SUV cỡ B - “Chiến trường” nóng nhất tại thị trường xe Việt nửa cuối năm 2025

Hoàng Lâm
Trong xu thế chuyển dịch mới của thị trường, phân khúc SUV cỡ B (B-SUV) đang là “chiến trường” nóng bỏng nhất của thị trường ô tô Việt Nam hiện nay với sự tham gia của rất nhiều các thương hiệu từ Nhật, Hàn, Trung Quốc và Việt Nam. Đây là phân khúc đông đúc bậc nhất thị trường Việt.

Nếu như trước đây các mẫu xe cỡ A hay sedan từng một thời có doanh số rất ấn tượng thì hiện nay đang có một sự chuyển dịch rất mạnh tại thị trường xe Việt với nhóm người mua xe lần đầu, gia đình trẻ và nhóm người đang sử dụng các loại xe cỡ A và sedan muốn “lên đời”.

Hiện phân khúc xe xăng đô thị cỡ nhỏ tại Việt Nam chỉ còn 3 mẫu xe Hyundai Grand i10, KIA Morning và Toyota Wigo còn tồn tại. Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số xe xăng cỡ nhỏ hạng A trong năm 2024 chỉ đạt 9.261 xe, giảm 17% so với năm 2023. Đây là lần sụt giảm thứ 3 liên tiếp của xe cỡ A theo từng năm kể từ 2021. Trong khi đó, SUV cỡ B đang chiếm sóng toàn thị trường. Thậm chí các mẫu xe SUV cỡ B còn liên tục đứng top đầu trên bảng xếp hạng xe xăng bán chạy nhất tháng.

SUV cỡ B - “Chiến trường” nóng nhất tại thị trường xe Việt nửa cuối năm 2025 - Ảnh 1

Sở dĩ SUV cỡ B thu hút được nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn mới là bởi các loại xe trong phân khúc này có kích thước nhỏ gọn, linh hoạt trong đường phố đô thị chật chội, nhưng lại vẫn đủ rộng cho gia đình thực hiện nhưng chuyến đi chơi xa ngắn ngày.

Thị trường xe Việt vẫn liên tục đón nhận những tân binh mới ở nhóm SUV cỡ B như Lynk & Co 06 Core Plus, Geely Coolray, Honda HR‑V 2025, Hyundai Creta 2025 (Facelift), Skoda Kushaq (CKD)…

Với mức giá rất dễ tiếp cận chỉ từ 500 – hơn 800 triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể tiếp cận rất nhiều các loại xe SUV cỡ B, B+ ở nhiều thương hiệu khác nhau và đa dạng nguồn cung. Trong tầm giá này hiện các mẫu SUV cỡ B rất phù hợp túi tiền của tầng lớp người tiêu dùng trẻ, tầng lớp trung lưu mới nổi hiện nay.

“Hợp ví” nhưng không có nghĩa là xe ít công nghệ. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các hãng cũng chạy đua tích hợp công nghệ hiện đại lên các mẫu xe SUV cỡ B của mình để tăng độ cạnh tranh. Nhiều công nghệ trước đây nếu chỉ có trên các mẫu xe đắt tiền hơn thì nay ở phân khúc SUV cỡ B đã được “đính kèm” như camera 360, cảnh báo điểm mù, ga tự động…

Tân binh Lynk & Co 06 Core Plus.
Tân binh Lynk & Co 06 Core Plus.

Trong xu thế cạnh tranh khốc liệt, hiện thị phần phân khúc SUV cỡ B chia nhiều nhóm khách hàng. Trong đó, nhóm xe đến từ Nhật – Hàn vẫn nổi bật với khả năng vận hành ổn định và nhận được sự tin tưởng cao. Nhóm tiếp theo là nhóm xe thuộc làn sóng xe Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam trong 3 năm trở lại đây với mức giá cực cạnh tranh và trang bị nổi bật trong tầm giá. Và đặc biệt là VinFast với nhóm sản phẩm xe điện cũng rất cạnh tranh và đại diện tiêu biểu là VinFast VF 6 đạt doanh số hơn 2.700 xe, đứng thứ ba trong số các mẫu xe VinFast bán chạy nhất trong năm 2024.

Sự phân hoá của nhóm khách hàng trong phân khúc SUV cỡ B là khá rõ rệt nên với các thương hiệu đến từ Trung Quốc đang tìm mọi cách để thu hút khách hàng với những chính sách ưu đãi và các khuyến mãi cực hấp dẫn. Trong khi đó, hãng xe điện Việt Nam VinFast là một đối thủ lớn với tiềm lực mạnh khiến các đối thủ gặp nhiều khó khăn khi còn có thêm lợi thế sân nhà.

