Chi phí nguyên vật liệu sản xuất ô tô tăng cao "chưa từng có"
Toyota vừa kết thúc năm tài chính 2021 với lợi nhuận hoạt động đạt mức kỷ lục, bất chấp chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa, đại dịch đang diễn ra và chi phí năng lượng tăng cao. Tuy vậy, công ty không muốn các nhà đầu tư quá phấn khích và kỳ vọng, thậm chí hãng xe Nhật Toyota cảnh báo các nhà đầu tư lợi nhuận cả năm tài chính tới của công ty có thể giảm tới 20% do chi phí nguyên vật liệu và hậu cần tăng mạnh ở mức “chưa từng có”.
Theo hãng tin CNBC, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản dự kiến chi phí nguyên vật liệu sẽ tăng hơn gấp đôi lên 1,45 nghìn tỷ Yên, tương đương khoảng 11,1 tỷ USD, trong năm tài chính bắt đầu vào tháng Tư. Toyota cho biết họ có kế hoạch bù đắp khoảng 300 tỷ yên, tương đương khoảng 2,3 tỷ USD, trong số các khoản tăng hàng năm thông qua “nỗ lực giảm chi phí”.
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chuỗi cung ứng từ gần 2 năm qua. Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu đã khiến các nhà máy ô tô liên tục phải đóng cửa và sản lượng xe giảm đáng kể.
Toyota là hãng có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung tốt hơn so với một số nhà sản xuất ô tô khác trong những ngày đầu khủng hoảng các loại chip, tuy nhiên lạm phát cao hơn, chi phí tăng và các vấn đề chuỗi cung ứng đã khiến vấn đề thêm căng thẳng.
Covid-19 tiếp tục là gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Toyota vừa cho biết họ sẽ tạm ngừng hoạt động 14 dây chuyền tại 8 nhà máy tại Nhật tối đa 6 ngày trong tháng 5 do sự cố ngừng hoạt động xảy ra ở Trung Quốc.
Toyota dự kiến lợi nhuận hoạt động sẽ giảm xuống 2,40 nghìn tỷ Yên (19,7 tỷ USD) trong năm tài chính hiện tại, giảm từ 3 nghìn tỷ Yên (22,9 tỷ USD) trong năm tài chính cuối cùng kết thúc vào tháng Ba. Hãng cũng dự báo thu nhập ròng giảm 20% xuống còn 2,26 tỷ yên (18,5 tỷ USD), dù doanh số bán lẻ toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng kỷ lục trong thời gian đó.
Giám đốc Tài chính Toyota Kenta Kon đã nói rằng chi phí nguyên liệu thô đang tăng ở mức “chưa từng có”.
Kon cho biết Toyota đang thảo luận nội bộ và đàm phán với các nhà cung cấp để cắt giảm chi phí nhiều nhất có thể, tránh việc phải “tăng giá xe” và đẩy gánh nặng lên người tiêu dùng. Ông nói rằng hãng có thể buộc phải sử dụng ít nguyên liệu thô hơn hoặc chuyển sang các nguyên liệu có giá thấp hơn.
Lợi nhuận Toyota trong năm tài chính 2021 kết thúc vào ngày 31/3 tăng 36% lên 3 nghìn tỷ yên (24,61 tỷ đô la), phá vỡ kỷ lục trước đó từ năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2016. Toyota đã ghi nhận tỷ suất lợi nhuận hoạt động mạnh mẽ là 9,5%, tăng từ 8,1% so với năm trước.
Khi công bố kết quả thu nhập của mình, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cho biết thu nhập ròng cả năm tài chính tăng 27% lên 2,85 nghìn tỷ Yên (23,38 tỷ USD), trong khi doanh thu tăng 15% lên 31,38 nghìn tỷ Yên (257,42 tỷ USD). Cả hai kết quả này đều tạo nên những kỷ lục mới cho Toyota. Doanh số bán lẻ trên toàn thế giới tăng 4,7% lên 10,38 triệu xe trong giai đoạn 12 tháng.
Tuy vậy, Toyota không tự tin khi nhìn về tương lai. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, sản lượng trên toàn thế giới của Toyota giảm 0,5% do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch, một nhà cung cấp của Toyota bị tấn công mạng, tình trạng thiếu chất bán dẫn và một trận động đất cũng khiến các dây chuyền bị ảnh hưởng.
Toyota là nhà sản xuất ô tô mới nhất cảnh báo về chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Trước đó, các hãng xe cũng có những động thái tăng giá. Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã đổ lỗi cho lạm phát khiến xe điện Tesla tăng giá. General Motors và Ford Motor cũng đã cảnh báo chi phí tăng đáng kể trong năm nay.
Ford cho biết họ kỳ vọng lớn vào sức mạnh định giá của mình, kết hợp với việc sản lượng dự kiến sẽ tăng lên, bù đắp được 4 tỷ USD do những khó khăn về nguyên liệu thô gây ra. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại GM, hãng tháng trước đã tăng gấp đôi dự báo chi phí hàng hóa lên 5 tỷ USD trong năm 2022.