Trợ cấp của các quốc gia thúc đẩy sự bùng nổ ngành thương mại ô tô toàn cầu
Sự bùng nổ về ô tô trái ngược với sự suy yếu rộng rãi hơn trong xuất khẩu khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Xu hướng này đưa ra một cái nhìn thoáng qua về việc phương Tây áp dụng các chính sách công nghiệp nhằm kích thích sản xuất trong nước và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra những ảnh hưởng trong mô hình thương mại thế giới như thế nào là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức, tại Đức, cường quốc công nghiệp của Châu Âu, các nhà sản xuất đã xuất khẩu khoảng 2,6 triệu ô tô chở khách mới trong 10 tháng tính đến tháng 10, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã chứng kiến xuất khẩu ô tô tăng tốc, một phần nhờ vào việc Mỹ giảm thuế cho ô tô điện. Đầu năm nay, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản nhờ doanh số bán cho Nga đang bị lệnh trừng phạt cũng như xuất khẩu xe điện từ cả các nhà sản xuất trong nước như BYD và các thương hiệu nước ngoài như Tesla.
So với xuất khẩu trung bình hàng tháng trong năm 2021, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong quý 3 đã tăng 71%, theo số liệu điều chỉnh theo mùa do Oxford Economics tổng hợp. Xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc tăng 36% so với cùng kỳ và của Nhật Bản tăng 18%. Xuất khẩu ô tô cũng như phụ tùng ô tô của Thái Lan tăng 13%.
Trong cùng thời gian, xuất khẩu phi ô tô của 4 quốc gia này giảm 5,4%, nhấn mạnh xuất khẩu ô tô đang đi ngược lại xu hướng suy giảm doanh số bán hàng ở nước ngoài khi người tiêu dùng và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu để ứng phó với lãi suất cao hơn.
Ngành công nghiệp ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 do tình trạng thiếu chất bán dẫn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất toàn cầu. Hàng tồn kho của đại lý đã cạn kiệt ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trong năm 2021 khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Alex Holmes, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics ở Singapore cho biết, các đơn hàng tồn đọng kéo dài và các nhà sản xuất ô tô châu Á đã phải chạy đua để bắt kịp kể từ đó.
Ông nói: “Cơn gió thuận lợi từ việc mọi thứ tự điều chỉnh lại trong chuỗi cung ứng đã đến với ngành công nghiệp ô tô muộn hơn rất nhiều”.
Nhu cầu bổ sung các lô hàng thưa thớt là một trong những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu trong năm nay. Juan Duque, giám đốc phát triển kinh doanh tại Rick Case Hyundai, một đại lý ô tô ở Fort Lauderdale, cho biết ông hiện có khoảng 400 ô tô trong lô của mình, gần bằng mức thông thường trước đại dịch.Ông nói: “Năm ngoái, chúng tôi có một phần ba số đó, với số lượng tồn kho trong một số tháng chỉ ở mức 30 đến 40 xe. Chúng tôi sẽ bán mọi thứ, ngay cả khi giá xe Hyundai do Hàn Quốc sản xuất tăng vọt. Doanh số bán hàng hiện đang tăng trưởng. Các ưu đãi tài chính như lãi suất 0% trong 60 tháng cho các mẫu xe trong đó có SUV Tucson và Kona đang thu hút người mua khi lãi suất tăng mạnh. Tôi không thấy trước bất kỳ sự chậm lại nào”.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu báo cáo lượng giao hàng tăng đột biến trong ba tháng tính đến tháng 9, do sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Mỹ đã giúp bù đắp sự yếu kém ở Trung Quốc.
Tập đoàn BMW vào tháng trước thông tin rằng họ đã giao khoảng 622.000 xe BMW, Mini và Rolls-Royce cho khách hàng trong quý 3, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng tăng 8% ở Mỹ nhưng giảm khoảng 2% ở Trung Quốc.
Công ty cho biết, lượng giao hàng của Volkswagen đã tăng khoảng 7% trong quý 3 lên 2,3 triệu xe khi tăng trưởng ở châu Âu và Bắc Mỹ bù đắp cho mức giảm 6% ở Trung Quốc xuống còn khoảng 837.000 chiếc.
Trong số các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức, chỉ có Mercedes-Benz ghi nhận lượng giao hàng thấp hơn so với năm trước, trong bối cảnh sụt giảm ở cả Trung Quốc và Mỹ.
Các nhà xuất khẩu ô tô châu Á nói riêng đang được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang xe điện khi Chính phủ tìm cách giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch.
Người hưởng lợi lớn nhất là Trung Quốc, quốc gia đang dẫn đầu trên thị trường xe điện nhờ Tesla, công ty sản xuất nhiều xe ở Thượng Hải và danh sách ngày càng tăng các nhà sản xuất xe điện trong nước đang tìm kiếm thị trường ở nước ngoài để hấp thụ hàng triệu xe hiện đang được sản xuất ở Trung Quốc mỗi năm.
Sự dư thừa sản xuất của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng với các đối tác thương mại. Liên minh châu Âu vào tháng trước đã mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sau làn sóng nhập khẩu.
Những hạn chế thương mại phát sinh từ mối quan hệ băng giá giữa Bắc Kinh và Washington có nghĩa là xe điện của Trung Quốc không xâm nhập đáng kể vào Mỹ. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu châu Á khác đã nhận được sự thúc đẩy từ các điều khoản trong Đạo luật giảm lạm phát nhằm khuyến khích người lái xe chuyển sang sử dụng xe điện.
Đáng chú ý là Đạo luật do Tổng thống Biden ký ban đầu chỉ cung cấp các khoản tín dụng thuế cho người mua xe được lắp ráp ở Bắc Mỹ. Nhưng những điều chỉnh vào cuối năm 2022 đã mở rộng những khoản tín dụng đó cho những chiếc xe cho thuê, ngay cả khi chúng được sản xuất ở nơi khác, thúc đẩy nhập khẩu xe điện của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhập khẩu ô tô điện của Mỹ từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng tính đến tháng 9 so với một năm trước đó, lên 5,8 tỷ USD.
Câu hỏi lớn là sự bùng nổ sẽ kéo dài bao lâu. Các nhà kinh tế cho rằng hiệu ứng tái đàn sau đại dịch có thể sẽ sớm mờ nhạt. Nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2024 do tác động của việc tăng lãi suất. Châu Âu cũng được dự đoán sẽ mất đà, nếu không muốn nói là rơi vào suy thoái.
Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC, cho biết: “Có nguy cơ doanh số ô tô ở châu Á có thể hạ nhiệt trong năm tới”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giành được thị phần toàn cầu nhờ năng lực sản xuất “kỳ diệu” của nền kinh tế.
Neumann nhận định các tín hiệu thương mại rộng hơn từ châu Á, chẳng hạn như sổ đặt hàng xuất khẩu của các công ty, cho thấy thương mại toàn cầu “có thể sẽ vẫn chịu áp lực trong một thời gian nữa”.