Thị trường ôtô Việt Nam: 7 sự kiện lớn

Từ Lương
Năm qua, đối với thị trường ôtô Việt Nam có thể được xem là “buồn vui lẫn lộn”
Xe cao cấp lắp ráp trong nước đã được sử dụng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2006.
Xe cao cấp lắp ráp trong nước đã được sử dụng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2006.
Năm qua, đối với thị trường ôtô Việt Nam có thể được xem là “buồn vui lẫn lộn”.

Xe trong nước thì ế ẩm, nhưng xe nhập khẩu thì nhanh chóng chiếm thị phần với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Năm qua cũng được coi là năm đầu tiên chính sách thuế và những rào cản khắt khe trong nước đã thay đổi theo hướng cởi mở hơn giúp nền công nghiệp ôtô Việt Nam thực sự hội nhập với sân chơi lớn của thế giới.

Sau đây là 7 sự kiện lớn đối với thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2006 do chúng tôi lựa chọn.

1. Chính phủ cho phép nhập khẩu xe cũ

Nghị định 12 có hiệu lực đã mở tung cánh cửa cho xe ôtô cũ vào Việt Nam với cách tính thuế theo “giá trị tuyệt đối” khiến không ít người bắt đầu hy vọng về cơ hội sở hữu một chiếc xe hơi giá rẻ như xe Honda PS, SH hay Dylan.

Đây là thay đổi có tính cơ bản nhất, quyết định khá nhiều tới doanh số của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Gần như ngay lập tức khách hàng dừng việc mua xe mới, chờ ngày nghị định có hiệu lực vào 1/5/2006.

Các liên doanh lao đao trong suốt 3 tháng liền và phải liên tục đưa ra các chiêu giảm giá để kích cầu, dù trước đó vài tháng còn tuyên bố giá xe 2006 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Sau gần nửa năm kinh doanh, doanh số bán ra của cả hiệp hội này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2005.

Với cách nhập xe ôtô cũ của các doanh nghiệp: một là nhập xe nhỏ hẳn như Matiz, Kia Morning; hai là nhập xe trên 3.0 với thương hiệu như BMW, Mercedes-Benz, Infiniti, Lexus chứ tuyệt nhiên không có doanh nghiệp nào nhập Toyota, Ford, Nissan (thực tế số lượng xe cao cấp đã chiếm tới 70%) nên giá cả vẫn rất cao, khiến “giấc mơ” ôtô cũ đã không thành hiện thực đối với đa số người tiêu dùng bởi biểu thuế tuyệt đối biến giá xe sau khi cộng các loại thuế cao hơn từ 200% đến 700% so với giá khai báo. Các nhà nhập khẩu dần bỏ ý định kinh doanh xe cũ vì khó có thể bán xe với giá cao.

Hơn nửa tháng sau ngày 1/5, lô hàng xe cũ đầu tiên cập cảng Hải Phòng với giá khai báo khiến cơ quan hải quan phải tham vấn thuế: Mercedes-Benz S500 giá 12.400 USD, E240 giá 8.100 USD, Kia Morning và Matiz giá 1.000 USD...

Sau cuộc tranh cãi kéo dài giữa doanh nghiệp và hải quan, giá của chúng được áp cao lên gấp đôi. Bộ Tài chính tuyên bố xe cũ vẫn nằm trong diện tiết giảm tiêu dùng. Vì vậy, sau hơn 6 tháng từ khi Nghị định 12 có hiệu lực, chỉ khoảng 500 xe các loại được nhập về.

2. Honda Việt Nam sản xuất Civic thế hệ 8

Ngày 24/8, Honda Việt Nam trình làng mẫu xe đầu tiên Civic thế hệ 8, đánh dấu bước khởi đầu chinh phục thị trường ôtô Việt Nam của một thương hiệu được ăn sâu vào nếp nghĩ người tiêu dùng Việt Nam chỉ sản xuất xe gắn máy.

