Bước vào giai đoạn ô tô hóa, thị trường xe máy Việt vẫn "sống khỏe"
Doanh số sụt giảm mạnh
Theo báo cáo của Motorcycles Data, Đông Nam Á là khu vực kinh doanh trọng điểm của các nhà sản xuất xe máy trên toàn cầu. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, doanh số xe máy tại Đông Nam Á đã đạt mức tăng trưởng 7%. Trong đó, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia tiếp tục là những thị trường tiêu thụ nhiều xe máy nhất trong khu vực.
Còn theo báo cáo của Seasia Stats, trong năm 2023, Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều xe máy nhất với tỷ lệ xe máy trên dân số đạt mức 72,8%, thứ hai là Brunei (67,2%), tiếp theo là Malaysia (45,2%), Indonesia (45,1%), Thái Lan (30,6%)... Nếu so sánh với Singapore (2,4%), tỷ lệ xe máy tại Việt Nam cao gấp 30 lần.
Điều này cho thấy, dù đã bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ ô tô hóa (Motorization) nhưng đa số người tiêu dùng Việt vẫn “chuộng” xe máy hơn ô tô. Lý do chính nằm ở tỷ lệ giá cả/thu nhập. Một chiếc xe máy có giá lăn bánh trung bình khoảng 30-40 triệu đồng, hoàn toàn có thể mua được bằng tiền tiết kiệm của một người đi làm từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc mua trả góp.
Trong khi đó, một chiếc ô tô tầm trung có giá từ 700-900 triệu đồng là một khoản tiền khá lớn, khó đạt được trong một khoảng thời gian ngắn với mức lương công chức, viên chức hay dân văn phòng. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên cũng là đối tượng khách hàng chính, tập trung mua xe máy, xe máy điện vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Mặc dù vậy, với xu thế chuyển đổi dần sang ô tô và các phương tiện thân thiện với môi trường, doanh số xe máy chạy xăng trong vài năm trở lại đây đã có sự sụt giảm đáng kể. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Xe máy Việt Nam (VAMM), trong quý 3/2023, 5 thành viên bao gồm Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Việt Nam Suzuki, SYM Việt Nam và Yamaha Motor Việt Nam đã bán được 610.635 xe máy các loại, tăng 3,69% so với quý 2 và giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Honda tiếp tục là nhà sản xuất xe máy lớn nhất, chiếm hơn 80% thị phần xe máy tại Việt Nam. Hãng xe này cho biết, trong tháng 11 vừa qua, doanh số xe máy của hãng chỉ đạt 168.420 xe, giảm 6,9% so với tháng 10 và giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để kích cầu thị trường, Honda Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc điều chỉnh lại mức giá đề xuất của hãng. Tại các hệ thống đại lý ủy quyền, tình trạng giá cả “nhảy múa” thất thường, ví dụ mẫu xe Honda Vision đã cơ bản được giải quyết. Giá bán tại đại lý đối với 2 mẫu được nhiều người chọn mua nhất là Vision phiên bản tiêu chuẩn và cao cấp lần lượt là 35,5 và 36,5 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với giá của hãng.
Thực trạng giá bán tại đại lý chênh nhiều so với giá đề xuất của Honda đã diễn ra nhiều năm nay nhưng người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận. Honda Việt Nam cho biết, Vision hiện vẫn là mẫu xe ăn khách nhất tại thị trường Việt Nam. Sắp tới, khi kết quả kinh doanh tháng 12 được công bố, hãng hi vọng tình hình sẽ khả quan hơn.
Thay đổi để phát triển
Qua khảo sát, thị phần xe máy tại Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong những năm gần đây. Các hãng xe truyền thống có xu hướng giữ chặt thị phần của riêng mình. Mặc dù vẫn có những mẫu xe mới ra mắt, hoặc thay đổi kiểu dáng qua từng năm, nhưng nhìn chung, thị trường xe máy vẫn không có quá nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, trong vài năm tới, thị trường xe máy truyền thống sẽ có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng xấu đi bởi nhiều lý do. Một là, mức thuế, phí dành cho xe máy có thể sẽ tăng lên. Hiện tại, việc sở hữu một chiếc xe máy tại Việt Nam khá dễ dàng. Ví dụ, một chiếc Honda Vision có giá 36 triệu đồng, chủ xe ở Hà Nội phải nộp thuế VAT (8%) là 2.880.000 đồng, lệ phí trước bạ (5%) là 1.800.000 đồng, phí đăng ký, cấp biển số lần đầu là 2.000.000 đồng và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là 66.000 đồng/năm. Tổng số tiền chủ xe phải chi trả để đủ điều kiện lăn bánh khoảng 42,7 triệu đồng.
Hai là, Hà Nội, TP.HCM đã nhiều lần đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô, kiểm soát khí thải xe máy nhưng còn gặp nhiều rào cản. Tuy nhiên, khi đến thời điểm thích hợp, việc áp dụng các quy định này là một xu hướng tất yếu. Thậm chí, tại một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu áp dụng thuế tiêu thụ lên xe máy với mức thuế suất từ 20-30%. Trong tương lai, điều này rất có thể cũng áp dụng tại Việt Nam.
Ba là, khi điều kiện kinh tế ngày càng được nâng lên, nhiều gia đình ở thành phố có xu hướng sở hữu ô tô để làm phương tiện di chuyển chính, còn xe máy trở thành phương tiện phụ. Điều này sẽ khiến tỷ lệ người dân sử dụng ô tô tăng lên, trong khi số lượng xe máy trong mỗi hộ gia đình sẽ giảm dần. Một số chuyên gia nhận định, tổng doanh số xe máy tại Việt Nam sẽ khó đạt mốc 3 triệu xe kể từ năm 2024. Tuy nhiên, đối với các hãng xe đang chiếm thị phần lớn như Honda, Yamaha, SYM thì điều này chỉ khiến doanh thu bị sụt giảm chứ chưa phải vấn đề sống còn.
Điều mà các hãng xe hiện nay có thể làm, đó là điều chỉnh sản lượng phù hợp, tối ưu hóa chi phí sản xuất, phân phối sản phẩm, ưu tiên nguồn cung linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp trong khối ASEAN và các doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển đổi dần sang phương tiện di chuyển xanh, ví dụ xe máy điện.
Thị trường xe máy điện đang có mức tăng trưởng khá mạnh kể từ năm 2020, với các thương hiệu nổi bật như VinFast, Yadea, Pega, Dibao, Dat Bike. Theo thống kê của Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch sẽ (ICCT) vào năm 2020, VinFast đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần xe máy điện với tỷ lệ 43,4%, Pega 15,7%, Dibao 11,8%, Yadea 8,6%, Anbico 8,3% ...