Vietnam Motor Show 2013 và bước giật lùi sau 20 năm

Trường Giang
Xe nhập khẩu nguyên chiếc đang dần chiếm lĩnh sân chơi của xe lắp ráp nội địa
Với danh sách dài những dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm lĩnh sân 
chơi vốn thuộc về xe lắp ráp trong nước, thật khó để không nhận thấy 
ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang có xu thế dịch chuyển ngược với định
 hướng phát triển trong 20 năm qua - Ảnh: Bobi.<br>
Với danh sách dài những dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm lĩnh sân chơi vốn thuộc về xe lắp ráp trong nước, thật khó để không nhận thấy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang có xu thế dịch chuyển ngược với định hướng phát triển trong 20 năm qua - Ảnh: Bobi.<br>
Ít ngày nữa, triển lãm ôtô lớn nhất Việt Nam năm nay (Vietnam Motor Show 2013) sẽ khai màn tại Tp.HCM.

Cái tên Vietnam Motor Show gắn liền với ngành công nghiệp ôtô của nước nhà từ nhiều năm qua. Đây không chỉ là nơi để các hãng xe tiếp thị các dòng sản phẩm. Ở một góc độ nào đó, thông qua sự kiện này, công chúng có thể nhìn nhận được sự phát triển từng bước của ngành công nghiệp được xem là "mũi nhọn" qua từng năm. 

Từ 2011 trở về trước, Vietnam Motor Show là sân chơi dành riêng cho những thành viên trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Các doanh nghiệp không có tên trong hiệp hội đều phải đứng ngoài. 

Hai năm qua, khi thị trường có sự dịch chuyển với lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh, cũng là lúc Vietnam Motor Show bắt đầu mở cửa cho các doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng được tham gia.

Quyết định này đã được đánh giá là hợp với xu thế, bởi lượng xe trên thị trường theo dạng nhập khẩu nguyên chiếc chính ngạch vào Việt Nam ngày càng tỏ ra lấn át xe sản xuất và lắp ráp trong nước.
 
Lần lượt xuất hiện và không mất nhiều thời gian để tìm được chỗ đứng ở một thị trường ôtô nhỏ bé như Việt Nam, nhưng điều đáng chú ý là thay vì đầu tư nhà máy lắp ráp, thì hầu hết thương hiệu ôtô vào Việt Nam gần đây đều lựa chọn hình thức kinh doanh phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Chiến lược kinh doanh trên có phần đi ngược với định hướng xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong gần 20 năm qua. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện kinh doanh thuần túy thì hình thức này lại tỏ ra hợp với thời cuộc.

Tính tới thời điểm này, chưa đầy 5 năm nữa Việt Nam sẽ phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan về nhập khẩu xe hơi theo lộ trình hội nhập AFTA. Một khoảng thời gian quá ngắn để một hãng xe “chân ướt chân ráo” đến Việt Nam có thể xây dựng được một dòng sản phẩm đủ sức cạnh tranh.   

Về lý thuyết, lợi thế tạo ra sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao ở Việt Nam đang thuộc về các thành viên gạo cội của VAMA, gồm Toyota, Ford, Honda, Mercedes-Benz hay GM… Theo cam kết ban đầu khi thành lập liên doanh sản xuất và lắp ráp xe, các doanh nghiệp đều phải thực hiện lộ trình nội địa hóa sản phẩm để nhận được ưu đãi và hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp sản xuất ôtô hầu như chưa vượt quá 10% (đối với xe con), thấp hơn nhiều so với cam kết. Bản thân các liên doanh sản xuất xe du lịch thuộc VAMA cũng đã thấy “ngại” nội địa hóa sản phẩm, do khó khăn trong việc tìm đối tác cung ứng linh kiện trong nước. Thay vào đó, những doanh nghiệp này tăng hàm lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trong chiến lược kinh doanh.
 