Với tư cách người đến sau và giữa thị trường mà giá ôtô đang cao ngất ngưởng, Civic được kỳ vọng như một nhân tố có thể làm nên điều kỳ diệu. Vì vậy, trong suốt một năm xây dựng nhà máy Honda, thị trường ôtô trong nước luôn nóng hổi với những tin tức không chính thức về giá của Civic, từ mức 20.000 USD rẻ như ở nước ngoài cho đến rẻ hơn mọi đối thủ cạnh tranh khác ở Việt Nam.

Bên cạnh sự quan tâm đặc biệt của thị trường, chiến thuật giữ kín thông tin về giá cũng như hình ảnh đã biến Civic trở thành “hiện tượng” được nhiều người quan tâm. Nó kích thích tâm lý chờ đợi của khách hàng, khiến các đối thủ cùng hạng phải giảm giá.

Thậm chí, ngay cả đến ngày Civic ra mắt, vẫn còn đại lý chưa thể chắc chắn về giá bán chính xác.

Thế nhưng, Civic đã không có cái giá mà hầu hết người tiêu dùng mong đợi. Lần thứ hai trong năm 2006, “giấc mơ” về ôtô giá rẻ không trở thành hiện thực. Thị trường ôtô trong nước lại quay về với thực tế mức giá trung bình cao hơn 2-3 lần so với khu vực.

Riêng với Civic, bằng lợi thế xe mới, vẫn được khách hàng chấp nhận. Trong khi đó, Honda có những bước tiến vững vàng khi duy trì doanh số Civic trên 200 xe mỗi tháng, trở thành sản phẩm bán chạy nhất trong phân khúc xe hạng trung.

Tính đến tháng 11/2006, doanh số Civic đạt 787 xe, chiếm 27% tổng số xe 5 chỗ do các liên doanh bán ra trong cùng thời gian.

3. Xe Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam

Thoạt tiên, nhiều người lo lắng một làn sóng “ôtô Tàu” sẽ vào Việt Nam như xe máy giá rẻ cách đây 7 năm.

Nhưng thực tế sử dụng cho thấy xe ôtô Trung Quốc và những chiếc xe ôtô giá rẻ được lắp ráp trong nước đã không được người tiêu dùng đón nhận vì chất lượng chỉ tương đương với giá thành. Nhiều người cho rằng: ôtô khác hẳn với xe máy, không thể lường được những nguy hiểm của xe ôtô giá rẻ, nếu độ an toàn đã không đảm bảo thì không thể “liều lĩnh” đầu tư.

Đầu tháng 6/2006, tại triển lãm Autotech 2006 mẫu “ôtô Tàu” đầu tiên do Lifan lắp ráp đã nhận được sự quan tâm một cách đặc biệt từ thị trường. Hãng xe Lifan công bố kế hoạch đầu tư 30 triệu USD sản xuất xe LF7160 tại Việt Nam với giá xuất xưởng dưới 5.000 USD. Sự xuất hiện của Lifan thổi bùng lên nhu cầu xe hơi giá rẻ của người tiêu dùng khi mà giấc mơ xe cũ nhập khẩu không thành hiện thực.

Tiếp theo Lifan, tập đoàn ôtô lớn nhất Trung Quốc - Thượng Hải Auto - cũng chuẩn bị để tiếp cận vào thị trường Việt Nam. Dù vậy, không giống như làn sóng xe máy cách đây vài năm, ôtô Trung Quốc và xe giá rẻ chưa tạo nên ấn tượng thực sự mạnh mẽ và sự quan tâm của người tiêu dùng chìm dần.

4. Vietnam Motorshow 2006

Cứ 2 năm một lần, Triển lãm ôtô do VAMA tổ chức lại thu hút khá nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Lần thứ ba được tổ chức, triển lãm này diễn ra vào thời điểm cơn sốt Civic đã hạ nhiệt và ít ngày trước khi Việt Nam gia nhập WTO, nên đã trở thành sự kiện thực sự nổi bật.

