Đến lượt Đức tính cấm xe hơi chạy xăng, dầu

An Huy
Trước đó, Pháp, Anh và một số quốc gia khác trên thế giới đã vạch ra kế hoạch tương tự
Bên trong một nhà máy của hãng xe Đức Volkswagen.<br>
Bên trong một nhà máy của hãng xe Đức Volkswagen.<br>
Động cơ đốt trong vừa hứng thêm một “cú đấm” mới, lần này là từ chính quốc gia đã phát minh ra chiếc xe hơi hiện đại.

Theo trang CNN Money, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát tín hiệu rằng việc Đức cấm bán ôtô mới chỉ trang bị động cơ xăng hoặc dầu diesel chỉ còn là vấn đề thời gian. Trước đó, Pháp, Anh và một số quốc gia khác trên thế giới đã vạch ra kế hoạch tương tự.

Khi được tờ báo Superr Illu hỏi rằng liệu nước Đức có cần đặt ra thời hạn để chấm dứt việc bán xe mới chạy xăng, dầu, bà Merkel nói: “Tôi chưa thể nói năm chính xác, nhưng đây là hướng đi đúng, bởi nếu chúng ta nhanh chóng đầu tư thêm các cơ sở xạc điện và công nghệ cho xe chạy điện, thì sự thay đổi toàn diện là điều hoàn toàn có thể”.

Vào năm 1886, Carl Benz nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một “chiếc xe chạy bằng động cơ xăng”, khai sinh ra chiếc xe hơi hiện đại. Ngày nay, sản xuất xe hơi là ngành công nghiệp lớn nhất và ngành xuất khẩu mang lại kim ngạch lớn nhất của Đức. Hãng xe Đức Volkswagen hiện là hãng xe lớn nhất thế giới về doanh số.

Ngoài ra, các hãng xe khác của Đức như Daimler - sở hữu thương hiệu Mercedes Benz, BMW, và Porsche đều là những hãng xe nổi tiếng.

Về phần mình, bà Merkel đang chạy đua nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 24/9 tới. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ của bà chịu sức ép phải có một lập trường cứng rắn hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng về động cơ diesel bẩn vẫn đang phủ bóng lên ngành công nghiệp ôtô Đức.

Vụ bê bối nổ ra cách đây gần 2 năm, khi Volkswagen thừa nhận đã nói dối về mức khí thải động cơ diesel, bằng cách thao túng phần mềm để động cơ xe của hãng có mức phát thải sạch hơn trong các cuộc kiểm tra so với trong điều kiện vận hành bình thường. Tiếp đó, một loạt hãng xe khác, trong đó có các hãng đồng hương với Volkswagen, cũng bị điều tra vì bị nghi có hành vi gian dối tương tự.

Tại Đức, nhiều thị trấn và thành phố đã dọa sẽ cấm toàn bộ xe chạy diesel vì lo ngại mức ô nhiễm gia tăng.

Tháng trước, uy tín của ngành công nghiệp xe hơi Đức - trung tâm của lời hứa chất lượng và độ tin cậy mang tên “Made in Germany” (sản xuất tại Đức) - tiếp tục hứng tổn thất nặng nề. Dư luận thế giới một lần nữa xôn xao khi cơ quan chống độc quyền của Đức cho biết đang điều tra cáo buộc cho rằng các hãng xe nước này đã thông đồng với nhau trong một liên minh bất hợp pháp nhằm chống lại sự cạnh tranh trong suốt nhiều năm.

Trong một cuộc gặp vào tháng 7 giữa các chính trị gia cấp cao và lãnh đạo ngành xe hơi Đức, các hãng xe nước này đã nhất trí phải điều chỉnh hơn 5 triệu xe chạy diesel để cắt giảm mức phát thải.

Giờ đây, có vẻ như Chính phủ Đức muốn tiến xa hơn, một phần nhằm thực hiện cam kết mà họ đã đưa ra trong thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

“Rõ ràng, mục tiêu khí hậu mà chúng tôi đã đặt ra cho năm 2050 về giảm 80-95% mức phát thải CO2 là rất tham vọng, cho dù phát thải CO2 của xe cộ đã giảm đáng kể”, bà Merkel nói.

Trước đó, Bộ Tài chính Đức đã thừa nhận vụ bê bối khí thải diesel có thể gây tổn hại đến kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong báo cáo ra tháng 8, cơ quan này đưa “cuộc khủng hoảng diesel” vào danh sách những nguy cơ đối với kinh tế Đức, bên cạnh tác động của việc Anh rời EU hay còn gọi là Brexit, và lập trường bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuối tháng 7, Chính phủ Anh công bố một kế hoạch mà theo đó, từ năm 2040, toàn bộ xe mới được bán tại Anh sẽ phải là xe chạy hoàn toàn bằng điện, kể cả xe chạy nhiên liệu kết hợp (hybrid) cũng không được đưa vào sử dụng.

Đầu tháng 7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ cấm bán xe chạy diesel và xăng ở Pháp từ năm 2040 - đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng trong sự đi xuống của động cơ đốt trong.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.