Thời cơ lớn để ngành công nghiệp ô tô Việt chuyển mình năm 2023

Lê Vũ
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước thích ứng linh hoạt và phát triển hiệu quả, nâng mức dự báo tăng trưởng GDP lên 8%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, vừa trải qua một năm đầy biến động.

Doanh số lập đỉnh, xe mới “ồ ạt” trình làng tại Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), lũy kế 11 tháng năm 2022, doanh số ô tô toàn thị trường đạt trên 459.000 chiếc, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này chưa bao gồm doanh số của một số hãng lớn không công bố thông tin như Nissan, Volkswagen, Subaru, Mercedes-Benz, Audi, Volvo hay Jaguar Land Rover. Cùng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu thị trường dịp cuối năm, Việt Nam đang có cơ hội lớn cán mốc doanh số 500.000 ô tô/năm, cao nhất trong lịch sử và đuổi kịp Malaysia (thị trường ô tô lớn thứ 3 Đông Nam Á). Có nhiều lý do cho bước “đột phá” này.

Báo cáo doanh số bán xe ôtô toàn thị trường giai đoạn 2017-2022. Nguồn: VAMA
Báo cáo doanh số bán xe ô tô toàn thị trường giai đoạn 2017-2022. Nguồn: VAMA

Đầu tiên có thể thấy, nền kinh tế của Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch, thu nhập bình quân đầu người tăng cao (ước đạt 3.869 USD/người/năm). Nhu cầu sử dụng ô tô để đi lại, du lịch của người dân cũng tăng mạnh.

Thứ hai, các nhà sản xuất ô tô ngày càng “am hiểu” thị trường Việt, liên tục trình làng các sản phẩm xe hơi mới nhất, phù hợp với túi tiền và thị hiếu của người dùng. Trong đó, phải kể đến sự phát triển mạnh của các dòng xe SUV, MPV phổ thông như: Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga, Toyota Avanza, hay sự xuất hiện của những “tân binh” như Toyota Veloz Cross, Hyundai Stargazer, Kia Carens…

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần phát huy tác dụng, trong đó phải kể đến chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định về việc miễn lệ phí trước bạ cho ôtô điện chạy bằng pin, Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các quy định về xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô…

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Điều này đã góp phần củng cố niềm tin cho các nhà sản xuất khi đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, tháng 11/2022, Tập đoàn ôtô Hyundai cùng Tập đoàn Thành Công (TC Group) chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động nhà máy Hyundai Thành Công số 2 tại Ninh Bình. THACO AUTO cũng cho thấy bước tiến mới trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô khi đưa vào lắp ráp các mẫu xe sang BMW 3-Series, 5-Series, X3 và X5 tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). VinFast đưa vào hoạt động xưởng sản xuất pin nằm trong tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô điện của hãng tại Việt Nam. Toyota Việt Nam mạnh dạn chuyển đổi từ nhập khẩu sang lắp ráp 2 mẫu xe là Veloz Cross và Avanza Premio…

Đây là một dấu mốc rất quan trọng bởi Việt Nam đang ở giai đoạn tiền “ô tô hóa” (motorization), sẽ có hai chỉ tiêu cần đạt được là doanh số ôt ô và tỷ lệ sở hữu ôtô trên dân cư. Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn "motorization" khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân, nghĩa là cứ 5 hộ gia đình sẽ có một hộ sở hữu ô tô, cụ thể là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi.

Bộ Công Thương đánh giá, giai đoạn ô tô hóa gần như chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong vòng vài năm tới. Đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao, khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ôtô sẽ là yếu tố tác động lớn đến cán cân thương mại của nền kinh tế. Cụ thể, nếu 50% thị phần là xe sản xuất trong nước thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 9 tỷ USD, năm 2030 là 17 tỷ USD; nếu 80% thị phần là xe sản xuất trong nước thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 5 tỷ USD và năm 2030 là 9 tỷ USD.

Xu hướng sử dụng xe “xanh” ngày càng rõ nét, hứa hẹn bùng nổ 2023

Triển lãm ô tô Việt Nam 2022 (Vietnam Motor Show) trở lại sau 2 năm tạm hoãn do đại dịch Covid-19, người dùng Việt một lần nữa được chiêm ngưỡng và trải nghiệm các sản phẩm mới nhất đến từ 14 thương hiệu ô tô nổi tiếng thế giới cùng hàng trăm nhãn hàng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm ô tô “thuần” điện, xe hybrid đã góp phần thổi một làn gió mới cho thị trường ô tô Việt.

