Xe lắp ráp sắp hết ưu đãi phí trước bạ, xe nhập khẩu sẽ bứt phá?

Thanh Minh
Doanh số xe nhập khẩu vẫn tăng đều đặn trong thời kỳ chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp có hiệu lực. Tuy nhiên, từ ngày 1/6/2022, cơ hội bán hàng trên thị trường ô tô sẽ chia đều cho tất cả các loại xe.
Cộng dồn đến hết tháng 4/2022, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cộng dồn đến hết tháng 4/2022, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường ô tô Việt Nam đã bước qua những tháng thấp điểm đầu năm và đang dần hồi phục. Doanh số bán hàng liên tục tăng trong vài tháng gần đây.

Theo tổng hợp số liệu bán lẻ thực tế của các thành viên VAMA và số liệu nhập khẩu xe nguyên chiếc trong tháng 4/2022, doanh số bán hàng của các hãng xe này đạt 42.359 xe, tăng 14% so với tháng 3/2022 và tăng 40% so với tháng 4/2021.

Đáng chú ý, mặc dù trong thời điểm xe lắp ráp, sản xuất trong nước được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, song doanh số bán hàng của xe nhập khẩu vẫn tăng lên.

Cụ thể, trong tháng 4, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 25.269 xe, tăng 16% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 17.090 xe, tăng 13% so với tháng trước.

Cộng dồn đến hết tháng 4/2022, thị trường ô tô đã tăng trưởng tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 38% và xe nhập khẩu tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bắt đầu từ ngày 1/6/2022, chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ hết hiệu lực. Như vậy, cơ hội bán hàng trên thị trường ô tô sẽ chia đều cho tất cả các loại xe. Dù vậy, có thể thấy, doanh số xe nhập khẩu vẫn tăng đều đặn trong thời kỳ chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp có hiệu lực.

Dự đoán, trong thời gian tới, xe nhập khẩu sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa khi “cạnh tranh công bằng” với xe lắp ráp. Ngoài ra, những tháng gần đây những gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng lớn đến việc phân phối các mẫu xe nhập khẩu. Một số mẫu xe nhập khẩu của Toyota như Raize, Veloz Cross, Corolla Cross đều rơi vào cảnh khan hàng.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 13.238 chiếc, tăng mạnh 28,1% so với tháng trước. 

Tuy nhiên, tính trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng ô tô nhập khẩu về nước vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước, với 36.989 ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 26,3%. Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 30.121 chiếc, chiếm tới 81% tổng lượng ô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam và giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 16.752 chiếc, giảm 35,1%; nhập từ Indonesia với 11.016 chiếc, giảm 20,6% và nhập từ Trung Quốc với 5.432 chiếc, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ttình trạng khan hàng trên thị trường ô tô dự kiến vẫn còn kéo dài. Thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 8.366 ô tô nguyên chiếc trong nửa đầu tháng 5/2022, đạt tổng kim ngạch hơn 215 triệu USD, giảm nhẹ 0,3% về số lượng và giảm 4,4% so với nửa đầu tháng 4.

Đặc biệt, số lượng ô tô 9 chỗ trở xuống được nhập khẩu với số lượng nhiều nhất với 5.231 chiếc, chiếm 62,5% trong tổng số lượng xe nhập về, giảm 12% so với tháng trước đó; đồng thời đạt giá trị hơn 100 triệu USD, giảm 13%.

Tin mới

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Blockchain đang cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

Ngành công nghiệp ô tô đang trải qua quá trình chuyển đổi triệt để và công nghệ blockchain có tiềm năng mang lại hiệu quả và tăng cường tạo ra giá trị trên toàn bộ ngành, từ sản xuất ô tô đường trường tại nhà máy đến siêu xe thể thao cao cấp.