11 năm trôi qua khi mẫu xe SUV cỡ B đầu tiên là Ford EcoSport xuất hiện vào năm 2014, đến nay phân khúc này đã nở rộ khi tạo lập ra một xu hướng tiêu dùng mới với ngành ô tô Việt.

Bằng chứng cho điều đó là trong năm 2024, toàn phân khúc xe gầm cao cỡ B (các mẫu xe có công bố số liệu bán hàng) tiêu thụ tới 50.025 xe, tăng 73% so với 2023. Đây là con số mà các phân khúc khác phải “thèm khát” trong bối cảnh thị trường khó khăn chung. Một số mẫu SUV cỡ B thậm chí còn liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng xe bán chạy hàng tháng tại thị trường Việt.

Bước sang năm 2025, làn sóng xe Trung Quốc tiếp tục tiến vào thị trường Việt rầm rộ với những mẫu xe ngập tràn công nghệ. Ở thời điểm hiện tại, định kiến của người tiêu dùng Việt với xe Trung Quốc vẫn chưa thể một sớm một chiều thay đổi, nhưng chắc sẽ khiến sân chơi ở phân khúc SUV cỡ B thêm phần căng thẳng.

VF 6 của VinFast. Ảnh: VInFast.
VF 6 của VinFast. Ảnh: VInFast.

Đặc biệt, trong xu thế điện khí hoá, cuộc đua càng thêm khốc liệt hơn khi VinFast đang chiếm ưu thế áp đảo, bỏ xa các đối thủ. Sau 5 tháng năm 2025, VF 6 đã bán hơn 7.300 xe. Trong khi đó, các đối thủ dùng động cơ đốt trong có “máu mặt” với doanh số tốt như như Yaris Cross, Xforce đều ở mức dưới 4.000 xe. Với khoảng cách rộng, rõ ràng các đối thủ khó san lấp khoảng cách với VinFast khi hãng xe nội địa Việt đang có rất nhiều ưu đãi.

Trong nửa cuối năm 2025, dự kiến cuộc chơi sẽ đổi chiều nghiêng ưu thế về phía các mẫu xe điện khí hoá. Trong khi đó các mẫu xe động cơ đốt trong sẽ chịu áp lực không nhỏ, còn các mẫu xe hybrid sẽ cần nâng cấp thêm nhiều công nghệ để thu hút người dùng.

Theo các chuyên gia trong ngành, phân khúc SUV cỡ B sắp bước vào một cuộc đua mạnh mẽ về giá, điện khí hoá và công nghệ giữa các hãng và người tiêu dùng là những người được lợi lớn nhất khi có thêm nhiều lựa chọn.

Tin mới

Ngành ô tô đang khai thác sức mạnh của AI như thế nào?

Ngành ô tô đang khai thác sức mạnh của AI như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ thay đổi thế giới kinh doanh theo những cách sâu sắc và ngành công nghiệp ô tô cũng không ngoại lệ. Các công ty đang áp dụng AI để đạt được lợi thế cạnh tranh, cho dù là về hiệu quả hoạt động, xử lý lượng lớn dữ liệu để đưa ra quyết định, tiếp thị, cải thiện dịch vụ khách hàng, đổi mới sản phẩm và dịch vụ và kiểm soát chất lượng.
Quy định mới đối với vấn đề khí thải xe ô tô từ ngày 16/12/2025

Quy định mới đối với vấn đề khí thải xe ô tô từ ngày 16/12/2025

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Thông tư 06/2025 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải xe ô tô tham gia giao thông đường bộ. Nội dung quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông đường bộ, bao gồm Cacbon Monoxit (CO), Hydrocacbon (HC) trong khí thải xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và độ khói của khí thải xe ô tô lắp động cơ cháy do nén.
Vì sao Apple thất bại còn Xiaomi lại thành công với sản xuất ô tô?

Vì sao Apple thất bại còn Xiaomi lại thành công với sản xuất ô tô?

Lei Jun, người sáng lập và chủ tịch của Xiaomi Corp., công ty công nghệ duy nhất đến thời điểm hiện tại đã thành công trong việc đa dạng hóa sang sản xuất ô tô. Tuy nhiên, con đường tương tự đã từ chối Apple, gã khổng lồ ngành công nghệ của thế giới.
Thị trường “Detroit châu Á” vật lộn trước sự khủng hoảng của xe điện Trung Quốc

Thị trường “Detroit châu Á” vật lộn trước sự khủng hoảng của xe điện Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc đang lan sang thị trường lớn nhất của nước này tại châu Á là Thái Lan. Khi phải vật lộn để cạnh tranh với BYD, các kế hoạch sản xuất đầy tham vọng nội địa gặp rủi ro, các công ty nhỏ hơn tìm sang Thái Lan như giải pháp để tồn tại nhưng để lại hệ luỵ không nhỏ cho thị trường này.