Những rào cản khiến xe điện Trung Quốc khó bán tại Việt Nam

Lê Vũ
Dù có lợi thế về giá thành và công nghệ, nhiều thương hiệu ô tô điện Trung Quốc vẫn đang “loay hoay” tìm chỗ đứng của mình tại các thị trường xuất khẩu. Tại Việt Nam, người dùng có thể dễ dàng chọn lựa nhiều mẫu xe của Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, song lại khá thận trọng khi chọn mua xe của Trung Quốc sản xuất, thậm chí với ô tô điện lại càng dè dặt hơn.

Sạc ở đâu, sạc bao lâu và đi được bao xa?

Xe điện Trung Quốc khó cạnh tranh vì thiếu trạm sạc. Ảnh: Lê Vũ
Xe điện Trung Quốc khó cạnh tranh vì thiếu trạm sạc. Ảnh: Lê Vũ.

Bất kỳ một chiếc xe nào cũng cần năng lượng để vận hành. Đối với xe dùng động cơ đốt trong truyền thống, chỉ cần vài phút ghé vào trạm xăng là có thể nạp đủ nhiên liệu và tiếp tục chuyến hành trình. Với mạng lưới hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu, phủ khắp 63 tỉnh, thành tại Việt Nam hiện nay, người dân hiếm khi phải lo lắng về vấn đề nạp nhiên liệu, trừ một vài lần gặp khó khăn do xăng dầu khan hiếm. Do vậy, những người có nhu cầu di chuyển xa và liên tục sẽ ưu tiên chọn những mẫu xe có dung tích bình nhiên liệu lớn và động cơ có khả năng tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả.

Trong khi đó, đối với xe “thuần” điện (BEV) hay xe lai sạc điện (PHEV), người dùng luôn mong đợi giải pháp cho 3 câu hỏi: Sạc ở đâu? Sạc bao lâu thì đầy? Mỗi lần sạc đầy đi được bao xa? Hiện nay, tại Việt Nam, trạm sạc dành cho ô tô và xe máy điện, nếu tính là bài bản, đủ đáp ứng nhu cầu thì chỉ có hệ thống trạm sạc của VinFast. Các hãng ô tô, doanh nghiệp, đơn vị khác cũng đã lắp đặt một số trụ sạc lẻ, tập trung tại Hà Nội, TP.HCM nhưng số lượng không đáng kể.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ rằng, VinFast sẽ không chia sẻ trạm sạc ô tô điện ít nhất trong 10 năm tới, “không có lý do gì bỏ ra 500-700 triệu USD để cho đối thủ dùng chung”. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng ô tô điện muốn khai thác tại thị trường Việt Nam buộc phải tự đầu tư hạ tầng trạm sạc của riêng mình. Nếu lựa chọn sạc tại nhà, chỉ những căn nhà mặt đất có đủ diện tích mới có thể lắp đặt Home Charger. Đối với người dân sinh sống tại chung cư, khu đô thị, việc lắp đặt trạm sạc công cộng phụ thuộc vào quyết định của chủ đầu tư, không có quy định bắt buộc như các nước phát triển. Như vậy, câu hỏi “Sạc ở đâu?” cho đến nay vẫn là bài toán khó giải.

Điều đáng mừng là công nghệ pin ô tô điện trên thế giới hiện nay đang đi trước trạm sạc một bước. Đa số các mẫu xe điện thế hệ mới đều hỗ trợ cổng sạc chậm, sạc nhanh và siêu nhanh và có khả năng tương thích cao với nhiều chuẩn sạc. Các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc hướng đến thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thường tập trung vào các mẫu xe cỡ nhỏ với khối pin nhỏ, dưới 60 kWh. Lấy một chiếc VinFast VF e34 làm tiêu chuẩn, thời gian sạc pin chỉ từ 4-6 tiếng đối với sạc chậm (11 kW), 45-90 phút đối với sạc nhanh (30-60 kW) và dưới 45 phút đối với sạc siêu nhanh (trên 150 kW). Khoảng thời gian lý tưởng để cắm sạc là thời gian nghỉ trưa và sau 22 giờ đêm.

