10 sự kiện, vấn đề ôtô nổi bật năm 2009

Đức Thọ An Nhi Phương Anh
Thị trường ôtô và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam năm 2009 đã phục hồi đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn
Vietnam Motor Show 2009, cuộc "trình diễn" lớn nhất trong năm của các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Vietnam Motor Show 2009, cuộc "trình diễn" lớn nhất trong năm của các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Thị trường ôtô và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam năm 2009 đã tạo sự phục hồi đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, đồng thời cũng có những biến động ngoài dự kiến.

VnEconomy điểm lại 10 sự kiện, vấn đề ôtô nổi bật nhất trong năm 2009 này.

1. Ưu đãi thuế, kích thích thị trường

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm kéo dài suốt từ giữa năm 2008, các nhà sản xuất ôtô trong nước đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi nhằm vực dậy thị trường. Cùng với việc thực hiện gói kích thích kinh tế, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính áp dụng chính sách ưu đãi đối với mặt hàng ôtô.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 2, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng ôtô được giảm một nửa xuống còn 5%. Tiếp đó, kể từ tháng 5, mức lệ phí trước bạ cũng giảm một nửa xuống còn 5%, riêng Hà Nội là 6%. Cả hai loại thuế và phí này đều có thời hạn áp dụng đến hết năm 2009.

Riêng các loại ôtô lắp ráp trong nước từ giữa tháng 3 còn được hưởng thêm một ưu đãi nữa là việc giảm 2-5% thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng. Đợt giảm thuế này đã góp phần quan trọng vào việc giảm bớt giá thành sản xuất xe trong nước, từ đó các doanh nghiệp giảm giá xe, kích thích thị trường.

Nhờ chính sách ưu đãi này mà gần như ngay lập tức, nhiều hãng xe áp dụng chính sách giảm giá với các mức độ khác nhau, đưa thị trường ôtô trong nước dần ấm trở lại. Thậm chí từ quý 3/2009, người dân đã bắt đầu phải xếp hàng mua xe, nhiều loại xe rơi vào cảnh “cháy hàng”, doanh số của các nhà sản xuất ôtô trong nước thuộc VAMA liên tục tăng mạnh.

2. Ford mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Ngày 10/3, Tập đoàn Ford Motor đã công bố hoàn thành kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam bằng việc khánh thành dây chuyền lắp ráp mới tại nhà máy Ford Hải Dương.

Trong khi ngành công nghiệp ôtô thế giới đang bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức thì việc Ford hoàn thành việc mở rộng đầu tư với số vốn hơn 10 triệu USD có thể coi là một điểm sáng đáng khích lệ.

Đáng chú ý là cũng từ giai đoạn này, sản lượng bán hàng của hãng xe đến từ nước Mỹ bắt đầu tăng mạnh, dần mở rộng thị phần và lấy lại vị thế của một “đại gia” trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

3. Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối với mặt hàng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi thì tiêu thụ đặc biệt chính là sắc thuế quan trọng nhất khi tác động mạnh mẽ và trực tiếp vào giá bán xe. Vì vậy, việc các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt mới tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2009 đã tạo nên một “cơn sóng” lớn trên thị trường ôtô.

Với các mức điều chỉnh cụ thể phân loại theo số chỗ ngồi và dung tích xi-lanh (theo bảng dưới đây), thuế tiêu thụ đặc biệt đã góp phần tạo nên hai xu hướng mới trên thị trường ôtô.

Trong đó, các loại xe từ 5 chỗ ngồi trở xuống được hưởng lợi nhiều nhất về giá và đã liên tục tăng mạnh về doanh số. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến tình trạng “cháy hàng” vào các tháng cuối năm diễn ra chủ yếu ở phân khúc xe du lịch từ 5 chỗ ngồi trở xuống.

Ngược lại, do phải chịu tăng giá, thậm chí một số loại xe tăng giá mạnh, nên nhóm xe 6-9 chỗ ngồi đã có một quãng thời gian ảm đạm. Tình trạng này chỉ chấm dứt khi nhu cầu mua xe cuối năm và chạy đua trước khi thuế giá trị gia tăng cùng phí trước bạ tăng trở lại của người dân lên cao.

Những thay đổi với giá ôtô từ 1/4/2009
Loại xeDung tích (cm3)Thuế mới (%)Thuế cũ (%)Tác động giá xe (%)
5 chỗ trở xuốngTừ 2.000 trở xuống4550Giảm 3%
Trên 2.000 - 3.00050Không đổi
Trên 3.00060Tăng 7%
6-9 chỗTừ 2.000 trở xuống4530Tăng 12%
Trên 2.000 - 3.00050Tăng 15%
Trên 3.00060

4. Hãng xe Việt Nam đầu tiên thu hồi sản phẩm

Ở các thị trường ôtô thế giới, việc các nhà sản xuất tiến hành thu hồi một số lượng xe nhất định do phát hiện lỗi kỹ thuật vốn là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hoạt động này vẫn còn rất xa lạ.