Trở ngại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa có cách tháo gỡ, nhất là khi hoạt động gần đây của các liên doanh đều cho thấy sự thiếu quyết tâm trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Trở lại Vietnam Motor Show 2013, không ít người sẽ cảm thấy băn khoăn trước sự thiếu vắng ba doanh nghiệp xe nội địa là Trường Hải, Vinaxuki và Hyundai Thành Công. Cả ba doanh nghiệp vốn Việt Nam đều có nhà máy lắp ráp xe, trong đó Trường Hải và Vinaxuki là hai doanh nghiệp luôn tích cực theo đuổi chiến lược tăng tỷ lệ nội hóa xe lắp ráp trong nước.

Trường Hải và Hyundai Thành Công không tham gia Vietnam Motor Show 2013 cũng đồng nghĩa với việc các thương hiệu xe Hàn Quốc gồm Kia và Hyundai sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Trong khi đó, các dòng xe do hai đơn vị này sở hữu đang chiếm thị phần rất lớn tại thị trường Việt Nam.
 
Ở chiều ngược lại, hai thương hiệu xe sang là Lexus và Infiniti chắc chắn sẽ góp mặt tại ngày hội ôtô lớn nhất Việt Nam, cho dù phải cuối năm nay hoặc đầu năm sau, hai thương hiệu này mới chính thức tham gia thị trường theo đường chính ngạch.
 
Một triển lãm ôtô dù có quy mô lớn đến đâu dĩ nhiên cũng không thể phác họa hết bức tranh về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Tuy nhiên, với danh sách dài những dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm lĩnh sân chơi vốn thuộc về xe lắp ráp trong nước, thật khó để không nhận thấy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang có xu thế dịch chuyển ngược với định hướng phát triển trong 20 năm qua.

Tin mới

#Auto Biz: Những lý do xe BYD khó bán tại Việt Nam

#Auto Biz: Những lý do xe BYD khó bán tại Việt Nam

Sau màn “quay xe” của BYD từ việc xây nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam chuyển sang xe nhập khẩu về bán, nhiều người tự hỏi mục đích thực sự của BYD tại Việt Nam là gì, và liệu rằng có nên mua xe BYD ở thời điểm này hay không? Bởi xét trên nhiều khía cạnh, BYD đang đối mặt với vô vàn thách thức trước những ánh mắt dò xét của dư luận và áp lực cạnh tranh quá lớn từ VinFast.
Chủ xe sau 13 năm sử dụng Nissan Navara: “Giá trị cốt lõi đã được chứng minh với nửa triệu km lăn bánh”

Chủ xe sau 13 năm sử dụng Nissan Navara: “Giá trị cốt lõi đã được chứng minh với nửa triệu km lăn bánh”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ gắn bó với một chiếc xe đến hết cuộc đời, nhưng Nissan Navara đã khiến tôi phải thay đổi quan điểm đó. Đối với tôi, chiếc xe này không chỉ là phương tiện đi lại cần thiết hàng ngày mà còn là một người bạn đã đồng hành cùng tôi và gia đình từ những ngày đầu lập nghiệp, cùng trải qua mọi cảm xúc, thăng trầm của cuộc sống”, anh Nguyễn Đăng Luyện (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về chiếc xe Nissan Navara sau 13 năm sử dụng.
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan “đấu tranh để sinh tồn” trước làn sóng xe Trung Quốc

Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan “đấu tranh để sinh tồn” trước làn sóng xe Trung Quốc

Chính phủ Thái Lan đang phải đối mặt với các yêu cầu cấp thiết nhằm hỗ trợ lĩnh vực sản xuất ô tô ICE trong nước trong bối cảnh xe điện Trung Quốc tràn vào. Hơn 10.000 ô tô đã làm tắc nghẽn Cảng Laem Chabang khi doanh số bán xe điện giảm mạnh, đẩy các nhà sản xuất và đại lý địa phương đến bờ vực phá sản.