Trạm sạc xe điện dùng chung cho nhiều thương hiệu: Liệu có khả thi tại Việt Nam?

Lê Vũ
Với ngành ô tô dùng động cơ đốt trong truyền thống, chỉ có một vài loại xăng, dầu tiêu chuẩn, còn bình nhiên liệu thiết kế ra sao thì người dùng cũng không mấy quan tâm, miễn có thể đưa vòi bơm vào là được. Do đó, nhiều người cho rằng, nên có tiêu chuẩn cho trạm sạc xe điện dùng chung để mọi loại ô tô điện có thể sử dụng thay vì xe của hãng nào chỉ có thể sạc tại trạm của hãng đó. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra cho các quốc gia đang trong tiến trình điện khí hóa như Việt Nam.

Chia sẻ trạm sạc dùng chung để hưởng lợi từ chính sách

Tesla quyết định mở một phần hệ thống sạc nhanh Supercharger cho các hãng xe đối thủ dùng chung.
Tesla quyết định mở một phần hệ thống sạc nhanh Supercharger cho các hãng xe đối thủ dùng chung tại Mỹ gây chú ý thời gian qua.

Như thông tin đã đăng tải trên VnEconomyAutomotive, Tesla Inc vừa chính thức tuyên bố sẽ mở một phần mạng lưới sạc xe điện Supercharger tại Mỹ cho xe điện chạy pin (EV) do các hãng đối thủ sản xuất. Trên thực tế, chính sách này đã được Tesla triển khai tại một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Na Uy, nhưng mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm. Hãng xe này hiện sở hữu và vận hành hơn 4.200 trạm sạc nhanh với khoảng 40.000 trụ sạc Supercharger trên toàn cầu, hoạt động 24/7. Trong đó, 17.711 Supercharger được lắp đặt tại Mỹ, chiếm khoảng 60% tổng số trụ sạc nhanh của quốc gia này.

Trước đây, người dùng xe điện của các nhà sản xuất khác không thể sạc tại các trạm Supercharger. Tuy nhiên, đối với bộ sạc đích (Destination Charger), người dùng xe điện của hãng khác có thể mua một bộ chuyển đổi J1772 của Tesla sản xuất để làm thiết bị trung gian kết nối bộ sạc đích Tesla với cổng sạc trên ô tô của mình. Các bộ sạc đích không không thuộc sở hữu và quản lý của Tesla mà thuộc về các địa điểm kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn và chủ xe sẽ phải trả phí sử dụng dịch vụ.

Một số đầu sạc thông dụng trên ô tô điện.
Một số đầu sạc thông dụng trên ô tô điện.

Theo kế hoạch đã được công bố, Tesla sẽ mở khoảng 3.500 Supercharger và 4.000 bộ sạc đích cho các xe hãng khác dùng chung cho tới năm 2024. Tuy nhiên, các hãng xe phải đạt thỏa thuận với Tesla và có thể phải chia sẻ chi phí sử dụng, bảo trì, sửa chữa trạm sạc.

Với khả năng sạc siêu nhanh, giúp xe điện có thể di chuyển hơn 320km chỉ sau 15 phút cắm sạc, quyết định mở trạm sạc dùng chung của Tesla khiến nhiều hãng xe và người dùng ngỡ ngàng. Thậm chí, nhiều người đặt dấu hỏi rằng đây có phải là “nước cờ” mạo hiểm của hãng xe điện lớn nhất tại Mỹ hay không. Bởi lẽ, khi được truy cập vào hệ thống Supercharger, các hãng xe đối thủ cũng được hưởng lợi tại những khu vực chưa triển khai được trạm sạc của riêng mình. Ngược lại, điều này có thể khiến hệ thống trạm sạc độc quyền của Tesla trở nên “phổ thông hóa”, khiến những khách hàng cao cấp cảm thấy phật lòng.

Chưa rõ có yếu tố vận động nào hay không, nhưng gần như chắc chắn Tesla sẽ đưởng hưởng lợi từ chính sách của chính phủ Mỹ. Cụ thể, theo Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng, Mỹ sẽ chi khoảng 7,5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới 500.000 bộ sạc EV có khả năng tương thích với đa số các mẫu xe điện tiêu chuẩn trên toàn quốc đến năm 2030. Với sự giúp sức của Tesla, mục tiêu này sẽ nhanh chóng đạt được, thay vì phải chi thêm hàng tỷ USD ngân quỹ quốc gia để xây dựng hệ thống trạm sạc mới.