Hiện tại, có 8 mẫu xe hybrid đang được phân phối chính hãng trên thị trường. Trong đó, rẻ nhất là Suzuki Ertiga Hybrid với 3 tùy chọn động cơ, giá niêm yết từ 539 - 678 triệu đồng. Tiếp đến là mẫu xe điện tự sạc Nissan Kicks e-Power với giá từ 789 - 858 triệu đồng; Toyota Corolla Altis 1.8HE giá từ 860 triệu đồng. Đối với các dòng xe hybrid của Lexus, người dùng có nhiều lựa chọn hơn nhưng mức giá khá cao, từ 3,3 - 8,7 tỷ đồng.

Xe điện - Cơ hội để Việt Nam bước lên
Xe điện - Cơ hội để Việt Nam bước lên "vũ đài" quốc tế.

Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý nhất của thị trường ô tô Việt Nam năm nay lại đến từ yếu tố nội tại. Đầu năm 2022, Vinfast chính thức công bố kế hoạch dừng hoàn toàn việc sản xuất xe xăng để chuyển sang xe điện. Cùng với quyết định này, Vinfast liên tục ra mắt các sản phẩm ôtô điện mới nhất gồm: VF 5, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9 thuộc đầy đủ các phân khúc từ hạng A đến hạng E. Ngày 25/11/2022, Vinfast chính thức xuất khẩu 999 chiếc VF 8 sang thị trường Mỹ, đánh dấu bước tiến mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Tại thị trường trong nước, VinFast đã bàn giao cho khách hàng 182 xe VF e34 và 412 xe VF 8 trong tháng 11/2022. Ngày 10/12/2022, VinFast chính thức nhận đặt hàng mẫu xe VF 5 Plus, với kết quả ấn tượng 3.293 đơn hàng chỉ sau 9 giờ đầu tiên mở bán. Các mẫu xe còn lại như VF 6, VF 7 và VF 9 cũng dự kiến đến tay khách hàng kể từ đầu năm 2023.

Có thể thấy, Việt Nam đang có cơ hội lớn bước chân khỏi “vùng trũng” của ngành công nghiệp ô tô thế giới và có nhiều cơ hội bùng nổ hơn nữa trong năm 2023 sắp tới. Điều này sẽ trở thành hiện thực nếu Việt Nam nâng cao hơn nữa thị phần của xe sản xuất trong nước thông qua các giải pháp tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, giai đoạn 2023-2025 sẽ là bản lề cho kỷ nguyên xe điện của thế giới và là thời cơ “vàng” để Việt Nam “đi tắt đón đầu”, vươn lên trở thành một trong những thị trường ô tô lớn nhất của khu vực.

Tin mới

#Auto Biz: Những lý do xe BYD khó bán tại Việt Nam

#Auto Biz: Những lý do xe BYD khó bán tại Việt Nam

Sau màn “quay xe” của BYD từ việc xây nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam chuyển sang xe nhập khẩu về bán, nhiều người tự hỏi mục đích thực sự của BYD tại Việt Nam là gì, và liệu rằng có nên mua xe BYD ở thời điểm này hay không? Bởi xét trên nhiều khía cạnh, BYD đang đối mặt với vô vàn thách thức trước những ánh mắt dò xét của dư luận và áp lực cạnh tranh quá lớn từ VinFast.
Chủ xe sau 13 năm sử dụng Nissan Navara: “Giá trị cốt lõi đã được chứng minh với nửa triệu km lăn bánh”

Chủ xe sau 13 năm sử dụng Nissan Navara: “Giá trị cốt lõi đã được chứng minh với nửa triệu km lăn bánh”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ gắn bó với một chiếc xe đến hết cuộc đời, nhưng Nissan Navara đã khiến tôi phải thay đổi quan điểm đó. Đối với tôi, chiếc xe này không chỉ là phương tiện đi lại cần thiết hàng ngày mà còn là một người bạn đã đồng hành cùng tôi và gia đình từ những ngày đầu lập nghiệp, cùng trải qua mọi cảm xúc, thăng trầm của cuộc sống”, anh Nguyễn Đăng Luyện (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về chiếc xe Nissan Navara sau 13 năm sử dụng.
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan “đấu tranh để sinh tồn” trước làn sóng xe Trung Quốc

Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan “đấu tranh để sinh tồn” trước làn sóng xe Trung Quốc

Chính phủ Thái Lan đang phải đối mặt với các yêu cầu cấp thiết nhằm hỗ trợ lĩnh vực sản xuất ô tô ICE trong nước trong bối cảnh xe điện Trung Quốc tràn vào. Hơn 10.000 ô tô đã làm tắc nghẽn Cảng Laem Chabang khi doanh số bán xe điện giảm mạnh, đẩy các nhà sản xuất và đại lý địa phương đến bờ vực phá sản.