Thách thức của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu xe ra thế giới năm 2023

Tham vọng thì có nhưng phải nhìn nhận thực tế đó là chuỗi cung ứng linh kiện tại chỗ Việt Nam còn rất yếu. Với dòng xe cá nhân có chưa tới 80 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, cung cấp cho 10 nhà sản xuất gốc. Trong đó, có 18 nhà cung cấp cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Con số này nếu so với gần 2.000 nhà sản xuất linh kiện tại Thái Lan và 1.000 tại Indonesia thì vẫn còn rất nhỏ bé.

Thách thức

Mới đây, trong lễ xuất xưởng hai mẫu Veloz Cross và Avanza Premio lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc, Toyota Việt Nam đã công bố các hạng mục linh kiện nội địa hóa cho hai sản phẩm này, với bảng tổng cộng 237 linh kiện. Trong khi đó, trên một chiếc xe hoàn thiện cần có khoảng 2.000-3.000 linh kiện cấu thành. Đáng chú ý là các linh kiện nội địa hóa trên xe chủ yếu nằm ở các nhóm như kính, lốp hay vành xe, tấm ốp cửa, tấm ốp thân xe, ghế. Bên cạnh đó là thanh giằng, dây điện động cơ, tấm cách nhiệt sàn cabin ngoài, kẹp gá bàn đạp ga. Linh kiện có giá trị cao nhất là ghế, còn lại đều là những chi tiết chủ yếu từ nhựa, cao su. Xét về số lượng, lượng linh kiện nội địa hóa của Việt Nam trên hai mẫu xe của Toyota chỉ nằm trong khoảng 10%. Trong khi, các chi tiết quan trọng tạo nên động cơ, hệ truyền động hay điện tử của xe đều nhập. Đây là những linh kiện có hàm lượng kỹ thuật cao và giá trị nhất trên xe thì doanh nghiệp Việt Nam lại chưa làm được.

Thực tế, lâu nay linh kiện của các nhà sản xuất linh kiện cho ngành ô tô tại Việt Nam chủ yếu là các cụm chi tiết đơn giản, cồng kềnh như: khung ghế, ắc quy, chi tiết nhựa cỡ lớn v.v… Nếu cứ nhập khẩu linh kiện về lắp ráp thì không thể có lợi thế về giá để xuất khẩu. Giá thành xe sản xuất lắp ráp tại Việt Nam hiện cao hơn 20% so với Thái Lan và Indonesia.

Thách thức của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu xe ra thế giới năm 2023 - Ảnh 1

Những vấn đề mà ngành công nghiệp ô tô muốn trở thành một quốc gia xuất khẩu ô tô đang phải đối mặt lớn nhất chính là bài toán về giá thành của các sản phẩm nếu xuất khẩu. Đầu tiên là câu chuyên doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ tùng về lắp ráp, giá tương tự như mua ở nước ngoài nhưng chi phí logistic, thuế nhập khẩu, lưu kho tại Việt Nam khiến giá thành sẽ cao hơn so với các nước. Trong khi chi phí sản xuất ở nước ngoài rẻ hơn nhờ dây chuyền sản xuất lớn sẵn có, chi phí khấu hao trên từng sản phẩm cao tạo điều kiện để giảm giá thành sản phẩm. Do đó, vấn đề sản xuất trong nước, làm chủ công nghệ, chủ động nguồn cung để có giá thành cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới là bài toán không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện tại.

Tiếp theo phải kế đến là các rào cản về kỹ thuật khi Việt Nam thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại đã được ký kết như Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) với cam kết EU sẽ mở cửa thị trường ô tô cho Việt Nam. Theo đó, ô tô con thuộc nhóm 87023 đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm về 0% sau 7 năm, còn linh kiện ô tô có thuế nhập khẩu từ 3 - 4% sẽ được cắt bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực. EVFTA vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt vì không chỉ tạo cơ hội cho việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam mà còn tạo cho xe lắp ráp xuất khẩu sang EU. Những chiếc ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cũng sẽ hưởng thuế xuất khẩu bằng 0% nếu đạt được tỷ lệ nội địa hóa theo quy định.

Bên cạnh đó là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam sẽ xuống mức 0% (với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên) từ 1/1/2018. Theo đó, các mẫu ôtô được nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Indonesia hay Malaysia sẽ có thuế nhập khẩu giảm về 0% với những mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong khối từ 40% trở lên. Tuy nhiên, các hãng xe trong nước muốn xuất khẩu thì cũng phải đáp ứng được những yêu cầu trên.

Nỗ lực của doanh nghiệp Việt

Ở Việt Nam, hiện tại VinFast vẫn đang là cái tên nổi bật nhất của ngành sản xuất ô tô với lô hàng xe điện 999 chiếc VF 8 đầu tiên đến với nước Mỹ cách đây chưa lâu. Không chỉ thế, không chỉ đơn thuần là xuất khẩu mà VinFast còn có chiến lược mở rộng ra toàn cầu được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2022 với hàng loạt cửa hàng được mở tại khu vực Bắc Mỹ. Tổng cộng đã có 8 cơ sở kinh doanh ô tô được hãng xe Việt Nam đặt tại Mỹ và Canada. Theo phân cấp của VinFast, tất cả 10 cửa hàng VinFast Store đã mở đều thuộc mô hình 1S và được đặt trong các khu trung tâm thương mại tại các thành phố lớn tại Mỹ, Canada, cũng như tại Đức và Pháp. Trong 12/2022, VinFast tiếp tục có thêm 4 cửa hàng VinFast Store tại Đức, 1 tại Rennes, Pháp và 3 cửa hàng tại Hà Lan (Amstedam, Rotterdam, Den Haag) sẽ đi vào hoạt động.

