Sẽ sớm có quy định cụ thể cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông

Nam Nguyễn
Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025, cho phép Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông với mức chi không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Ảnh minh hoạ - Nam Nguyễn.
Ảnh minh hoạ - Nam Nguyễn.

Cụ thể, đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết điều này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi thời gian tới, hiện chưa có cơ chế chi tiết về vấn đề này. 

Theo Thông tư 73/2024, quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021.

Theo đó, dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. 

Đồng thời, phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.

Thực tế, việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được Cảnh sát giao thông thực hiện trong thời gian qua. 

Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông từ thông tin, hình ảnh do quần chúng nhân dân, các tổ chức cung cấp.

Về đầu mối tiếp nhận, mới đây nhất, Thông tư 73/2024 của Bộ Công an có nêu nội dung này. Theo đó, đơn vị Cảnh sát giao thông có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin. 

Đơn vị Cảnh sát giao thông sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu của cá nhân, tổ chức cung cấp.

Đơn vị Cảnh sát giao thông sẽ thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục Cảnh sát giao thông; phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông, trật tự thuộc Công an cấp huyện.

Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông thông qua cài đặt, sử dụng ứng dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.

 

Tin mới

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi được biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã tạo ra tác động đáng kể đến thị trường xe điện (EV) thời gian qua. Xiaomi đã vượt qua mục tiêu bán hàng đầy tham vọng vào năm 2024 là 130.000 xe chỉ trong vòng 9 tháng. Mẫu xe điện đầu tiên của công ty, SU7, ra mắt vào tháng 3, là nền tảng cho thành công này dù vướng phải nhiều tranh cãi.
Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Theo Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế cho Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện tại.