Do đó, sự kiện Toyota Việt Nam tiến hành thu hồi để vá lỗi cho 662 chiếc xe Fortuner có thể coi là một động tác tích cực của hãng xe này, thể hiện sự chuyên nghiệp trong kinh doanh và thái độ cầu thị đối với khách hàng.

Quan trọng hơn, việc Toyota Việt Nam tiến hành thu hồi xe được kỳ vọng sẽ tạo tiền lệ tốt cho các nhà sản xuất ôtô khác. Bởi thực tế từ lâu, trong quá trình sử dụng xe, rất nhiều khách hàng đã phàn nàn về những lỗi kỹ thuật của từng chiếc xe mà chẳng biết kêu ai, thậm chí đã xảy đến kiện tụng.

5. VAMA liên tiếp kiến nghị chính sách

Có thể thấy năm 2009 chính là năm các nhà sản xuất ôtô trong nước mà đại diện là VAMA, đã đưa ra nhiều kiến nghị về chính sách đối với ngành ôtô nhất.

Mở màn cho loạt kiến nghị này là sự kiện VAMA gửi công văn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ, các Bộ Tài chính, Công Thương cùng Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và Tp.HCM “cầu cứu” về tình cảnh bi đát của mình sau khi một số loại thuế và phí đối với ôtô được điều chỉnh.

Tại văn bản này, VAMA cho rằng việc điều chỉnh nhiều loại thuế và phí có tác động trực tiếp đến giá xe đã đẩy các nhà sản xuất ôtô vào tình thế khó khăn mà biểu hiện rõ rệt là doanh số sụt giảm, sản xuất đình trệ. Từ đó VAMA kiến nghị tạm dừng thực hiện đối với các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, kéo dài thời hạn áp dụng giảm 50% thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ.

Thực tế câu chuyện điều chỉnh thuế và phí trong năm 2009 cũng đã được VAMA kiến nghị và đề cập không ít sau đó.

Tiếp theo, đến đầu tháng 10/2009 VAMA lại có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tài chính và Công Thương, trong đó nêu lên tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cụ thể là hiện tượng không ít doanh nghiệp nhập khẩu cố tình làm giá hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế đối với khách hàng để hạ thấp mức thuế phải nộp.

Theo VAMA, tình trạng này không những gây thiệt thòi cho người dân mua xe, làm thất thu ngân sách mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Tháng 12/2009, VAMA lại có thêm một kiến nghị về chính sách khi gửi văn bản đến Bộ Tài chính kiến nghị bỏ quy đinh nộp tờ khai hải quan khi làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ. Lý do khiến VAMA đưa ra kiến nghị này là e ngại bị “lộ” giá CIF dẫn đến những thắc mắc không đáng có từ phía khách hàng.

6. Chuyển niêm yết giá xe từ USD sang VND

Mặc dù quy định bắt buộc niêm yết giá bán bằng VND đối với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã có từ lâu song các nhà sản xuất ôtô vẫn “lờ” đi do những ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh doanh.

Bước sang nửa cuối của năm 2009, sau những chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ các nhà sản xuất ôtô trong nước mới đồng loạt tiến hành niêm yết giá bằng VND. Tuy nhiên, trên thực tế việc niêm yết giá xe vẫn chỉ là tham khảo bởi khi khách hàng mua và thanh toán, các nhà cung cấp sẽ tiến hành quy đổi theo tỷ giá hiện thời giữa USD và VND.

Đây cũng là một câu chuyện chưa có hồi kết giữa doanh nghiệp và khách hàng liên quan đến giá xe. Điển hình là quãng thời gian từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, khi đồng USD liên tục tăng giá ở mức mạnh đã khiến các nhiều doanh nghiệp phải tiến hành tăng giá xe do những thiệt thòi từ việc niêm yết bằng VND mang lại. Động thái này đã và đang không nhận được sự đồng tình từ phía khách hàng.

7. Đề xuất xe chiến lược

Có lẽ một trong những điểm nổi bật nhất của ngành ôtô Việt Nam năm 2009 chính là câu chuyện xung quanh dòng xe chiến lược do Bộ Công Thương đề xuất vào tháng 11.

Tại đề xuất này, dòng xe chiến lược 6-9 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh thực dưới 1.5 lít đã được Bộ Công Thương đánh giá là phù hợp nhất để tạo động lực cho ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển, “chạy đua” kịp với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô theo các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, dòng xe này đã nhận được rất nhiều phản hồi từ người dân, các chuyên gia trong và ngoài ngành, đặc biệt là sau một thời gian dài vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ chủ thể chính là các nhà sản xuất ôtô.

Đến nay, câu chuyện về dòng xe chiến lược vẫn tiếp tục nhận được những đóng góp, phản hồi quan trọng. Trong đó chủ yếu xoay quanh yếu tố kỹ thuật trong sản xuất, những ưu - nhược điểm của dòng xe này, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia và nhất là có nên… lựa chọn dòng xe chiến lược này hay không…

Sở dĩ câu chuyện về xe chiến lược nhận được nhiều sự quan tâm nhất là bởi nó vẫn được coi là một trong những điểm thắt quan trọng nhất trong bài toán phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam. Bởi nếu tiếp tục sản xuất dàn trải dẫn đến thị phần trên từng dòng xe thấp sẽ kéo theo sản lượng thấp, giá thành cao và tỷ lệ nội địa hóa không thể nâng lên... Trong khi đó, nếu không giải được những bài toán này, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có nguy cơ sẽ đổ vỡ khi sức ép từ xe nhập khẩu ngày càng lớn mạnh.