Cuối năm 2023, Tập đoàn Geely đã chính thức ra mắt mẫu xe Zeekr 007, có khả năng đi được 500 km chỉ sau 15 phút sạc, phạm vi di chuyển tối đa gần 900 km sau mỗi lần sạc đầy. Một thương hiệu khác là Beijing Automobile Works cũng ra mắt Polestones 01 có phạm vi di chuyển lên tới 1.000 km, tích hợp bếp gắn trên cửa sau để phục vụ các chuyến picnic dài ngày. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để những mẫu xe này có cơ hội xuất hiện tại Việt Nam đó là có trạm sạc.

Do đó, ở thời điểm hiện tại, dòng xe Hybrid (HEV) sử dụng xăng làm nhiên liệu chính sẽ có lợi thế tại thị trường Việt Nam, thay vì BEV hay PHEV. Một số mẫu Hybrid của Trung Quốc đã được ra mắt thời gian gần đây bao gồm: Haval H6 Hybrid, Lynk & Co 09...

Giá rẻ, nhưng phải “càng nhiều option càng tốt”

Nhiều hãng xe Trung Quốc ưu tiên giới thiệu phiên bản Hybrid tại Việt Nam. Ảnh: Lê Vũ
Nhiều hãng xe Trung Quốc ưu tiên giới thiệu phiên bản Hybrid tại Việt Nam. Ảnh: Lê Vũ.

“Ngon, bổ, rẻ” là mong muốn của người tiêu dùng Việt khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào, và ô tô cũng không ngoại lệ. Khi tìm mua một chiếc xe chạy xăng, dầu, đa số người tiêu dùng (lần đầu mua xe) đều tham khảo hình ảnh thiết kế ngoại thất, nội thất, thông số kỹ thuật cơ bản, đánh giá của chuyên gia, người dùng trước đó và trải nghiệm lái thử. Trong cùng một phân khúc, nhiều người thích chọn mẫu xe rẻ nhất có thể, nhưng cũng sẵn sàng chi thêm tiền nếu mẫu xe khác có nhiều tính năng, trang bị hơn như cửa gió điều hòa phía sau, bệ tì tay, các hệ thống chỉnh điện... Một số người sẽ lựa chọn những mẫu xe thuộc phân khúc hạng B nhưng có thêm những option của phân khúc hạng C với niềm tin rằng đây là “món hời”. Tâm lý chọn mua xe này tiếp tục được kế thừa khi người tiêu dùng lựa chọn ô tô điện.

Dù vậy, tại Việt Nam, số lượng mẫu xe BEV, HEV hay PHEV đã được chào bán còn khá hạn chế. Năm 2023, hàng loạt thương hiệu Trung Quốc ra mắt các phiên bản xe xăng, xe điện tại Việt Nam như Wuling, Haval, Haima, OMODA & JAECOO, Lynk & Co, Zhidou..., nhưng đến đầu năm 2024 mới chỉ có Mini EV( tên gọi mới của Wuling Hongguang Mini EV), Haima 7X-E, Haval H6 Hybrid được chào bán chính thức.

Qua đánh giá ban đầu từ các chuyên trang uy tín về ô tô, một số mẫu xe điện Trung Quốc ra mắt gần đây có thiết kế hiện đại, trẻ trung, thoát ly dần “tiếng xấu” mượn ý tưởng từ các thương hiệu Mỹ, châu Âu. Bên cạnh đó, đa số các mẫu xe này đều được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại nhất hiện nay như hệ thống an toàn chủ động, điều khiển bằng giọng nói, hỗ trợ ảo...

Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng, với những công nghệ, tính năng được quảng cáo, mức giá của các mẫu xe này còn khá cao so với các mẫu xe cùng phân khúc đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này cũng dễ hiểu bởi các thương hiệu quen thuộc như Toyota, Honda, Hyundai, Kia, Mazda đã có nhiều năm “lăn lộn” tại thị trường Việt, với hệ thống nhà máy lắp ráp, đại lý phân phối, trung tâm bảo hành, bảo dưỡng rộng khắp cả nước. Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc chưa có nền tảng buộc phải trả thêm chi phí cho mạng lưới phân phối và quảng bá sản phẩm, dẫn đến giá xe cũng bị điều chỉnh tăng lên.

