Dừng sử dụng vỉa hè làm điểm đỗ xe ô tô: Người dân nói gì?
Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng, vỉa hè trên nhiều tuyến phố vẫn bị chiếm dụng để dừng, đỗ xe ô tô, kinh doanh dịch vụ.
Theo khảo sát của phóng viên AutoNews ngày 20/12 tại khu vực đường Nguyễn Văn Huyên, Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), xe ô tô đỗ thành hàng dài trên vỉa hè, dưới lòng đường. Bằng mắt thường có thể thấy từng mảng gạch lát hè phố vỡ vụn do chịu sức nặng của các phương tiện giao thông trong thời gian dài.
Vỉa hè bị mất công năng sử dụng, còn người đi bộ chấp nhận đi dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều trường học như Tiểu học Nghĩa Tân, THCS Nghĩa Tân, THPT Lê Quý Đôn, công viên và khu dân cư đông đúc xung quanh.
Bà N.T.Nghĩa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tình trạng này diễn ra nhiều năm rồi. Cứ mỗi đợt ra quân giải quyết trật tự đô thị của chính quyền, công an phường, công an quận thì tạm yên được vài hôm, sau đó lại đâu vào đấy”.
Ông N.M.Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bức xúc nói: “Hầu hết xe ô tô đỗ ở đây là xe của người dân từ các nơi đến đây để làm việc, giao dịch hay ngồi ăn uống. Một số gara ô tô cũng để xe của khách chiếm dụng hết vỉa hè. Chân tôi bị đau, hàng ngày đưa đón cháu đi học cũng phải lên, xuống vỉa hè nhiều lần vì bị chặn lại, rất mệt mỏi”.
Tương tự, tại tuyến phố Tôn Thất Thuyết, đoạn trước cổng các cơ quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, hàng chục ô tô của khách đến giao dịch dừng, đỗ kín vỉa hè, thậm chí đỗ tràn xuống lòng đường thành hai làn, khiến lòng đường bị thu hẹp và thường xuyên ùn tắc.
Khi được hỏi, đa số chủ xe đều giải thích là do trong cơ quan không cho đỗ xe vì đã kín chỗ, xung quanh bán kính khoảng 1km không có bãi đỗ xe tĩnh, nếu không đỗ trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường thì… không biết để xe ở đâu.
“Tôi cũng muốn chấp hành quy định của Nhà nước, nhưng thực sự là không có bãi đỗ xe thì đành làm vậy thôi. Mọi người đến làm việc đều có ý thức đỗ xe sát lề đường nhất có thể rồi. Người đi bộ vẫn có một lối đi ở giữa”, anh T.Q.Phát (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị L.T.Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Thường thì tôi sẽ gửi xe ở những điểm đã được cấp phép, nhưng đến những nơi không có bãi đỗ xe thì đành gửi ở bãi đỗ tư nhân, cực chẳng đã mới phải đỗ trên vỉa hè hay dưới lòng đường. Việc Thành phố không cho đỗ xe trên vỉa hè là đúng, nhưng Thành phố cũng nên sớm có giải pháp thế nào để người dân có đủ điểm đỗ xe hợp pháp, chứ nếu chỉ cấm suông thế này thì rất khó cho người dân”.
Trước một số ý kiến phản bác, cho rằng pháp luật đã quy định rất rõ và người dân có nghĩa vụ chấp hành, nếu không có điểm đỗ xe ôtô thì có thể chuyển sang phương tiện công cộng, chị Linh chia sẻ: “Đồng ý là như vậy, nhưng thử hỏi xe buýt hiện nay đã đáp ứng được hết nhu cầu người dân hay chưa? Đó là chưa kể đến việc kết nối hạ tầng với xe buýt nữa, thực sự là chưa thuận tiện chút nào nên người dân vẫn phải dùng xe cá nhân là chính”.
Tình trạng thiếu điểm đỗ xe ôtô cũng đang là vấn đề nan giải tại các chung cư ở Hà Nội hiện nay. Với những chung cư xây dựng từ trước năm 2010 như Khu tái định cư Nam Trung Yên đều không xây dựng tầng hầm để xe. Khá khẩm hơn, những chung cư thương mại xây dựng sau có hầm để xe nhưng cũng chỉ chứa được vài chục chiếc ô tô. Nhiều người mua xe xong lại phải cất công đi tìm kiếm điểm đỗ xe hàng tháng, hoặc phải đỗ xe trong sân chung cư, trên vỉa hè.
Bà N.T.Lan (Khu tái định cư Nam Trung Yên, Hà Nội) cho biết: “Cách đây khoảng 5-7 năm, lượng ô tô tại khu chung cư này tăng vọt, cứ vài hộ lại có một chiếc xe. Phía ban quản lý tòa nhà lấy ý kiến và xin cấp phép sử dụng sân chung làm điểm đỗ xe, có kẻ vạch từng ô, nhưng vẫn không giải quyết được hết nhu cầu. Còn người già, trẻ em khu chúng tôi thì mất chỗ vui chơi, hóng mát”.
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 100/2013/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí nhưng phải nộp hồ sơ xin cấp phép; đảm bảo điều kiện vỉa hè đó không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị, phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét. Mức phạt tối đa đối với hành vi chiếm dụng vỉa hè, lòng đường từ 15 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, 30 - 40 triệu đồng đối với tổ chức.
Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành Nghị định này tại các thành phố lớn như Hà Nội còn nhiều bất cập. Với tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ôtô khoảng 12%, cao nhất cả nước (theo Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê), nhu cầu điểm đỗ xe ôtô của người dân Hà Nội ngày càng tăng cao. Năm 2010, Hà Nội có 3,9 triệu ô tô, xe máy. Đến tháng 11 năm nay, con số này đã đạt hơn 7 triệu, tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, với 57 bãi đỗ xe tĩnh, 166 điểm đỗ xe được cấp phép tạm thời trên vỉa hè cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Hà Nội tạm dừng việc sử dụng hè phố làm điểm đỗ xe ô tô là bởi thực trạng trông giữ xe hiện nay còn lộn xộn, “tranh tối tranh sáng”. Một số điểm đỗ xe được cấp phép nhưng hoạt động không đúng với giấy phép như vi phạm về diện tích sử dụng, thời gian sử dụng, hoặc giấy phép đã hết hạn. Thậm chí, có tình trạng “giấy phép con” trông giữ xe trên vỉa hè, do một số cá nhân đứng ra tổ chức và thu tiền của người dân, dẫn đến khiếu kiện, bức xúc.
Một số chuyên gia cho rằng, cần dừng hẳn việc khai thác vỉa hè để trông giữ xe ôtô vì bản chất công năng của vỉa hè vốn là đường dành riêng cho người đi bộ, tách biệt với các phương tiện cơ giới khác để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Để giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân thì việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh là điều cần thiết nhưng sẽ không bao giờ có thể theo kịp tốc độ gia tăng sở hữu xe hơi. Thay vào đó, việc tăng cường mở rộng, phát triển hạ tầng giao thông công cộng, đảm bảo quy hoạch xây dựng đô thị tích hợp và hài hòa với các tiện ích để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, hướng tới giảm thiểu phương tiện cá nhân mới là những giải pháp căn cơ cho tình trạng thiếu điểm đỗ xe hiện nay.