Công nghệ an toàn: Xu thế cạnh tranh mới của các hãng ô tô tại Việt Nam

Minh Long
Bên cạnh cuộc đua về trang bị, nhiều người mua xe tại Việt Nam đang có xu hướng quan tâm đến các yếu tố về công nghệ an toàn, hỗ trợ lái cao cấp nhiều hơn so với thời điểm trước.
Công nghệ an toàn: Xu thế cạnh tranh mới của các hãng ô tô tại Việt Nam - Ảnh 1

Cách đây vài năm, các công nghệ an toàn trên ô tô dường như là một thứ gì đó rất xa xỉ, gần như chỉ thấy trên xe sang. Tuy nhiên, hiện nay các công nghệ này đã ngày càng phổ biến hơn. Thậm chí giữa các hãng xe còn diễn ra một cuộc đua thực sự về công nghệ, mang đến nhiều lợi ích cho người dùng.

Mazda
Công nghệ an toàn: Xu thế cạnh tranh mới của các hãng ô tô tại Việt Nam - Ảnh 2

Mazda 6 mở đầu xu hướng này khi lắp nhiều công nghệ an toàn của gói i-Activesense. Đây là gói giải pháp nâng cao độ an toàn và hạn chế tối đa những va chạm cho xe.

Trang bị i-Activsense sẽ giúp người điều khiển ngăn chặn ở mức tối đa những mối nguy hiểm trong quá trình vận xe như các tai nạn bất ngờ, các loại va chạm và trong một số trường hợp có thể giảm mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Thực chất, i-Activsense là một gói giải pháp bao gồm nhiều ứng dụng công nghệ an toàn bao gồm lái xe an toàn, hỗ trợ nhận diện nguy hiểm, tránh va chạm/giảm thiệt hại.

Một trong những chức năng nổi bật của i-Activsense là Mazda Radar Cruise Control. Hệ thống này sử dụng sóng radar milimet và camera để hỗ trợ quá trình điều khiển giúp người lái kiểm soát hành trình cảnh báo nguy hiểm, kiểm soát làn đường (Lane Departure Warning System) và đèn pha thích ứng với điều khiển tự động (High Beam Control System).

Ngoài ra, i-Activsense là gói giải pháp tiên tiến được hãng chế tạo Nhật Bản nghiên cứu và phát triển dựa trên triết lý an toàn mới của tập toàn: Mazda Proactive Safety. Hệ thống này nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn bằng cách tối đa hóa phạm vi mà trong đó người lái xe có thể điều khiển xe một cách an toàn.

Toyota
Công nghệ an toàn: Xu thế cạnh tranh mới của các hãng ô tô tại Việt Nam - Ảnh 3

Toyota trong lần ra mắt Camry mới đây cũng đã được bổ sung gói công nghệ an toàn TSS thế hệ 2. Ra đời vào tháng 3/2015, gói công nghệ an toàn Toyota Safety Sense (TSS) được hãng xe Nhật Bản giới thiệu tại 68 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Corolla Cross là mẫu xe đầu tiên trang bị gói công nghệ an toàn TSS, tiếp sau là Hilux Adventure 2020, Fortuner Legender, Land Cruiser 300…

Mới đây nhất là Camry 2022 minh chứng cho nỗ lực mang tới những mẫu xe an toàn nhất tới tay người tiêu dùng trong nước của Toyota. Gói trang bị an toàn TSS trên Camry 2022 bao gồm các tính năng như cảnh báo tiền va chạm (PCS), điều khiển hành trình chủ động (DRCC), hỗ trợ giữ làn đường (LTA), cảnh báo lệch làn (LDA), điều chỉnh đèn chiếu xa tự động (AHB).

Bên cạnh đó, Toyota đã bổ sung cho Camry 2022 nhiều trang bị và tính năng công nghệ hiện đại. Bên cạnh những trang bị an toàn cơ bản như hỗ trợ phanh, cân bằng điện tử, camera lùi thì mẫu sedan hạng D của Toyota còn có cảm biến áp suất lốp, camera 360 độ cùng hệ thống cảm biến va chạm xung quanh xe. Tính năng cảnh báo điểm mù và báo phương tiện cắt ngang phía sau cũng là điểm nhấn về công nghệ an toàn trên mẫu xe này.

Honda
Công nghệ an toàn: Xu thế cạnh tranh mới của các hãng ô tô tại Việt Nam - Ảnh 4

Để tăng sức cạnh tranh với các hãng đối thủ, ông lớn Honda cũng không chịu kém cạnh khi đưa gói Honda Sensing lên Accord 2022 mới ra mắt gần đây cho thị trường Việt Nam. Mẫu xe không thay đổi ngoại hình, động cơ, riêng công nghệ an toàn tăng thêm một bậc khi sở hữu gói Honda Sensing.

Thực tế, Honda Accord 2022 là mẫu xe thứ hai của Honda có gói công nghệ an toàn này sau CR-V. Honda Sensing gồm các chức năng như Hệ thống phanh giảm thiểu va chạm (CMBS), Hệ thống đèn pha thích ứng tự động (AHB Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng bao gồm dải tốc độ thấp (ACC with LSF), Hệ thống giảm thiểu chệch làn đường (RDM) và Hệ thống hỗ trợ giữ làn đường (LKAS).

Bên cạnh đó, Honda Accord mới được trang bị các công nghệ an toàn tiên tiến như Hệ thống cảnh báo chống buồn ngủ (Driver Attention Monitor), Hệ thống quan sát làn đường (Honda Lanewatch), Phanh tay điện tử (EPB), Giữ phanh tự động, Cân bằng điện tử (VSA), Hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HSA), Camera chiếu hậu đa góc, hệ thống an toàn 6 túi khí,…nhằm hỗ trợ người lái suốt hành trình di chuyển và bảo vệ toàn diện cho tất cả hành khách. 

Kia
Công nghệ an toàn: Xu thế cạnh tranh mới của các hãng ô tô tại Việt Nam - Ảnh 5

Kia K5 dường như khiêm tốn hơn các đối thủ nhưng hàm lượng công nghệ cũng hề kém cạnh khi được ứng dụng hệ thống hỗ trợ an toàn chủ động cao cấp ADAS bao gồm các tính năng: Camera quan sát toàn cảnh (AVM); Quan sát điểm mù qua hình ảnh (BVM); Cảnh báo điểm mù (BCW); Hỗ trợ mở cửa xe an toàn (SEA).

Bên cạnh đó, Kia K5 còn được trang bị thêm các tính năng an toàn nâng cao: Cảm biến áp suất lốp (TPMS); Nhắc nhở kiểm tra hàng ghế sau (ROA); Cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước – sau (PDW); Kiểm soát hành trình - Cruise Control.

Xe được trang bị đầy đủ các hệ thống hỗ trợ an toàn tiêu chuẩn như thân xe có kết cấu cứng vững và an toàn; 6 túi khí; Dây đai an toàn 3 điểm cho tất cả ghế ngồi; Hỗ trợ phanh ABS, EBD, BA; Cân bằng điện tử ESC; Hỗ trợ khởi hành ngang dốc HAC; Phanh tay điện tử & giữ phanh tự động; Camera lùi.

Rõ ràng, trong cuộc đua công nghệ và hệ thống an toàn của các hãng ô tô, người được hưởng lợi lớn nhất chính là người dùng với rất nhiều lựa chọn cùng mức giá khác nhau. Tuy nhiên, dù công nghệ hỗ trợ thông minh đến đấu thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.