Không gian một trong những cửa hàng Vinfast mới mở tại Mỹ. Ảnh: VinFast.
Không gian một trong những cửa hàng Vinfast mới mở tại Mỹ. Ảnh: VinFast.

Trong khi đó, Tập đoàn mẹ Vingroup cũng không hề giấu diếm tham vọng khi đặt dành phần lớn diện tích ở khu công nghiệp Vũng Áng cho các doanh nghiệp ứng công nghệ cao như công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, thiết bị và linh kiện cho ô tô với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ô tô, tiến tới nội địa hóa 80% sản phẩm này theo các tiêu chuẩn công bố của Việt Nam. VinFast dự kiến bán khoảng 750.000 xe mỗi năm tại thị trường Mỹ vào năm 2026. Trong đó, 150.000 xe được xuất xưởng từ nhà máy VinFast tại Mỹ, 600.000 xe được nhập khẩu từ nhà máy của VinFast tại Việt Nam. Mục tiêu này là rất khó khăn, tuy nhiên, Tập đoàn sẽ khảo sát xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô bao gồm nhà máy sản xuất ô tô VinFast, chuỗi nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ cho công nghiệp ô tô và thiết bị nghe nhìn công nghệ cao. Đồng thời, đầu tư xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và một phần nhà xưởng phục vụ cho thuê sản xuất công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ.

Thực tế, tại Việt Nam, 80-90% nguyên liệu chính phục vụ sản xuất linh kiện ô tô như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện vẫn phải nhập khẩu. Đây là rào cản không nhỏ với các nhà sản xuất ô tô trong nước. Muốn vươn tầm biển lớn, khẳng định giá trị của thương hiệu Việt thì doanh nghiệp Việt buộc phải có các giải pháp tối ưu và lâu dài.

Trước VinFast, từ năm 2017 đến nay, Thaco và Auto Delta (Philippines) đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thị trường Philippines để thiết kế và phát triển sản phẩm xe bus theo yêu cầu của khách hàng. Ngày 16/5/2019, Thaco đã hoàn thiện 2 xe bus mẫu xuất khẩu sang Philippines để chạy thử nghiệm và đã được khách hàng đón nhận, hài lòng về chất lượng sản phẩm.

Sedan cỡ C Hyundai Elantra tại dây chuyền lắp ráp của nhà máy Hyundai thứ hai. Ảnh: TC Motor.
Sedan cỡ C Hyundai Elantra tại dây chuyền lắp ráp của nhà máy Hyundai thứ hai. Ảnh: TC Motor.

Trong khi đó, mới đây công ty TC Motor cũng đang củng cố những điều kiện cần thiết để xuất khẩu ô tô sang các thị trường khu vực, thể hiện qua việc mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai với công suất lên đến 100.000 xe/năm. Tại khu vực ASEAN, Hyundai hiện chỉ có một nhà máy tại Indonesia.

Nhà máy TC Motor số 2 hiện được ứng dụng nhiều công nghệ mới có công suất 100.000 xe/năm, hứa hẹn cho ra mắt các mẫu xe xanh đang rất “hot” trên thị trường như Hyundai Santa Fe Hybrid và xe điện Ioniq 5.

Nhà máy này có xưởng hàn, xưởng sơn và xưởng lắp ráp. Trong đó, xưởng hàn trang bị thiết bị hàn của hãng Obara và robot hàn của Hyundai Robotic. Dây chuyền hàn của nhà máy thiết kế dạng module tích hợp cho nhiều dòng xe, tối ưu diện tích nhà xưởng và trang thiết bị hàn. Tại trạm lắp ghép tổ hợp khung thân vỏ, robot có khả năng thay đổi đồ gá phù hợp theo từng dòng xe.

Kết hợp với nhà máy số 1 cho tổng công suất xe Hyundai đạt 180.000 xe/năm, có thể giúp hãng xe Hàn Quốc có thể đáp ứng tốt nhu cầu thị trường Việt Nam cũng như hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực châu Á là điều hoàn toàn có thể.

Do đó, TC MOTOR hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu một số dòng xe sang nhiều quốc gia trong khối. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ nội địa hoá của các dòng xe bán chạy như Grand i10, Accent đạt mức 40%, TC MOTOR có thể xuất khẩu xe sang các nước ASEAN hưởng thuế suất 0%, theo Hiệp định AFTA.

Những chiếc xe VinFast VF 8 đầu tiên cập bến nước Mỹ. Ảnh: VInFast.
Những chiếc xe VinFast VF 8 đầu tiên cập bến nước Mỹ. Ảnh: VInFast.

Trong bối cảnh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% đang ồ ạt về Việt Nam, gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì việc doanh nghiệp Việt “tự cường” quyết tâm đẩy mạnh nội địa hoá, mở rộng nhà xưởng, tăng công suất sản xuất và xuất khẩu ô tô ra những thị trường khó tính bậc nhất thế giới như VinFast thời gian qua cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp được khẳng định dù mới bước chập chững đưa tên Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu ô tô thế giới.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, trong năm 2023, các doanh nghiệp ô tô Việt sẽ có những bước đi đáng chú ý sau sự kiện của VinFast đã mở một cánh cửa cho việc xuất khẩu ô tô có xuất xứ từ Việt Nam trong việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Các Hiệp định này là thách thức nhưng cũng là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt có thể bước chân ra biển lớn.

Thời cơ là rất rõ ràng nhưng doanh nghiệp Việt cũng rất cần các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nũa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó còn cần có sự nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa từ phía doanh nghiệp để có thể cạnh tranh trên chính sân nhà và tranh thủ được các mức thuế suất ưu đãi từ các Hiệp định để cạnh tranh khi xuất khẩu.

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.