Hai mối nguy của công nghiệp ôtô toàn cầu trong 2019

Bình Minh
Sau một năm 2018 đầy khó khăn, ngành công nghiệp ôtô của thế giới có khả năng tiếp tục đối diện với thách thức lớn trong 2019.
Bên trong một nhà máy của hãng xe Ford.
Bên trong một nhà máy của hãng xe Ford.

Dữ liệu công bố hôm thứ Hai cho thấy sự sụt giảm doanh số xe tại Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới, đang trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, Mỹ đang cân nhắc áp thuế quan lên ôtô nhập khẩu, một động thái có thể ảnh hưởng mạnh đến các thương hiệu xe toàn cầu.

Khó khăn ở Trung Quốc

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAMA), doanh số ôtô tại Trung Quốc giảm 18% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tin xấu đối với các hãng xe lớn của thế giới như General Motors (GM) hay Volkswagen vốn phụ thuộc nhiều vào sự tăng trưởng doanh số tại thị trường Trung Quốc.

Doanh số thị trường xe Trung Quốc chuyển từ trạng thái tăng sang trạng thái giảm từ tháng 7 năm ngoái và hiện tình trạng giảm đã kéo dài 7 tháng liên tiếp. Năm 2018 là năm đầu tiên trong 2 thập kỷ thị trường ôtô nước này giảm doanh số.

Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang cảm nhận rõ ảnh hưởng từ những nỗ lực của Bắc Kinh siết hoạt động cho vay có độ rủi ro cao nhằm giảm khối nợ đã lên tới mức thiếu bền vững. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc Chính phủ Trung Quốc giảm trợ cấp cho ngành ôtô cũng làm gia tăng thách thức.

Nhiều hãng xe hàng đầu thế giới đều cho biết đã "hứng đòn" tại thị trường Trung Quốc. Hãng GM tháng trước công bố doanh số tại Trung Quốc giảm 10% trong 2018. Hãng xe Mỹ này hy vọng sẽ đưa doanh số tại Trung Quốc tăng trưởng trở lại bằng cách đưa thêm 20 mẫu xe mới vào thị trường này và tăng cường mảng xe chạy điện.

Đối với hãng xe Mỹ Ford, mức giảm doanh số tại Trung Quốc trong 2018 lên tới hơn 1/3.

Hãng xe Đức Volkswagen đạt doanh số kỷ lục tại Trung Quốc trong 2018, nhưng tăng trưởng kể từ đó đã chuyển sang âm. Doanh số xe thương hiệu Volkswagen tại Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua giảm 3%.

Thuế quan của ông Trump

Nếu Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế lên xe hơi nhập khẩu vào Mỹ, thì các hãng xe Đức sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt mạnh.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nộp lên Tổng thống Donald Trump kết quả một cuộc điều tra về việc liệu ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu có đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Trump có 90 ngày để ra quyết định hành động dựa trên kết luận của báo cáo trên. Ông có thể áp thuế 25% lên xe nhập khẩu - một mức thuế mà giới chuyên gia cảnh báo là sẽ tác động rất lớn đến các hãng xe châu Âu cũng như của một số quốc gia khác.

Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở ở Munich, Đức cảnh báo rằng mức thuế như vậy có thể khiến xuất khẩu ôtô của Đức sang Mỹ giảm khoảng 50% trong vòng 1 thập kỷ. Mỹ hiện là thị trường lớn đối với các hãng xe như Volkswagen và Daimler - hãng mẹ của thương hiệu Mercedes-Benz.

Giới chuyên gia còn lo ngại rằng bất kỳ động thái nâng thuế quan nào của Mỹ đối với xe nhập khẩu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp ôtô Mỹ - lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu.

Trong kịch bản xấu nhất, thuế quan có thể khiến ngành ôtô Mỹ mất hàng nghìn việc làm và khiến người tiêu dùng nước này phải mua xe với mức giá đắt đỏ hơn nhiều so với hiện nay.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.