Cơ hội của Việt Nam thành trung tâm công nghiệp xe máy của châu Á

Lê Vũ
Cách đây 5 năm, nhiều chuyên gia Nhật Bản đã nhận định, Việt Nam sẽ sớm thay thế Thái Lan để trở thành trung tâm công nghiệp xe máy của Châu Á. Điều này đang được chứng minh qua sự tham gia đầu tư ngày càng sâu rộng của các nhà sản xuất vào Việt Nam, coi đây là “đại bản doanh” để hướng tới phát triển bền vững.

Đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất

Nhiều nhà sản xuất chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam. Ảnh: Yamaha Motor Việt Nam
Nhiều nhà sản xuất dần chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam. Ảnh: Yamaha Motor Việt Nam

Theo thống kê của MotorCycles Data, thị trường xe máy Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia) với khoảng 70 triệu xe máy đã đăng ký trên tổng số 99,6 triệu dân. 5 năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường xe máy Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ, nhưng tổng doanh số xe máy vẫn duy trì ở mức trên dưới 3 triệu chiếc/năm. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, tổng lượng xe máy mới sản xuất trong nước ước đạt 1.049.800 chiếc.

Hiện tại, thị trường xe máy Việt Nam có 5 nhà sản xuất lớn, chiếm trên 90% thị phần, bao gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, một số đơn vị thành viên của VAMM còn xuất khẩu xe máy nguyên chiếc sang nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Chính điều này giúp thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, nhà sản xuất xe máy tại Châu Á.

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn trật tự, vị trí của nhiều quốc gia trên thế giới về chuỗi cung ứng sản xuất. Chính sách “Zero-Covid” khiến Trung Quốc dần mất lợi thế dẫn đầu về sản xuất xe máy. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, tìm đến các thị trường nhỏ hơn tại Châu Á để giảm thiểu rủi ro. Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty sớm rời nhà máy tại Trung Quốc về Mỹ hoặc chuyển sang nước thứ ba. Nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những động thái tương tự.

Trong làn sóng dịch chuyển này, Việt Nam trở thành một trong những “bến đỗ” mới đầy tiềm năng. Honda Việt Nam hiện đang ở hữu 3 nhà máy xe máy, nhiều phân xưởng và 01 trung tâm phụ tùng, quy mô sản xuất khoảng 2,5 triệu xe máy/năm.Yamaha Motor Việt Nam hiện có 2 nhà máy tại Hà Nội phục vụ sản xuất xe máy số, xe máy tay ga và xe điện với quy mô hơn 4.000 lao động. Piaggio Việt Nam mở rộng đầu tư tại 2 nhà máy thuộc Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), giúp tăng năng lực sản xuất từ 250.000 sản phẩm lên 400.000 sản phẩm/năm. 

Hướng đến xuất khẩu

Yamaha tiên phong với sản phẩm xe máy điện xuất khẩu sang Châu Âu. Ảnh: Yamaha Motor Việt Nam
Yamaha tiên phong với sản phẩm xe máy điện xuất khẩu sang Châu Âu.

Thực tế, sau nhiều năm khai thác, thị trường xe máy truyền thống đã có dấu hiệu bão hòa. Sản lượng xe máy hàng năm vẫn tăng, nhưng sức mua ngày càng giảm. Trước tình hình này, các nhà sản xuất dần thay đổi chiến lược kinh doanh như: đầu tư mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có phân khúc xe cao cấp; đẩy mạnh xuất khẩu xe máy nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ra thị trường thế giới.

Từ năm 2019, Yamaha Motor Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu một số lô hàng xe máy để bổ sung cho thị trường Indonesia. Năm 2022, Công ty này trở thành nhà máy nước ngoài đầu tiên sản xuất và xuất khẩu xe máy điện NEO’S sang thị trường Châu Âu.