Vì lẽ đó, nó ghi dấu bằng nhiều kỷ lục: “Đông khách tham quan nhất” - với hơn 110.000 người, có tới 115 mẫu xe được trưng bày (nhiều nhất từ trước tới nay). Ngoài sự có mặt của 21 mẫu xe hoàn toàn mới, cách tổ chức chuyên nghiệp khiến Vietnam Motorshow 2006 trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với cách đây 2 năm.

Hầu hết các hãng coi triển lãm này là cơ hội tiếp cận khách hàng lớn nên Toyota tung ra con bài chiến lược Camry 2007; Vidamco “thử lửa” thị trường bằng mẫu đa dụng Chevrolet Captiva; Mercedes-Benz giới thiệu xe hạng nhỏ A- class, còn Isuzu lần đầu tiên mang tới triển lãm một mẫu xe trang bị động cơ Hybrid.

Kết thúc 5 ngày trình diễn, Toyota và Vidamco gặt hái thành công ngoài mong đợi nhờ đơn đặt hàng lớn. Honda làm thoả mãn khách tham quan bằng chiếc F1, còn Ford tạm hài lòng với độ ăn khách của concept Equator. Tuy nhiên, triển lãm 2006 thiếu hẳn những thông tin mà người tiêu dùng quan tâm bởi các hãng gần như im lặng trước những câu hỏi đặt ra về tương lai, thách thức và cơ hội của ngành ôtô khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO.

5. Xuất hiện các loại xe siêu sang

Chiếc Maybach 62 màu đen được nhập về Tp.HCM là sản phẩm của chính sách cho phép nhập xe cũ. Tuy là hàng “second hand” nhưng chiếc xe này vẫn là tâm điểm gây chú ý với giá thành sau các loại thuế là hơn 6 tỷ đồng.

Có lẽ, chỉ còn những siêu xe thể thao như Ferrari hay Lamborghini đời mới là “dân chơi” trong nước chưa muốn nghĩ tới, còn lại đã có đủ loại và đủ thương hiệu: Mercedes-Benz S550 AMG, BMW X5 4.8 (2007), Mercedes SLK 350, BMW 650 Ci, 750 Li hay Audi A8. SUV cỡ lớn như Hummer H2 hay Cadillac Escalade cho đến những xe như Bentley Flying Spur hay Aston Martin Vanquish đều đã có mặt ở Hà Nội.

Thuế nhập khẩu xe cũ và mới sẽ hạ xuống trong năm 2007 có thể sẽ khiến những người mê xe được tiếp cận thêm nhiều mẫu xe độc đáo. Hy vọng năm 2007 sẽ chứng kiến những “siêu xe” thực sự sẽ có mặt làm phong phú thêm bộ sưu tập xe tại thị trường Việt Nam.

6. Các hãng xe lớn đang quay lại Việt Nam

Xác định được thị trường ôtô Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng sau khi hội nhập, rất nhiều hãng xe ôtô nổi tiếng thế giới đã bước những bước đầu tiên trên thị trường ôtô nội địa.

Nissan đã khai trương showroom đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 3 với pháp nhân đại diện là Công ty Văn Tân - Hà Nội với đại lý độc quyền mô hình 3S trên toàn miền Bắc. Những mẫu xe mới như TIDA, X-trail, Patrol lần đầu tiên được phân phối chính thức ở Việt Nam.

Vài tháng sau, Hyundai - tập đoàn ôtô số 1 Hàn Quốc - bước chân vào phân khúc xe con thông qua Công ty Cổ phần Hyundai Việt Nam với những sản phẩm như Santa Fe, Getz...

Sự kiện Peugeot quay trở lại sau hàng chục năm vắng bóng vừa làm phong phú lựa chọn của người tiêu dùng vừa là một tín hiệu mừng cho thấy sự hấp dẫn, tính chuyên nghiệp của thị trường xe Việt Nam.

