Cám cảnh “xế ngoại”

Đức Thọ Khánh Huyền
Kể từ nửa cuối tháng 3 đến nay, thị trường xe hơi nhập khẩu thường xuyên chìm trong cảnh ảm đạm
Lượng xe tồn lớn khiến không ít doanh nghiệp nhập khẩu phải đau đầu - Ảnh: Đức Thọ.
Lượng xe tồn lớn khiến không ít doanh nghiệp nhập khẩu phải đau đầu - Ảnh: Đức Thọ.
Kể từ nửa cuối tháng 3 đến nay, thị trường xe hơi nhập khẩu thường xuyên chìm trong cảnh ảm đạm, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc.

Trong những ngày cuối tháng 5, theo khảo sát của phóng viên VnEconomy, mặc dù đã có những thời điểm giới kinh doanh xe nhập khẩu kỳ vọng tình hình bán hàng có thể khởi sắc xuất phát từ một số thống tin thay đổi về chính sách thuế song thực tế vẫn chưa có biến chuyển nào đáng kể.

Bỏ cọc

Đó là một thực tế mà không ít thương nhân trong lĩnh vực kinh doanh ôtô nhập khẩu thừa nhận.

Theo các thương nhân này, nhiều khách hàng mặc dù đã đặt cọc 20 - 30 triệu đồng nhưng khi được gọi đến nhận xe đã liên tục trì hoãn với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí có những khách hàng còn sẵn sàng bỏ cọc vì không muốn mua xe tại thời điểm này.

Đại diện một công ty chuyên nhập khẩu xe từ Hàn Quốc tiết lộ, salon tại khu vực Cầu Giấy của công ty ông đã gần 2 tháng nay không bán nổi chiếc xe nào. Vậy mà trường hợp như salon của ông tại thị trường Hà Nội thực tế là không hiếm.

Vị thương nhân này cho biết, tình trạng khách hàng bỏ cọc hoặc trì hoãn nhận xe chủ yếu rơi vào các loại xe “cỏ” có mức giá bình dân hoặc thấp. Đối với các loại xe này, số tiền đặt cọc mua xe thường không nhiều nên khi gặp phải trục trặc, khách hàng sẵn sàng chịu phạt.

“Xe Hàn Quốc đã có thời gian thành trào lưu. Năm ngoái bán xe Hàn Quốc sướng bao nhiêu thì kể từ đầu năm nay lại bán khó bấy nhiêu. Công ty tôi vẫn còn một lô xe đang lênh đênh trên biển mà với tình cảnh này, tôi chưa biết xử trí thế nào”, vị thương nhân giãi bày.

Khách đến chủ yếu là… nhà báo

“- Alô, anh T. ạ, cho em hỏi chút, tình hình bán hàng bên anh dạo này thế nào? Có ổn không anh?

- Ui giời, từ sáng đến giờ toàn là các chú gọi anh chứ có khách hàng nào gọi đâu. Nói thế là chú hiểu tình cảnh của anh rồi.

- Em nghĩ thời gian này mình bán xe bắt đầu tốt lên rồi chứ!?

- Anh cũng chẳng hiểu thế nào nữa…”

Đó là nội dung cuộc hội thoại ngắn giữa phóng viên với giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xe hơi nhập khẩu có tiếng tại Hà Nội vào lúc 10 giờ sáng. Sau cuộc hội thoại này, các phóng viên VnEconomy đã chia ngả ra để dạo một vòng thị trường xe hơi nhập khẩu tại Hà Nội và kết quả thu được không có nhiều khác biệt.

Nhân viên bán hàng của một salon ôtô cao cấp cũng tại khu vực Cầu Giấy tỏ ra ngán ngẩm: “Anh không thể tưởng tượng được là từ Tết Nguyên đán đến giờ bọn em mới chỉ xuất được… một xe. Cũng thỉnh thoảng có khách đến nhưng chỉ để xem xe, khảo giá chứ chẳng đề cập gì đến chuyện đặt mua. Mà khách hỏi nhiều nhất đa phần cũng là các anh chị nhà báo thôi.”

Bán cầm chừng, ngừng nhập khẩu

Thông thường thì mỗi khi thị trường rơi vào ảm đạm, giới kinh doanh xe hơi nhập khẩu thường tìm cách kích thích thị trường, chủ yếu qua các chính sách giảm giá, khuyến mại, tặng thêm phụ kiện.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại không ít thương nhân đã có quyết định có vẻ trái khoáy là chỉ kinh doanh cầm chừng. Theo một số thương nhân thì sở dĩ họ có quyết định như vậy là bởi họ bắt đầu chán nản.

“Thực tế chúng tôi cũng đã tìm cách tăng lượng bán ra, kể cả với giá thấp hơn giá nhập để cắt lỗ song cũng chẳng thấm vào đâu. Tôi quyết định rồi, để một số anh em ở nhà tiếp tục giữ “trận địa”, ngừng hết mọi hợp đồng nhập khẩu rồi làm một chuyến du lịch xả stress”, giám đốc một salon ôtô nhập từ Mỹ tại Tây Hồ nói.

Dạo một vòng thị trường xe hơi tại Hà Nội, phóng viên nhận thấy hiện có khá nhiều showroom thậm chí đã bóc gỡ biển hiệu hoặc biển hiệu vụn vỡ mà không được quan tâm sửa lại trong khi vẫn trưng bày rất nhiều xe.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng trong khoảng hai tháng nữa, thị trường ôtô nhập khẩu sẽ vẫn còn ảm đạm. Mặc dù có thể lượng xe bán ra không tiếp tục bị tụt xuống do đã… chạm đáy, song biểu hiện của sự sụt giảm chủ yếu sẽ thể hiện ở lượng xe cập cảng và thông quan.

Giới kinh doanh xe nhập cho biết hiện tại vẫn còn một số lô xe đang trên đường về nước do các hợp đồng ký từ đầu năm. Song sau các lô xe này, lượng xe cập cảng có thể sẽ sụt giảm hẳn bởi đa số doanh nghiệp đều đã ngừng đơn hàng mới. Xe tiếp tục cập cảng trong thời gian tới chủ yếu thuộc về các nhà phân phối chính thức hoặc được ủy quyền.

* Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 5/2010 mới chỉ có 1.451 xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi được nhập khẩu về nước, thấp hơn khá nhiều so với thời gian trước đó. Điểm đáng chú ý là với lượng xe nhập khẩu giảm, mặt hàng ôtô nguyên chiếc nói chung đã “tụt” khỏi danh sách các mặt hàng góp phần làm tăng nhập siêu.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.