Thị trường xe máy Việt năm 2022 tăng trưởng dương nhưng đang dần bão hoà

Hoàng Lâm
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho thấy trong quý IV/2022, doanh số của các thành viên đạt 831.999 xe, tăng 9,98% so với cùng kỳ trong năm 2021. Tổng lượng tiêu thụ xe máy tại Việt Nam trong năm 2022 đạt hơn 3 triệu xe, ghi nhận sự phục hồi đáng kể sau 2 năm liên tiếp giảm doanh số. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thị trường xe máy Việt đã bước tới giai đoạn ổn định khi số lượng ô tô có xu hướng tăng.

Thị trường xe máy “trồi sụt”

Thị trường xe máy Việt Nam được cho đã đến ngưỡng ổn định, không thể phát triển thêm.
Thị trường xe máy Việt Nam được cho đã đến ngưỡng ổn định, không thể phát triển thêm.

Doanh số của các thành viên VAMM sau 12 tháng năm 2022 đạt hơn 3 triệu xe, tăng trưởng 20,49% so với số liệu bán hàng ở cùng kỳ một năm trước đó. Đây là lần thứ năm trong vòng 7 năm thị trường xe máy Việt Nam vượt qua mốc doanh số 3 triệu xe. Bên cạnh cạnh nhu cầu của người dân phục hồi, năng lực sản xuất của dây chuyền lắp ráp xe máy nội địa cũng góp phần đẩy doanh số xe máy tăng mạnh trong năm 2022.

So với những năm trước đó, doanh số khả quan trong năm 2022 giúp thị trường xe máy Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn suy yếu vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2022, thị trường xe máy Việt Nam ước tính được bổ sung thêm 351.100 xe sản xuất trong nước. Lượng xe máy sản xuất trong tháng 12 ước đạt 351.100 xe, giảm nhẹ 0,8% so với tháng 11 (353.900 xe) nhưng tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét riêng trong quý IV, ước tính cả nước ta đã hoàn thành sản xuất và lắp ráp hơn 1 triệu xe máy, cao hơn 33,3% so với quý III và tăng trưởng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, kỷ lục doanh số gần 3,4 triệu xe ghi nhận vào năm 2018. Trong năm 2018, sản lượng bán hàng của các thành viên đạt 3.386.097 chiếc, tăng 3,5% so với năm 2017. Tính riêng quý IV/2018, các thành viên VAMM đã bán được tổng cộng 933.996 xe, tăng gần 8% so với quý trước đó. Năm 2018 cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh số thị trường xe máy tăng trưởng tại Việt Nam kể từ 2015. Năm 2018 thị trường xe máy ghi nhận sự lên ngôi của các dòng xe máy tay ga, xe cao cấp. Đặc biệt cũng ghi nhận xu hướng phát triển xe điện.

Năm 2017, tổng doanh số của 5 nhà sản xuất xe máy lớn tại Việt Nam đạt hơn 3,272 triệu xe. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM - gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha), trong quý cuối cùng của năm 2017, doanh số tổng đạt 899.461 xe. Năm 2017 cũng là năm ghi nhận phân khúc xe ga (scooter) tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, khi đạt tới 45% trong cơ cấu sản phẩm của VAMM. Trong khi các mẫu Piaggio/Vespa có sự “nhàm chán” và thiếu hấp dẫn (cho dù ra mắt các dòng GTS có thiết kế và động cơ mới), SYM và Suzuki vẫn nỗ lực duy trì, thì ngược lại, Honda và Yamaha lại có được sự phát triển mạnh; riêng Honda đã bán ra thị trường 1,35 triệu xe ga (tăng 13% so với năm 2016), Yamaha cũng có 177.025 xe (tăng hơn 15% so với 2016)…

Tuy nhiên, số liệu bán hàng của VAMM chỉ ghi nhận doanh số toàn thị trường hơn 2,71 triệu xe máy khi năm 2020 khép lại, giảm hơn 540.000 chiếc so với năm 2019. Đại dịch Covid-19 đã có tác động rất mạnh đến thị trường xe máy Việt Nam năm vừa qua. Tuy nhiên, sự sụt giảm của Honda cũng như các nhà sản xuất khác cũng một phần do doanh số xe máy truyền thống tại Việt Nam đã đến mức bão hòa trong vài năm trở lại đây sau khi đạt đỉnh vào năm 2018 với gần 3,4 triệu.

