Vượt đèn đỏ, "đặc sản" giờ cao điểm ở Hà Nội

Lê Vũ
Thành phố Hà Nội hiện có hàng trăm nút giao thông được bố trí cụm đèn tín hiệu giao thông, nhằm góp phần điều tiết lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trên toàn tuyến. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn có thói quen xấu là vượt đèn đỏ để tiết kiệm thời gian cho bản thân mình.

3 giây… “tử thần”

Tại nhiều nút giao thông ở Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh người đi xe máy vượt đèn đỏ. Tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến tại những nút giao thông nhỏ, chỉ mất từ 2-3 giây để sang bên kia đường, đặc biệt khi không có sự xuất hiện của lực lượng chức năng.

Khi gặp đèn đỏ, thay vì dừng xe tại vị trí trước vạch kẻ đường, không ít người dừng xe tại lối đi dành cho người đi bộ, hoặc thậm chí tiến sát tới ngã tư, ngã năm. Nhiều ý kiến cho rằng, hành động này không khiến người đó đi nhanh hơn các phương tiện khác được bao nhiêu mà chỉ tạo nên một cảm giác là được “hơn người khác”. Ngoại trừ trường hợp có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông (CSGT) cho phép người tham giam giao thông dừng xe tại vị trí được chỉ định, còn lại, các phương tiện đều phải dừng trước vạch trắng dừng xe.

Dừng xe trước vạch kẻ đường có thực sự khó?
Dừng xe trước vạch kẻ đường có thực sự khó?

Ngược lại với thói quen “3 giây an toàn” mà các chủ phương tiện ôtô thường áp dụng (khi đến gần nút giao thông mà đèn tín hiệu báo chỉ còn 3 giây, nếu phía trước mặt có nhiều phương tiện đan xen, chủ xe sẽ chủ động rà phanh, dừng trước vạch kẻ đường để đảm bảo an toàn) là thói quen “3 giây tử thần” của các chủ phương tiện xe máy.

Nghĩa là, trong vòng 3 giây từ khi đèn giao thông chuyển từ màu xanh sang màu vàng rồi màu đỏ, thay vì chủ động rà phanh, dừng trước vạch kẻ đường, nhiều xe máy tiếp tục tăng ga để cố vượt qua ngã tư. Cùng thời điểm, tại làn phương tiện giao cắt, đèn tín hiệu còn 3 giây để chuyển từ đèn đỏ sang đèn xanh, nhiều xe máy đã bắt đầu di chuyển. Khi đến giữa ngã tư, tình trạng xung đột giao thông thường xuyên diễn ra.

3 giây...
3 giây... "tử thần", ai cũng cho rằng mình đúng.

Chị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc nói: “Nhiều lúc tôi đang dừng xe, đèn đỏ hiển thị vẫn còn 2-3 giây là phía đằng sau đã có tiếng còi xe máy inh ỏi. Thậm chí có người còn hằn học, la mắng, yêu cầu tôi di chuyển ngay. Rất bực mình”.

Anh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Ai cũng vội đi làm, đi học. Nhưng nếu đã chờ được 40-60 giây đèn đỏ, sao phải tranh giành đi trước một vài giây đồng hồ? Điều này chỉ càng khiến không khí chung càng thêm căng thẳng mà thôi. Dù chỉ 1 giây cũng là vượt đèn đỏ”.

Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm 7h15-8h30 sáng hoặc 16h30-18h00 hàng ngày, tình trạng vượt đèn đỏ thậm chí còn diễn ra một cách… có hệ thống.

Tình trạng vượt đèn đỏ khá phổ biến vào khung giờ cao điểm
Tình trạng vượt đèn đỏ khá phổ biến vào khung giờ cao điểm.

Đơn cử tại nút giao Trần Đăng Ninh - Cầu Giấy, chỉ cần một vài trường hợp vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ, ngay lập tức sẽ có hàng chục xe máy khác nối đuôi chạy theo. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông hiện nay.

Ngoài ra, không ít trường hợp khác lựa chọn cách “an toàn” hơn để “né” đèn đỏ. Ví dụ: đi xe máy trên vỉa hè, đi vòng qua lối quay đầu, thậm chí đi sang làn ngược chiều để nhập làn cùng các phương tiện giao cắt.

Khó xử phạt triệt để

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với xe máy, đồng thời, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.

Mức phạt trên nặng hơn so với các lỗi vi phạm khác như: đi sai làn, không đội mũ bảo hiểm, không có hoặc không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự…

Tuy nhiên, do đặc thù là phương tiện cơ động, nhiều chủ phương tiện xe máy vượt đèn đỏ, khi gặp tổ công tác thường có xu hướng quay đầu, rẽ vào ngõ ngách, lối nhỏ, hoặc tăng ga để bỏ chạy.

Khó xử lý vi phạm đối với xe máy thông qua
Khó xử lý vi phạm đối với xe máy thông qua "phạt nguội".

Từ năm 2019, Hà Nội tăng cường xử phạt giao thông qua camera “phạt nguội”. Việc kiểm soát vi phạm giao thông bằng hình ảnh được triển khai thực hiện đối với cả ôtô, xe máy và xe máy điện.

Mặc dù tỷ lệ xe máy vi phạm giao thông đường bộ được cho là cao hơn so với ôtô, nhưng trên thực tế, danh sách phương tiện vi phạm được công khai và chủ xe đến nộp phạt chủ yếu lại là ôtô, còn xe máy, xe máy điện rất hiếm khi xuất hiện.

Thứ nhất, do xe máy không phải thực hiện đăng kiểm như ôtô, dẫn đến không có chế tài bắt buộc chủ xe phải hoàn thành nộp phạt trước thì xe mới được lưu hành.

Thứ hai, phương tiện vi phạm “phạt nguội” sẽ được thông báo bằng văn bản cho chủ xe theo địa chỉ đứng tên trong giấy đăng ký xe. Nhưng trên thực tế, nhiều xe máy được sang nhượng, cho tặng từ người này sang người khác nhưng không thực hiện sang tên, dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng khi cần liên hệ với chủ phương tiện.

Như vậy, đối với xe máy, lực lượng chức năng chỉ còn một phương án là khi dừng xe có dấu hiệu vi phạm, phát hiện phương tiện đang trong danh sách “phạt nguội” trên hệ thống. Khi đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính với cả lỗi mới và lỗi cũ.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.