Cần có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào trạm sạc xe điện ở Việt Nam

Lê Vũ
Đến 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Thời gian tưởng chừng còn dài, nhưng nếu không sớm hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng trạm sạc thì Việt Nam sẽ bỏ lỡ “giai đoạn vàng” phát triển của ngành công nghiệp ô tô.
Nhiều quốc gia đã thống nhất hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn dành cho xe điện. Ảnh: Eurolab.
Nhiều quốc gia đã thống nhất hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn dành cho xe điện. Ảnh: Eurolab.

Hiện nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật dành riêng cho ô tô điện mà vẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô nói chung (QCVN 09:2015/BGTVT). Đối với động cơ điện cho ô tô, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện trong nước và xe điện nhập khẩu vẫn áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Về hạ tầng trạm sạc dành cho xe plug-in hybrid, xe điện chạy pin, đã có một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc, an toàn về điện, phòng cháy chữa cháy, nhưng còn thiếu các quy chuẩn về lắp đặt, vận hành và đo lường điện năng tại trạm sạc. Về tiêu chuẩn, các trạm sạc ô tô điện hiện nay hoạt động dựa trên TCVN 13078:2020, bao gồm các tiêu chuẩn về: kết nối xe điện với nguồn cấp điện xoay chiều/một chiều, trạm sạc điện một chiều, yêu cầu tương thích điện từ của bộ sạc lắp trên xe điện.

Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế IEC 61851. Theo đó, Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) đặt ra các quy định về đặc điểm và điều kiện vận hành của thiết bị sạc; kết nối giữa thiết bị sạc và xe điện; yêu cầu an toàn điện đối với thiết bị sạc. Ngoài ra, IEC cũng đặt ra các yêu cầu bổ sung cho trạm sạc, thiết bị sạc tại môi trường đặc thù như khu vực nguy hiểm, dễ cháy nổ, lắp đặt ở độ cao hơn 2.000m, thiết bị sạc trên tàu cao tốc...

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp sạc điện bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các trạm sạc điện, dịch vụ thu phí sạc điện và các dịch vụ tiện ích khác. Điều này có nghĩa, tương tự như hoạt động tại các trạm xăng, dầu truyền thống, việc đầu tư xây dựng hạ tầng trạm sạc không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân mà còn là hoạt động tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp, Nhà nước.

Trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc với gần 4 triệu trạm sạc, nhiều quốc gia khác vẫn còn đang trong tiến trình xây dựng hạ tầng trạm sạc. Mỹ dự kiến xây dựng khoảng 500.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030. Châu Âu đặt mục tiêu có 1 triệu điểm sạc vào năm 2025 và 3 triệu điểm sạc vào năm 2030. Hàn Quốc mới có khoảng 105.000 điểm sạc, trong đó chủ yếu là trạm sạc chậm để tiết kiệm chi phí.

Tại Việt Nam, chỉ tính riêng hệ thống trạm sạc của Vinfast đã lên tới 3.000 trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho ô tô và xe máy điện phủ khắp cả nước (số liệu đến tháng 10/2022). Các trạm sạc xe điện của VinFast đều được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO-15118 và IEC 61851. Các trụ sạc ô tô điện DC VinFast đạt tiêu chuẩn CCS 2, cổng sạc thường AC đạt mức Type 2 chuẩn châu Âu.

Tuy nhiên, do chưa có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn thực thi nên Vinfast cũng gặp nhiều khó khăn khi mở rộng các điểm sạc tại các địa phương. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề pháp lý, vấn đề nguồn điện và mức độ cung cấp điện năng cho trạm sạc.

Vinfast đang
Vinfast đang "cô độc" trong tiến trình điện khí hóa ở Việt Nam? Ảnh: Vinfast.

Việc để các doanh nghiệp “tự bơi”, trong khi hệ thống văn bản, quy định pháp luật chưa theo kịp nhu cầu của thực tiễn khiến nhiều doanh nghiệp trong nước và hãng xe nước ngoài chưa mặn mà với viêc đầu tư, xây dựng hạ tầng trạm sạc. Với những trạm sạc đã được xây dựng của Vinfast chỉ phục vụ nhu cầu cho khách hàng sử dụng xe điện Vinfast, không tương thích với các hãng xe khác.

Từ thực tế cho thấy, Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản, thống nhất về hạ tầng trạm sạc cho xe điện, bao gồm cả xe máy, ô tô cá nhân và các phương tiện khác. Việc này cần có sự tham gia chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Để triển khai thực hiện, cần phải có hệ thống quy phạm pháp luật, cụ thể là QCVN, TCVN, đi kèm các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cho các sở, ngành, chính quyền địa phương.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô - Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khi xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn dành cho trạm sạc cần thực hiện theo nguyên tắc hội nhập quốc tế, nghĩa là khi áp dụng vào thực tiễn có sự phù hợp với các tiêu chuẩn chung mà các nước đang thực hiện. “Cần tập trung xây dựng các nội dung, quy định về tính năng an toàn của trạm sạc. An toàn ở đây bao gồm cả an toàn cho người sử dụng và an toàn cho hệ thống lưới điện”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ.

Do đó, việc Bộ Công Thương mới đây có đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện là rất cần thiết bối cảnh hiện nay, khi mà các hãng xe điện đang đẩy mạnh mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, việc thống nhất chung các yêu cầu quản lý nhà nước về kỹ thuật đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện sẽ giúp xây dựng một hệ thống trạm sạc tiêu chuẩn tại Việt Nam và có độ tương thích cao. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước hoặc các hãng xe nhập ngoại cần điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp để có thể tận dụng hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho từng nhà sản xuất riêng lẻ mà còn giúp người dùng thuận tiện hơn khi cần sạc điện cho chiếc ô tô của mình.

“Khi đã thống nhất một tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành, việc các hãng phải tự đầu tư cho dòng xe, trạm sạc riêng của mình sẽ không còn nữa, bởi các trạm sạc công cộng đều có thể sạc được nhiều loại xe điện khác nhau”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết. Ảnh minh hoạ.
“Khi đã thống nhất một tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành, việc các hãng phải tự đầu tư cho dòng xe, trạm sạc riêng của mình sẽ không còn nữa, bởi các trạm sạc công cộng đều có thể sạc được nhiều loại xe điện khác nhau”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết. Ảnh minh hoạ.

Tính riêng tháng 12/2022, Vinfast đã bàn giao 4.278 xe điện cho khách hàng Việt Nam, bao gồm 2.730 xe VF 8 và 1.548 xe VF e34. Dự báo trong năm 2023 sẽ có thêm nhiều sản phẩm xe điện mới được ra mắt tại thị trường Việt như Vinfast VF6, VF7, Hyundai Ioniq 5, Mercedes-Benz EQS SUV và EQE. Một số hãng xe khác như Kia, Chery cũng đang tiếp tục thăm dò và dự kiến sẽ đưa các sản phẩm mới nhất của mình tới Việt Nam.

Như vậy, năm 2023 là thời điểm không còn sớm cho Việt Nam thực hiện xây dựng hạ tầng trạm sạc để đón đầu xu hướng di chuyển xanh của thế giới. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt có tác động lớn tới tiến trình điện khí hóa ô tô. Mục tiêu đã rõ ràng, việc cần làm bây giờ là hành động.

“Thị trường đã có nhu cầu về xe điện nên việc xây dựng trạm sạc sẽ là tất yếu. Nhưng để đẩy nhanh tiến trình này, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào trạm sạc ở Việt Nam”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.