Ngay trước đó, một thương hiệu khác của Anh với bề dày lịch sử không kém là Land Rover cũng đã tới Tp.HCM với những mẫu xe địa hình nổi tiếng sang trọng và đắt tiền.

Sang năm 2007, rất nhiều khả năng những văn phòng đại diện khác của Lexus và thậm chí là cả Porsche và Volvo sẽ bắt đầu phân phối xe và phụ tùng chính hiệu tại Việt Nam.

7. Xe lắp ráp trong nước được sử dụng phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2006

Tại Hội nghị ASEM 5 tổ chức năm 2004, lúc đó Văn phòng Chính phủ đã phải nhập khẩu hàng trăm chiếc xe của Mercedes-Benz dòng S-class đời mới và Huyndai XG 3.0 để phục vụ việc đi lại của các nguyên thủ.

Năm 2006, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, Văn phòng Chính phủ quyết định sử dụng Mercedes-Benz lắp ráp trong nước với hợp đồng mua 115 xe Mercedes-Benz E-Class trực tiếp từ Mercedes-Benz Việt Nam. Đây là những chiếc xe trực tiếp chuyên chở 18/21 vị nguyên thủ và bộ trưởng các nước tham dự Hội nghị APEC.

Việc Chính phủ tin dùng những mẫu xe này được xem như vinh dự rất lớn của những chiếc xe lắp ráp trong nước. Trong lô xe trên có 42 chiếc E 280 đời 2007 và 73 chiếc E 200K , trong quá trình diễn ra Hội nghị APEC, tất cả những xe Mercedes-Benz do Việt Nam cung cấp đều hoạt động hiệu quả và tuyệt đối an toàn đối với các vị khách của APEC 2006.

Ngoài ra, Công ty Ford Việt Nam đã cung cấp mẫu xe Mondeo 2.5, Ford Transit; Công ty Vinastar với nhãn hiệu Mitshubishi Pajero 3.5 cũng đã được Văn phòng Chính phủ sử dụng hiệu quả trước và trong tuần lễ APEC Việt Nam 2006.

Tin mới

Vì sao robot không thể thay thế con người trong ngành công nghiệp ô tô?

Vì sao robot không thể thay thế con người trong ngành công nghiệp ô tô?

Trên toàn cầu, việc sử dụng robot công nghiệp tiếp tục tăng, với gần 3,5 triệu robot đang hoạt động trong các nhà máy tính đến năm 2021. Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng này, ngành công nghiệp ô tô vẫn dựa vào khả năng thích ứng và phán đoán của con người đối với các nhiệm vụ mà máy móc chưa được trang bị để xử lý hiệu quả.
Cơ hội tiếp cận xuyên biên giới của doanh nghiệp ngành ô tô Việt

Cơ hội tiếp cận xuyên biên giới của doanh nghiệp ngành ô tô Việt

Trong xu thế hội nhập mới, để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu việc, tận dụng công nghệ số và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới là vấn đề đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành ô tô nói riêng tập trung khai thác. Việc ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trước các cơ hội trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ra mắt robotaxi, Musk tiếp tục “hứa” khiến cổ phiếu Tesla sụt giảm

Ra mắt robotaxi, Musk tiếp tục “hứa” khiến cổ phiếu Tesla sụt giảm

Elon Musk đã tự đưa ra cho mình một danh sách việc cần làm vào ngày ra mắt robotaxi không người lái được mong đợi từ lâu. Vấn đề đáng nói là sau hàng loạt thông báo của ông trong bài thuyết trình dài 20 phút thiếu các chi tiết thực tế, khiến cổ phiếu của Tesla cùng ngày đóng cửa giảm gần 9% ở mức 217,80 USD vào thứ Sáu cuối tuần qua.