Để kích cầu tiêu dùng, từ cuối năm 2023, một số hãng xe đã buộc phải giảm giá bán tại Việt Nam, bao gồm Wuling, Haval. Cụ thể, Haval giảm 110 triệu đồng đối với mẫu H6 Hybrid để cạnh tranh với Honda CR-V. Mới đây, Wuling Mini EV phiên bản nâng cao cũng được điều chỉnh giá xuống còn từ 205 - 232 triệu đồng, giảm 50 triệu đồng so với giá niêm yết trước đó.

Khó cạnh tranh với xe Việt

Xe thuần điện của VinFast không có đối thủ tại Việt Nam. Ảnh: VinFast
Xe thuần điện của VinFast gần như không có đối thủ tại Việt Nam. 

VinFast đang là niềm tự hào của người dân Việt Nam khi sở hữu dải sản phẩm xa xỉ có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, đó là các mẫu xe đã được chào bán như VF e34, VF 8, VF 9, VF 5, VF 6 và VF 7. Toàn bộ dải sản phẩm của VinFast đều là xe “thuần” điện.

Chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi chính thức chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện, VinFast đã tạo nền móng vững chắc tại thị trường ô tô Việt và vươn ra bản đồ ô tô thế giới. Trong đó, lợi thế cạnh tranh đầu tiên của VinFast là sở hữu hệ thống trạm sạc quy mô lớn gồm hơn 150.000 cổng sạc đã được lắp đặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đối với dòng xe “thuần” điện, đây là yếu tố quan trọng giúp người tiêu dùng yên tâm, sẵn sàng móc hầu bao vì không lo thiếu trạm sạc để sử dụng. Cùng với hạ tầng trạm sạc, VinFast cũng mở ra nhiều dịch vụ như cứu hộ 24/7 trên mọi nẻo đường, bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, chính sách thuê pin.

Thứ hai, VinFast (trước đây là VinES, nay đã sát nhập) sở hữu công nghệ lõi về cellpin. Điều này vừa giúp nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam chủ động về nguồn pin, vừa góp phần giảm giá thành sản phẩm. Thời điểm mới ra mắt VF 8 và VF 9, giá pin của hai mẫu xe này dao động từ 384 - 493 triệu đồng tùy phiên bản. Tuy nhiên, đối với mẫu VF 6, VF 7 mới ra mắt năm 2023, giá pin chỉ còn 90 triệu đồng (đối với VF 6) và 149 - 200 triệu đồng (đối với VF 7). Đồng thời, hiệu năng sử dụng pin cũng ngày càng được tăng lên, giúp tăng phạm vi di chuyển của xe chỉ bằng thao tác cập nhật phần mềm. Chính điều này đã giúp giá xe điện VinFast ngày càng tiệm cận với giá xe chạy xăng, dầu ở cùng phân khúc. Một số ý kiến cho rằng, đối với xe Hybrid, người tiêu dùng đang ngày càng có nhiều lựa chọn do các hãng xe đang tập trung phát triển dòng xe này; nhưng đối với xe “thuần” điện thì xe của VinFast gần như không có đối thủ tại Việt Nam.

Với những lý do kể trên, các hãng xe điện Trung Quốc muốn tồn tại và chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam có lẽ sẽ buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và đưa ra những chính sách, ưu đãi đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng cũng phải được đảm bảo bởi có không ít người dùng mong muốn xe giữ giá khi có nhu cầu “sang tay”.

Tin mới

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD sẽ giới thiệu chiếc sedan đầu tiên nằm trong phân khúc cao cấp của mình tại triển lãm ô tô Bắc Kinh, nhằm thách thức những hãng như Mercedes-Benz của Đức, hãng mà ba năm trước đã rút khỏi sự phát triển của thương hiệu Denza, với lý do doanh số bán hàng chậm.
#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

Khởi nguyên là dòng xe nhắm đến đối tượng khách hàng nông dân ở các vùng ngoại ô, ngày nay, những chiếc xe bán tải mang thương hiệu Mỹ, Ford, đang được đông đảo người dùng tại đô thị săn tìm. Vì sao dòng xe này phát triển mạnh tại Việt Nam và vì sao Ford lại thành công đến vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.
Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.