Đáng chú ý là mới đây, ngày 19/5/2023, Yamaha Motor Việt Nam chính thức khánh thành dây chuyền thứ tư, chuyên lắp động cơ cho xuất khẩu. Điều này khẳng định quyết tâm của hãng xe Nhật Bản trong việc nâng cao dây chuyền sản xuất ngày càng hiện đại và tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Đại diện Yamaha Motor Việt Nam cho biết, giai đoạn 1, nhà máy sẽ sản xuất động cơ để xuất khẩu sang Thái Lan, nhưng chỉ chiếm 30% so với thị trường nội địa. Với kế hoạch trung hạn trong 3 năm tới, Yamaha Motor Việt Nam sẽ mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Philippin, Indonesia, Malaysia với kỳ vọng doanh số xuất khẩu đạt khoảng 200.000 đơn vị.

Cụ thể, sản phẩm động cơ đầu tiên cho xuất khẩu của Yamaha Motor Việt Nam là động cơ xe số (tương tự động cơ của xe Yamaha Jupiter Finn) và động cơ xe ga (tương tự động cơ của xe Yamaha Grande Hybrid 2022). Dây chuyền sản xuất động cơ xuất khẩu có công suất 400 động cơ/ngày và đến tháng 8/2023 sẽ nâng lên gấp đôi thành 800 động cơ/ngày. Tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm động cơ lên đến hơn 95%

Trước đó từ năm 2012, Honda Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu xe máy nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu xe máy của hãng trên toàn cầu. Năm tài chính 2022, Honda Việt Nam đã xuất khẩu 207.000 xe máy với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 462 triệu USD, bao gồm cả xuất khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng, tăng 25,5% so với năm tài chính 2021. Trong năm tài chính 2023, hãng dự báo xe máy xuất khẩu nguyên chiếc sẽ đạt hơn 225.000 chiếc, tăng khoảng 9% so với năm tài chính 2022.

Sự chuyển dịch công nghệ theo xu hướng điện khí hóa

Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất động cơ xe máy tại Đông Nam Á. Ảnh: Yamaha Motor Việt Nam
Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất động cơ xe máy tại Đông Nam Á.

Việt Nam cùng một số quốc gia trong khu vực đang ở giai đoạn tiền “ô tô hóa”. Quan niệm sử dụng xe máy như một phương tiện đi lại chủ yếu đang dần thay đổi theo sự phát triển chung của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, dư địa để phát triển ngành xe máy mặc dù vẫn còn nhưng sẽ dần thay đổi về chất. Nghĩa là, các thương hiệu lớn dần chuyển hướng sang phát triển các dòng sản phẩm mới để tiếp cận khách hàng.

Theo đó, Yamaha Motor Việt Nam sẽ tập trung vào 3 yếu tố: Q - C - D (Quality - Chất lượng, Cost - Giá thành, Delivery - Vận chuyển) để nâng cao chất lượng, hạ giá thành cũng như đảm bảo giao hàng đến tay khách hàng nhanh nhất và tốt nhất. Việc chuyển dịch nhà máy sản xuất động cơ về Việt Nam sẽ giúp Yamaha chủ động nguồn cung cho thị trường nội địa, tiết giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Chiến lược mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.
Chiến lược mới giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, hãng xe này cũng hướng tới ưu tiên các dòng xe sử dụng năng lượng “xanh” trong tương lai. Ngoài sản phẩm xe máy điện NEO’S đã sản xuất, Yamaha Motor Việt Nam cũng tập trung phát triển công nghệ về động cơ giúp tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Trong đó, động cơ Blue Core là thế hệ động cơ mới nhất và hiện đại nhất của Yamaha, kết hợp hoàn hảo giữa khả năng tiết kiệm nhiên liệu vượt trội, vận hành êm ái, cùng thiết kế gọn nhẹ.