Trước động thái của Tesla, các nhà sản xuất xe hơi đang phát triển mạnh hệ thống trạm sạc như BYD, Hyundai, Mercedes-Benz, Renault hay các hãng công nghệ thứ ba như ChargePoint, ABB, EVGo vẫn “án binh bất động”. Lý do là sau 10 năm xây dựng, phát triển, Tesla mới bắt đầu chia sẻ tài nguyên trạm sạc cho các hãng khác dùng chung, và cũng chỉ chia sẻ một phần. Trong khi đó, nhiều hãng xe và công ty công nghệ khác mới chỉ tập trung phát triển công nghệ sạc nhanh, lắp đặt trụ sạc được vài năm trở lại đây, thậm chí vẫn đang phải “gồng lỗ” cho chi phí phát triển mảng công nghệ. Trừ khi có định hướng, đi kèm chính sách hỗ trợ thiết thực từ chính phủ nước sở tại, các nhà sản xuất sẽ khó lòng chia sẻ trạm sạc của mình cho tới khi nào xe điện thực sự trở nên phổ biến.

Trạm sạc dùng chung liệu có khả thi tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, đến nay mới chỉ có duy nhất Vinfast xây dựng được một hệ thống trạm sạc điện công cộng dành cho ô tô, xe máy điện với trên 150.000 cổng sạc, trải rộng 63 tỉnh, thành trong cả nước. Các loại trụ sạc bao gồm: DC 250kW, DC 60kW, DC 30kW và DC 11kW.

Bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast từng chia sẻ trước báo giới rằng: “Thực tế, trạm sạc của VinFast hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Châu Âu, về lý thuyết có thể sạc cho các phương tiện tương thích. Giai đoạn đầu, chúng tôi mới thử nghiệm độ an toàn cho xe VinFast nên mới chỉ tạm thời cung cấp cho xe VinFast”.

Vinfast chưa hỗ trợ sạc điện cho các thương hiệu xe điện khác.
Vinfast chưa hỗ trợ sạc điện cho các thương hiệu xe điện khác.

Về chuẩn kết nối, hiện nay, do Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn trạm sạc, trụ sạc cụ thể, thống nhất nên Vinfast phải áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế. Cụ thể, các dòng xe ô tô điện của Vinfast như VF e34, VF 8, VF 9 đều sử dụng đầu sạc DC (điện một chiều) theo chuẩn CCS2 đối với trụ sạc nhanh. Tiêu chuẩn này cũng đang áp dụng chung cho khối Châu Âu và một số quốc gia khác trên thế giới. Với tiêu chuẩn này, các sản phẩm xe điện của Tesla và một số thương hiệu Nhật Bản sẽ không tương thích với trụ sạc hiện có của Vinfast. Việc này có thể khắc phục bằng cách lắp đặt một bộ chuyển đổi (tương tự bộ chuyển đổi J1772 của Tesla). Tuy nhiên, do chưa có nghiên cứu cụ thể nên việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trong bảng hướng dẫn sử dụng trạm sạc Vinfast cũng có nội dung ghi rõ: “Khách hàng sử dụng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc của VinFast”. Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Vinfast chưa có kế hoạch nào về việc mở trạm sạc dùng chung cho các hãng xe điện khác.

Ngoài ra, một số hãng xe nhập khẩu như Porsche, Audi cũng mới chỉ thành lập một vài trạm sạc thí điểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mang tính chất “thăm dò” thị trường, hoàn toàn đứng ngoài ý tưởng xây dựng trạm sạc dùng chung tại Việt Nam.

Nhiều hãng xe
Nhiều hãng xe "dè dặt" khi quyết định xây dựng trạm sạc tại Việt Nam.

Tại Vietnam Motor Show 2022, EV One, một công ty công nghệ của Singapore là đơn vị hiếm hoi giới thiệu một số giải pháp sạc khác nhau cho ô tô điện, từ các trụ sạc công suất cao cho đến bộ sạc tại nhà và bộ sạc di động. Điều đặc biệt là, theo quảng cáo, các thiết bị này có thể phục vụ cho hầu hết mẫu xe điện hiện diện trên thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế (trong đó có Vinfast).

Cụ thể, EV One sẽ phân phối chính hãng những trụ sạc của thương hiệu ABB với công suất từ 3 kW đến 360kW, dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Tương tự Vinfast, các trụ sạc này cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn CCS2, vốn đã được tích hợp trên nhiều mẫu xe điện sản xuất từ sau năm 2018. Tuy nhiên, sau kỳ triển lãm Vietnam Motor Show, phía EV One chưa có thêm bất kỳ thông tin nào về kế hoạch phân phối tại Việt Nam.

Với thực trạng kể trên, nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện xây dựng trạm sạc dùng chung cho xe điện ở Việt Nam còn khá xa vời. Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng ngay bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về trụ/thiết bị sạc điện dành cho xe điện. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các nhà sản xuất thực hiện trước khi mở rộng thị trường tại Việt Nam. Đồng thời, cần một khoảng thời gian đủ dài, ít nhất là 5 năm nữa để có thêm nhiều hãng xe, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trạm sạc. Để đẩy nhanh tiến trình này, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất, giúp Việt Nam nhanh chóng xây dựng một hệ thống trạm sạc đúng quy chuẩn, hiện đại và có khả năng tương thích cao.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.