Năm 2021, chỉ gần 2,5 triệu xe được bán ra, thị trường xe máy Việt Nam tiếp tục kéo dài đà sụt giảm doanh số sang năm thứ 3 liên tiếp. Trong năm 2021 bình quân mỗi ngày người Việt mua sắm 6.828 xe máy mới các loại, giảm khoảng 600 xe/ngày so với năm 2020.

Ô tô sẽ dần thay thế xe máy

Hạ tầng và nhu cầu người dân nâng cao sẽ khiến ô tô dần thay thế xe máy.
Hạ tầng và nhu cầu người dân nâng cao sẽ khiến ô tô dần thay thế xe máy.

Nền kinh tế Việt Nam theo đánh giá của Bộ Công Thương đang ở giai đoạn trước của “ô tô hoá” motorization. Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người sẽ ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Có thể khẳng định rằng, giai đoạn motorization chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người >3.000 USD.

Bộ Công Thương cũng dự đoán, đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần.

Sản phẩm ô tô sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn “ô tô hoá” khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân.

Thực tế, theo xu hướng phát triển, khi thu nhập của các cá nhân trong xã hội tăng cao, họ có xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hiện đại đi kèm với chất lượng và bảo đảm an toàn. Không chỉ điều kiện tài chính cải thiện giúp người Việt Nam có thể mua những mặt hàng đắt tiền hơn như ô tô thay vì xe máy, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng.

Về hạ tầng trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ đường rải mặt toàn quốc tại Việt Nam tăng từ 64,4% năm 2010 lên 84%, trong đó tỉ lệ này ở khu vực nông thôn tăng từ 37,9% vào năm 2010 lên 68,69%.

Theo số liệu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 10 năm (2011- 2020), Việt Nam đã xây dựng khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km.

Trong khi đó, Chính phủ cũng vừa có Nghị định 48 năm trong năm 2022 về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, trong đó yêu cầu 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Mới đây, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số nhà sản xuất như Hyundai Thành Công và VinFast, tổng lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam đạt 509.141 xe, vượt xa con số khoảng 410.000 xe của năm 2021. Đây là mức thống kê chưa đầy đủ bởi một số nhà sản xuất như Nissan, Subaru, Volkswagen cùng một số hãng xe sang như Audi, Mercedes-Benz, BMW… không công bố kết quả kinh doanh.

Hơn 509.000 xe là con số kỷ lục chưa từng đạt đến của thị trường ô tô Việt Nam trong một năm có khá nhiều sự kiện đặc biệt. Trong đó đáng chú ý là chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho các mẫu xe lắp ráp trong nước được xem là động thái kích cầu rất lớn giúp doanh số ô tô bùng nổ trong nửa đầu năm 2022.

Còn theo thống kê từ Hiệp hội sản xuất ô tô Đông Nam Á, nửa đầu năm 2022, thị trường Việt Nam tiêu thụ 201.840 xe ô tô, tăng trưởng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 7 quốc gia có thống kê doanh số, Việt Nam xếp thứ 4, sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia cả về sản lượng và doanh số tiêu thụ. Số liệu này là thống kê từ các Hiệp hội sản xuất ô tô các nước, không bao gồm các doanh nghiệp nằm ngoài Hiệp hội.

Năm 2021, Việt Nam tiêu thụ 304.149 chiếc xe các loại, tuy nhiên mức tăng trưởng chỉ đạt 3% so với trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vị thế của thị trường ô tô Việt Nam được thay đổi từ năm 2019 và duy trì từ đó đến nay, khi vượt Philippines ở vị trí thứ 4. Năm 2021, Việt Nam bán ra 304.149 trong khi Philippines bán 268.488 xe.

Từ những thống kê, giới chuyên gia trong ngành đánh giá thị trường xe máy tại Việt Nam đang có xu hướng bắt đầu bước sang giai đoạn bão hòa khi số lượng ô tô có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt, trong thập kỷ tới, thị trường xe máy sẽ phát triển bền vững hơn với những con số ổn định trước xu thế điện khí hoá và những chính sách có liên quan của nhà nước đến việc hạn chế xe máy và phương tiện cá nhân. Ô tô sẽ là phương tiện được ưa chuộng và dần thay thế xe máy theo xu hướng phát triển đi lên của đất nước như một xu thế tất yếu. 

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.