8. Nhiều gợi mở từ triển lãm Vietnam Motor Show 2009

Như thường lệ, triển lãm ôtô Vietnam Motor Show vẫn được coi là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm của ngành.

Có điều, Vietnam Motor Show 2009 diễn ra tại Tp.HCM trong 5 ngày (18-23/11) đã tạo nên những dấu ấn đáng kể như quy mô lớn nhất từ trước tới nay, lần đầu tiên xuất hiện những mẫu xe “xanh” (điện, hybrid…), những chiếc concept và cả xe chiến lược được đề xuất cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, đồng thời bắt đầu khởi động cho “mùa” sản phẩm mới của các thành viên tham gia…

9. “Nội, ngoại” cùng lập kỷ lục

Sau quãng thời gian khoảng một năm ảm đạm, từ nửa cuối 2008 đến nửa đầu 2009, thị trường ôtô nhập khẩu bắt đầu sôi động trở lại, thậm chí có những giai đoạn tăng nóng và liên tiếp tự phá kỷ lục.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, liên tục trong các tháng nửa cuối năm 2009 kim ngạch nhập khẩu ôtô đã tăng mạnh. Ước tính cả năm 2009 sẽ có khoảng 76.300 xe ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước, đạt giá trị kim ngạch hơn 1,17 tỷ USD. So với năm 2009, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc của năm 2009 đã tăng đến 49,4% về lượng và 12,6% về giá trị.

Bối cảnh của thị trường xe lắp ráp trong nước cũng gần như tương tự với xe nhập khẩu. Sau quãng thời gian dài ảm đạm, bắt đầu từ nửa cuối năm 2009 doanh số của các hãng xe thành viên VAMA bắt đầu tăng trưởng trở lại và càng về cuối năm càng nóng.

Điểm mốc của sự tăng trưởng là từ tháng 5, khi các loại xe từ 5 chỗ trở xuống bắt đầu vượt lên do hưởng lợi từ thuế tiêu thụ đặc biệt kéo theo tổng doanh số của toàn VAMA tăng theo. Bắt đầu từ tháng 7, các loại xe 6-9 chỗ ngồi cũng bắt đầu hòa vào nhịp tăng.

4 tháng cuối năm là khoảng thời gian thị trường ôtô lắp ráp trong nước bước vào giai đoạn thật sự “nóng” với tình trạng cháy hàng đối với nhiều mẫu xe, đặc biệt là xe 5 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh dưới 2.0 lít.

Mặc dù đến thời điểm này VAMA chưa có kết quả thống kê doanh số tháng cuối năm, song dự báo mức doanh số sẽ không giảm so với tháng 11. Và vì vậy, chắc chắn tổng doanh số của 16 thành viên VAMA năm 2009 sẽ đạt xấp xỉ con số 130.000 chiếc, vượt kế hoạch gần 20.000 chiếc và đây cũng chính là con số tăng so với năm 2008. Một kết quả thật sự ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế vừa mới vượt qua giai đoạn khó khăn.

10. Xe ngoại dồn dập gia nhập thị trường

Tưởng như thị trường Việt Nam với tổng dung lượng chỉ khoảng 150.000 xe/năm (cả nội lẫn ngoại) không còn sức hấp dẫn với các hãng ôtô nước ngoài song thực tế đã chứng minh ngược lại.

Trước sự “ì ạch” của các hãng ôtô trong nước, nhiều tên tuổi trong ngành công nghiệp ôtô thế giới chưa có đại diện tại Việt Nam đã liên tiếp gia nhập thị trường. Trong đó, điểm nóng chính là khoảng thời gian 2 tháng cuối năm với sự xuất hiện lần lượt của 4 cái tên Đông Phong (Trung Quốc), Volkswagen (Đức), Chrysler (Mỹ) và Subaru (Nhật Bản).

Tất cả các hãng xe này đều gia nhập thị trường Việt Nam qua kênh phân phối chính thức bởi các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp.

Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường ôtô Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, việc các hãng xe nước ngoài gia nhập thị trường trong giai đoạn này cho thấy sự nhạy bén nhất định khi đánh giá tiềm năng ở thời kỳ Việt Nam đang gấp rút thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế.

Rõ ràng, sự yếu kém của ngành công nghiệp ôtô trong nước và lộ trình cắt giảm thuế đang tạo cơ hội cho các hãng xe nước ngoài nhảy vào chiếm lĩnh thị trường. Đây có lẽ sẽ là tin vui với người tiêu dùng khi ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn xe chất lượng và giá cả cạnh tranh song cũng là nỗi lo với ngành công nghiệp ôtô trong nước vốn đang đứng trước những thách thức lớn lao của sự đổ vỡ hoặc phát triển.

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.