Thị trường trong nước là “điểm tựa” khi xuất khẩu gặp khó
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 đạt mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn giảm tới 12,3%. Thậm chí, tính chung 5 tháng, mức giảm còn xuống -14,7%, chỉ ước đạt 262,54 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do kinh tế toàn cầu khó khăn, sức cầu thị trường quốc tế suy yếu.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, việc quay trở lại khai thác thị trường nội địa là giải pháp giúp doanh nghiệp Việt tiêu thụ hàng hóa mà không phụ thuộc vào xuất khẩu.
Thực tế, tiềm năng của thị trường trong nước là rất lớn với quy mô dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân không ngừng được cải thiện kéo theo sức tiêu dùng tăng nhanh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng của ngành này một phần là do đầu tháng 5 có chuỗi ngày nghỉ lễ nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao hơn tháng trước.
“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng năm 2023 đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19”, Tổng Cục Thống kê cho biết.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước đạt 1.993 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6%; Quảng Ninh tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 8,7%; Hà Nội tăng 7,9%; Đà Nẵng tăng 6,2%;...
Bên cạnh đó, doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm ước đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng gấp 3,5 lần; Hải Phòng gấp 3,2 lần; Hà Nội gấp 3 lần; Bình Thuận tăng 75,2%; Khánh Hòa tăng 71,5%; ...
Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 5 tháng ước đạt 268,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của một số địa phương có mức tăng cao như: Đà Nẵng tăng 40,3%; Cần Thơ tăng 27,2%; Đồng Nai tăng 23,6%; TP.HCM tăng 23,4%; Quảng Ninh tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hà Nội tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về việc tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, Tổng Cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đạt 12,6% là mức tăng khá nhưng do chỉ số giảm phát tăng 3,9% nên tốc độ tăng theo giá so sánh chỉ đạt 8,3%, bằng với mức tăng của năm 2018.
Tuy đây là mức tăng tương đương với mức tăng bình quân của 5 năm trước dịch (2015-2019) nhưng trên nền tăng thấp của 3 năm (2020-2022) chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu cho nhóm hàng thiết yếu và hạn chế vào các nhóm hàng dịch vụ khác. Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gồm lưu trú ăn uống; du lịch lữ hành và các dịch vụ khác) năm 2019 chiếm 23,7%, đến năm 2023 chỉ chiếm 21,1% (giảm 2,6 điểm phần trăm).
Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 1,5 điểm phần trăm, từ mức 12,1% năm 2019, xuống 10,6% năm 2023; dịch vụ khác giảm 0,8 điểm phần trăm, từ 10,8% xuống 10,0%. “Tỷ trọng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phản ánh người dân có xu hướng tăng chi tiêu vào nhóm hàng hóa thiết yếu, giảm chi tiêu dịch vụ xã hội”, Tổng Cục Thống kê cho biết thêm.
Ngoài ra, theo Tổng Cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước; số lượng khách du lịch nội địa cũng tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là yếu tố đóng góp tích cực vào mức tăng 12,6% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.