của xe. Đây là những mục tiêu dài hơi”, ông Zetsche cho biết.

Cũng theo ông Zetsche, các bên trong liên minh “sẽ xem xét khả năng hợp tác trong những lĩnh vực khác” ngoài những gì mà họ đã công bố ngày hôm nay.

Tuy nhiên, ông phủ nhận khả năng sự hợp tác giữa Renault và Nissan có thể đi tới việc sáp nhập hai hãng xe. Trước kia, Daimler đã từng có thời “hai trong một” với Chrysler trong suốt gần chục năm, nhưng “cuộc hôn nhân” này đã đổ bể vào năm 2007.

Tin mới

Các thành phố trên thế giới đang triển khai vùng phát thải thấp như thế nào?

Các thành phố trên thế giới đang triển khai vùng phát thải thấp như thế nào?

Nhiều thành phố trên khắp thế giới đang ngày càng triển khai hoặc quy hoạch các khu vực phát thải thấp (LEZ) và khu vực không phát thải (ZEZ), nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông và phát thải carbon từ giao thông đường bộ, mang lại lợi ích đáng kể về sức khỏe và kinh tế cho các cộng đồng đang phải đối mặt với ô nhiễm từ các khu vực có lưu lượng giao thông cao...
Thách thức và cơ hội cho các hãng xe máy chạy xăng tại thị trường Việt trước những chính sách mới

Thách thức và cơ hội cho các hãng xe máy chạy xăng tại thị trường Việt trước những chính sách mới

Xe máy xuất hiện ở khắp mọi nơi ở các thành phố lớn đến các tỉnh thành khác trên khắp Việt Nam. Đây là phương tiện giao thông chủ đạo của người dân, đặc biệt là xe máy dùng năng lượng hoá thạch. Doanh số của xe máy chạy xăng vẫn tăng trưởng liên tục thời gian qua. Tuy nhiên, trước những chính sách quyết liệt trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam trong năm 2025, các hãng bán xe xăng sẽ buộc phải tìm ra những phương án để tồn tại hoặc mất thị phần.
Thị trường lớn nhất thế giới đã điện khí hoá ngành xe máy như thế nào?

Thị trường lớn nhất thế giới đã điện khí hoá ngành xe máy như thế nào?

Tại Washington, Brussels và nhiều nơi khác, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang tập trung cao độ vào mối đe dọa đối với việc làm trong ngành ô tô từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, khi xe hybrid và xe chạy bằng pin của họ đang vượt mặt các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang củng cố một lĩnh vực xe điện khác, ít được biết đến hơn tại thị trường nội địa đó là xe máy điện hai bánh.
Top 10 mẫu xe bán chạy nhất nửa đầu năm 2025

Top 10 mẫu xe bán chạy nhất nửa đầu năm 2025

Trong nửa đầu năm 2025, VinFast là hãng xe chiếm 3 vị trí đầu bảng của những mẫu xe bán chạy nhất. Trong khi đó, Vios của Toyota là mẫu sedan duy nhất nằm trong top xe bán chạy. Ford thì có cú ăn ba với cả ba mẫu xe chủ lực đều nằm trong top.