Sau khi được áp dụng trên tất cả các dòng xe tay ga hiện đại của Yamaha tại thị trường Việt Nam, Blue Core đã dần xóa bỏ sự ám ảnh ngốn xăng trong tâm lý khách hàng. Dự kiến đến năm 2030, ngoài thị trường Châu Âu, các sản phẩm xe máy điện của Yamaha cũng sẽ được phân phối tại các quốc gia ASEAN với mức giá bán hợp lý.

Cũng theo MotorCycles Data, trong quý I/2023, trái ngược với phân khúc xe xăng truyền thống, phân khúc xe máy điện tại thị trường Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với hạng mục L1 (tương ứng với loại xe dưới 50cc) tăng 5,6% và hạng mục L3 tăng 57,9%. Mặc dù vậy, trong sân chơi dành cho xe máy điện, các hãng xe truyền thống dường như đang hụt hơi trước sự phát triển nhanh chóng của các thương hiệu xe điện như Vinfast, Pega, Yadea, Dibao... Tuy nhiên, sự chênh lệch này rất có thể sẽ thay đổi và thị trường xe máy điện sẽ ngày càng trở nên sôi động hơn khi các hãng xe lớn như Honda, Yamaha đẩy mạnh đầu tư phát triển lĩnh vực này trong tương lai gần.

Tin mới

Vì sao “vua pin” của Trung Quốc cần một đợt bán cổ phiếu lớn?

Vì sao “vua pin” của Trung Quốc cần một đợt bán cổ phiếu lớn?

Hãng sản xuất pin CATL của Trung Quốc chuẩn bị huy động 4,6 tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế tại Hồng Kông, sau khi các ngân hàng chốt sổ giao dịch vào thứ Tư tuần qua với mức giá chào bán được cho là cao nhất là 263 đô la Hồng Kông (33,70 USD) cho một cổ phiếu.
#Auto Hashtag: Xây trạm sạc, liên minh xe điện Trung Quốc có thể tạo “sóng” tại thị trường Việt?

#Auto Hashtag: Xây trạm sạc, liên minh xe điện Trung Quốc có thể tạo “sóng” tại thị trường Việt?

Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành ô tô Việt vẫn còn đang đắn đo về lộ trình chuyển đổi xanh thì TMT Motors – một cái tên được biết đến nhiều hơn với vai trò sản xuất, phân phối xe điện Trung Quốc – mới đây đã gây bất ngờ khi công bố kế hoạch xây dựng tối thiểu 30.000 trụ sạc từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, thông tin mới được rò rỉ gần đây lại mở ra một góc nhìn khác đầy chiến lược trong làn sóng của xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Dường như đang có một cuộc liên minh ngầm giữa các doanh nghiệp Trung Quốc để xây dựng một liên minh trạm sạc. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện ngành xe điện tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
GSM chính thức phân phối VinFast VF 3 và VF 5 tại Lào

GSM chính thức phân phối VinFast VF 3 và VF 5 tại Lào

Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), đơn vị vận hành Xanh SM – thương hiệu gọi xe thuần điện đầu tiên tại Đông Nam Á, vừa công bố triển khai nền tảng công nghệ Xanh SM Platform tại Lào. Đồng thời, GSM cũng công bố việc phân phối chính thức hai mẫu ô tô điện VinFast VF 3 và VF 5 ở quốc gia này.
Xe ô tô 100% "sản xuất tại Mỹ" có khả thi?

Xe ô tô 100% "sản xuất tại Mỹ" có khả thi?

Tổng thống Donald Trump muốn các nhà sản xuất ô tô chế tạo nhiều xe hơn tại Mỹ bằng các bộ phận của Mỹ, nhưng điều đó không dễ dàng. Ngay cả ô tô và xe tải được lắp ráp từ khung đến hoàn thiện tại Mỹ cũng phải dựa vào các bộ phận và vật liệu nước ngoài. Các chuyên gia trong ngành cho biết, một nhà sản xuất ô tô càng tiến gần đến một chiếc xe 100% "sản xuất tại Mỹ" thì chi phí càng tăng cao.