Thị hiếu người tiêu dùng Việt đang thay đổi, phân khúc sedan hạng D có bị “khai tử”?

Hoàng Lâm
Sau năm 2022 đạt được cột mốc thoát khỏi “thị trường nhỏ” với doanh số hơn 500.000 xe được bán ra, từ đầu năm 2023, 2 tháng liên tiếp doanh số bán ô tô ở thị trường Việt Nam tăng trưởng ấn tượng từ 30 đến 33%. Tuy nhiên, trước những biến động khó lường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, tháng 4/2023 doanh số toàn thị trường đã bất ngờ sụt giảm 25% so với tháng liền trước. Đặc biệt, trước những biến động của thị hiếu người tiêu dùng, so với các phân khúc khác, phân khúc sedan hạng D tại thị trường Việt đang ở mức đáng báo động.

Toàn thị trường sụt giảm doanh số

Thị hiếu người tiêu dùng Việt đang thay đổi, phân khúc sedan hạng D có bị “khai tử”? - Ảnh 1

Theo thống kê doanh số bán ô tô của các đơn vị thành viên từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2023 thị trường đạt 22.409 xe các loại, giảm 25% so với tháng trước.

Trong tổng doanh số trên có 15.748 xe du lịch, giảm 27%, 6.487 xe thương mại, giảm 19% và 174 xe chuyên dụng, giảm 51% so với tháng trước.

Xét theo nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% thì doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng trước.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 92.801 xe, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Xe ô tô du lịch giảm 35%, xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 58%.

Tính theo nguồn gốc xe trong 4 tháng đầu năm 2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 50.017 xe, giảm 39% còn xe nhập khẩu là 42.784 xe, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác, như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo… nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.

Trong khi đó, theo công bố chính thức của TC Group (Tập đoàn Thành Công) với thương hiệu xe Hyundai, trong tháng 4 vừa qua đơn vị này tiêu thụ 4.592 xe, nâng tổng doanh số 4 tháng đầu năm lên 19.328 xe.

VinFast cũng bàn giao 2.332 xe điện cho khách hàng, nâng tổng doanh số bán hàng 4 tháng đầu năm lên 5.487 xe riêng cho thị trường Việt Nam.

Tính chung doanh số của VAMA, TC Group và VinFast, trong tháng 4 vừa qua các đơn vị này tiêu thụ tổng cộng 29.333 xe các loại, nâng tổng doanh số bán xe toàn thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 lên 117.616 xe được bàn giao đến tay khách hàng cả nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sức mua giảm mạnh nhưu vậy là do người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu khiến các doanh nghiệp phân phối trong ngành ô tô tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Để đối phó với tình trạng sức mua giảm, thị trường ô tô trong nước đã xuất hiện các đợt giảm giá trên diện rộng. So với năm ngoái, giá bán lẻ của nhiều mẫu xe đang thấp hơn từ 10-15%.

Trước đó, vào đầu năm, VAMA, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước (CKD). Sau đó, nhóm các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu cũng đề nghị áp dụng chung chính sách hỗ trợ đối với cả xe CKD và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Doanh nghiệp ô tô đã rất kỳ vọng nếu chính sách này được chấp thuận lần thứ ba, sẽ tạo động lực lớn cho ngành, góp phần cải thiện sức cầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản nêu quan điểm không đồng tình với chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ.

Nguyên nhân phân khúc sedan hạng D bị “thất sủng”

Toyota Camry. Ảnh: TMV.
Toyota Camry. Ảnh: TMV.

Cách đây tầm chục năm là thời điểm dòng sedan hạng D với các mẫu xe được định giá ở phân khúc cao cấp như Toyota Camry, Honda Accord hay Mazda6 rất được ưa chuộng nhờ thiết kế đẹp, sang trọng. Nhưng trong vài năm trở lại đây, khi thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi hướng tới các dòng xe đô thị giá rẻ hoặc dòng xe đa dụng, thị phần của dòng xe này đã giảm sút đáng lo ngại và dần đánh mất dần vị thế của mình.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự đuối sức của phân khúc sedan hạng D là bởi các dòng sedan hạng D thường có giá cao hơn khá nhiều so với các dòng xe khác. Trong khi tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên sedan cỡ D không phải là một lựa chọn tối ưu.

Bên cạnh đó là sự nở rộ của các dòng xe giá rẻ đã làm thay đổi thị hiếu người tiêu dùng. Phần đông người tiêu dùng Việt hiện tại thường tìm kiếm một chiếc ô tô phổ thông với giá tiền vừa phải nhưng phải đáp ứng được đa dạng nhu cầu. Những cái tên ở phân khúc xe cỡ A như KIA Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Wigo hoặc dòng xe phổ thông như Toyota Vios hay Honda City thường xuyên đạt doanh số khá tốt.

Không chỉ thế, các dòng xe đa dụng có giá bán tương đương hoặc rẻ hơn nhưng có sở hữu thiết kế bát mắt, nội thất rộng rãi có thể chở được nhiều người, gầm cao thoáng, động cơ khỏe hơn, phù hợp trong cả công việc lẫn gia đình. Điều này đã khiến sedan cỡ D đang mất chỗ đứng và nhiều người không khỏi nghi ngại về sự tồn tại của phân khúc này tại thị trường Việt Nam.

Honda Accord. Ảnh: Honda.
Honda Accord. Ảnh: Honda.

Bằng chứng là trong vài tháng trở lại đây, sedan cỡ D tại thị trường Việt Nam đang chững lại và có xu thế giảm đồng loạt doanh số chứ không chỉ một mẫu xe nào.

Theo báo cáo bán hàng của VAMA, tháng 4 vừa qua, phân khúc này chỉ bán ra tổng cộng 379 xe, giảm 145 xe, tương đương khoảng 28% so với tháng liền trước.

Cụ thể, tháng 4/2023, mẫu xe Nhật Toyota Camry bán ra 215 xe, giảm 100 xe, tương đương hơn 30% so với thời điểm tháng 3. Mazda bán 101 xe, giảm nhẹ 4 xe. Kia K5 chỉ bán 57 xe, giảm 43 xe, tương đương gần một nửa so với tháng trước đó. Đáng chú ý là dù THACO AUTO đã áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, kích cầu nhằm cải thiện doanh số, nhưng hiệu quả không được như mong đợi.

Ngoài những cái tên nêu trên, dù có doanh số bán hàng khá lẹt đẹt nhưng đây là tháng thứ 2 liên tiếp doanh số của Honda Accord đạt mức tăng trưởng từ 4 xe của tháng trước lên 6 xe trong tháng 4/2023. Thực tế thì Honda Accord đã từ lâu không được nhà phân phối nhắc đến bởi thực tế mẫu xe này chủ yếu tồn tại để “lấp đầy chỗ trống” cho danh mục sản phẩm của hãng.

Với những gì mà các mẫu xe trong phân khúc sedan cỡ D đang thể hiện, hẳn nhiều người đặt dấu hỏi về sự tồn tại của phân khúc này tại thị trường Việt liệu có sớm bị “khai tử” hay không hẳn không quá khó hiểu.

Tin mới

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Người Việt vẫn mua nhiều xe máy trong xu hướng ô tô hoá

Theo báo cáo do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây, doanh số xe máy tại Việt Nam ở quý III đạt 686.001 xe, tăng 13,74% so với quý II trước đó và cao hơn tới 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái.