“Sốt” xe là tại... khách?

Đức Thọ Hàn Ngọc
Liệu có thể nói hiện tượng “sốt” trên thị trường ôtô Việt Nam phần nhiều bắt nguồn từ chính các khách hàng?
Đến thời điểm hiện tại, đa số các mẫu xe do các thành viên VAMA cung cấp đều đang cháy hàng, thậm chí là một số mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc - Ảnh: Đức Thọ.
Đến thời điểm hiện tại, đa số các mẫu xe do các thành viên VAMA cung cấp đều đang cháy hàng, thậm chí là một số mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc - Ảnh: Đức Thọ.
Liệu có thể nói hiện tượng “sốt” trên thị trường ôtô Việt Nam phần nhiều bắt nguồn từ chính các khách hàng?

Đó là nhận định của đại diện một nhà phân phối ôtô đến từ châu Âu, trong một cuộc trò chuyện ngoài lề với phóng viên VnEconomy.

Theo quan điểm của ông, chắc chắn sau một quãng thời gian dài chịu “thiệt thòi” bởi sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng bán hàng, các nhà sản xuất ôtô sẽ có những chính sách nhằm kích thích thị trường. Một trong số đó có thể là giải pháp tự tạo ra sự khan hiếm xe.

Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao các nhà sản xuất siêu xe chỉ xuất xưởng vài trăm sản phẩm cho một mẫu xe và không phải khách hàng nào có tiền cũng có thể mua được xe. Vì vậy, các sản phẩm của hãng xe đó luôn tạo nên được những cơn sốt ngay từ khi hãng có quyết định sản xuất.

Nhìn lại thị trường ôtô Việt Nam nửa đầu năm 2007 có thể thấy ngay một hiện tượng: Sau khoảng một tháng mẫu sedan trung cao cấp Toyota Camry 2007 “cháy hàng”, các khách hàng yêu thích dòng xe này càng trở nên “sôi sùng sục” săn tìm mối quen để tậu bằng được.

Vậy là phần do nhu cầu thực, phần do tâm lý sợ hết xe nếu “lỡ” có nhu cầu, lượng đơn đặt hàng gửi về hệ thống đại lý của Toyota tăng vọt. Thậm chí để đạt được mục đích, rất nhiều khách hàng đã sẵn sàng chi thêm vài nghìn USD để được nhận xe trước. Hiện tượng này dẫn tới một hệ lụy khác, không ít đầu nậu, cá nhân có quan hệ hay chỉ đơn giản là “thức thời” hơn người khác, đã chớp thời cơ bắt mối hoặc đăng ký mua trước rồi bán lại “suất” ăn chênh lệch.

Khi đã có tiền lệ, việc có thêm hàng loạt các mẫu xe cháy hàng là hiện tượng dễ hiểu. Điều này giải thích lý do vì sao sau 2 tháng đầu năm, nhiều mẫu xe “sốt” trong khi sản lượng bán hàng nói chung của tất cả cá thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) thậm chí lại sụt giảm.

Đến thời điểm hiện tại, đa số các mẫu xe do các thành viên VAMA cung cấp đều đang cháy hàng, thậm chí là một số mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó có thể kể đến hàng loạt cái tên như Chevrolet Captiva, Toyota Camry 2007, Toyota Vios, Ford Everest, Toyota Innova, Honda Civic…

Chính tâm lý phong trào đã đẩy rất nhiều khách hàng vào cơn sốt của thị trường. Khi lượng khách hàng liên tục tăng lên, lẽ đương nhiên là ít có hãng xe nào lại giảm giá xe. Một điểm nữa, nhiều nhà sản xuất cũng không nhất thiết tăng công suất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, bởi còn sốt xe còn bán chạy và giá xe dù không tăng song cũng không giảm.

Điều này cũng đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí  Trung nhắc đến khi trao đổi với báo giới sau khi có quyết định giảm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 80% xuống còn 70% kể từ ngày 8/8.

Ông khuyến cáo việc người tiêu dùng ưa chuộng một vài dòng xe theo trào lưu; mua xe vào các thời điểm có tác động tăng giá; mua xe vào thời điểm nhu cầu tăng cao như dịp Tết, dịp kết thúc chu kỳ tài chính... sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp và đại lý có thể đẩy lên thành cơn sốt giá.

Theo thống kê của VAMA, tháng 7/2007 sản lượng bán hàng của các hãng xe thành viên tiếp tục tăng lên với 6.474 chiếc được bán ra. Một số nhà phân tích cũng đã dự báo, thị trường ôtô trong nước sẽ tiếp tục sôi động trong vài ba tháng tới, kể cả khi nhiều hãng xe bắt đầu tung ra sản phẩm mới.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.