Chiến lược thận trọng giúp xe nhập khẩu “gỡ” thế khó năm 2023

Lê Vũ
Lũy kế 10 tháng, doanh số xe nhập khẩu vào Việt Nam sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ chiến lược thận trọng, các hãng xe nhập khẩu đã bắt đầu tìm được điểm cân bằng, giảm lượng hàng tồn kho và sẵn sàng cho các lô hàng mới vào đầu năm 2024.
Các hãng xe sang nhập khẩu tung nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh trong năm 2023. Ảnh: Mercedes-Benz Việt Nam
Các hãng xe sang nhập khẩu tung nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá mạnh trong năm 2023. Ảnh: Mercedes-Benz Việt Nam.

Trong khi các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ, lợi thế về chi phí phân phối và mức giá cạnh tranh, sự phát triển của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) lại phụ thuộc nhiều hơn vào quy luật cung - cầu và tính chu kỳ của thị trường.

Trong “cơn say” chiến thắng của mùa kinh doanh năm 2022, đa số các hãng xe hơi đều nhập cuộc thị trường Việt năm 2023 với tâm lý phấn khởi, tích cực. Theo truyền thống, trong tháng 1 và tháng 2, doanh số ô tô thường sụt giảm do trùng thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xe mới nhập về trong Quý I/2023 tăng vọt lên 42.043 chiếc so với Quý I/2022 là 24.007 chiếc (tăng 75%). Điều này cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp vào thị trường ô tô là rất lớn.

Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2023, doanh số bán hàng CBU bắt đầu sụt giảm mạnh, từ ngưỡng 5 con số xuống 4 con số. Trong đó, tháng 5 là thời điểm khó khăn nhất của các hãng xe nhập khẩu khi doanh số vẻn vẹn đạt 8.647 chiếc, giảm 111% so với cùng kỳ (theo số liệu của VAMA).

Điều này đã báo hiệu một xu hướng sụt giảm rõ rệt của thị trường ô tô nói chung và xe CBU nói riêng, buộc các hãng xe phải có hành động kịp thời. Theo ước tính, lượng xe CBU tồn kho của năm 2023 đạt đỉnh vào tháng 4 với khoảng 3.200 chiếc (chưa tính doanh số các hãng xe không thuộc VAMA và không công bố thông tin).

Doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) giảm hơn 50% so với năm 2022. Nguồn: VAMA
Doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) giảm hơn 50% so với năm 2022. Nguồn: VAMA.

Mặc dù vậy, khác với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, các hãng xe nhập khẩu thường phản ứng chậm hơn với diễn biến của thị trường. Nguyên nhân chính do các hợp đồng giữa nhà sản xuất với nhà cung cấp vẫn phải thực hiện, khó có thể điều chỉnh sản lượng trong vòng 6 tháng. Điều mà các hãng xe có thể làm là điều tiết lại các đơn hàng xuất khẩu sang các quốc gia, từ nơi có lượng cầu thấp sang nơi có lượng cầu cao.

Một số chuyên gia nhận định, có khá nhiều mẫu xe nhập khẩu bị sụt giảm doanh số tại Việt Nam, nhưng tại một số thị trường khác như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ lại bán rất chạy. Do đó, việc điều tiết đơn hàng là cần thiết để tránh “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Tuy nhiên, cũng phải mất ít nhất một tháng để thực hiện được điều này. Do đó, dù doanh số sụt giảm mạnh từ tháng 4/2023, nhưng phải đến tháng 5, lượng xe CBU nhập khẩu vào Việt Nam mới điều chỉnh giảm từ 12.323 xe xuống còn 7.608 xe.

Cũng theo số liệu của VAMA và Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, dù doanh số xe CBU tương đối ổn định ở mức trên dưới 16.000 xe/tháng, nhưng lượng xe nhập khẩu liên tục tăng dần đều, từ mức 9.152 xe hồi tháng 2/2022 lên 21.895 xe vào tháng 12/2022 (trừ tháng 7 Âm lịch, hay còn gọi tháng “ngâu”).

Trong khi đó, từ tháng 5/2023 đến tháng 10/2023, tổng lượng xe nhập khẩu luôn được khống chế dưới mức 9.000 chiếc/tháng. Điều này đã giúp doanh số xe CBU trong giai đoạn này ổn định ở mức trên dưới 9.000 chiếc/tháng; từ đó góp phần giúp lượng hàng tồn kho liên tục giảm mạnh trong các tháng 7, 8 và 9 xuống mức thấp nhất trong năm.

Một yếu tố nữa rất quan trọng, giúp thị trường xe CBU tạm ổn định là các chương trình khuyến mãi “sốc” từ các hãng xe và đại lý xe hơi. Do không được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ như xe sản xuất, lắp ráp trong nước nên các đại lý xe nhập khẩu cũng phải tự đưa ra các chương trình ưu đãi tương tự bằng cách giảm trực tiếp vào giá thành mua xe, kèm theo các gói sản phẩm, quà tặng, dịch vụ dành cho các mẫu xe mới ra mắt và một số mẫu xe đời 2022, 2023 đang cần đẩy mạnh doanh số.

Có thời điểm, Mercedes-Benz Việt Nam giảm đến 100% lệ phí trước bạ, tương đương mức giảm từ 229-316 triệu đồng dành cho các mẫu GLC 200, GLC 300. THACO AUTO và BMW triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho BMW 7 Series, X7, X4, X6, 4 Series và Z4, với mức ưu đãi từ 100-570 triệu đồng...

Thị trường xe nhập khẩu đang dần phục hồi. Ảnh: Nissan Việt Nam
Thị trường xe nhập khẩu đang dần phục hồi. Ảnh: Nissan Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, lượng xe CBU về Việt Nam bất ngờ tăng mạnh lên 9.612 chiếc so với 7.430 chiếc hồi tháng 9 (tăng gần 30%), với tổng giá trị gàn 255 triệu USD. Những thị trường nhập khẩu chính vẫn là Thái Lan (4.580 chiếc), Indonesia (3.200 chiếc), Trung Quốc (gần 800 chiếc). Điểm khác biệt là lượng xe nhập khẩu từ Nhật Bản tăng khá mạnh với hơn 520 chiếc. Trong tổng số 9.612 xe CBU về Việt Nam, xe dưới 9 chỗ ngồi chiếm đa số với 8.220 chiếc, tăng 32,6% so với tháng trước.  Lũy kế 10 tháng, lượng xe CBU về Việt Nam đạt khoảng 103.800 chiếc, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022, với trị giá gần 2,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, việc các hãng xe tăng cường lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong 3 tháng cuối năm vốn đã trở thành truyền thống. Trước đó, năm 2022, chỉ tính riêng lượng xe nhập khẩu 3 tháng cuối năm đã đạt gần 59.000 chiếc. Doanh số xe CBU cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ vào tháng 11 và 12 năm nay. Tuy nhiên, do lượng xe tồn kho lũy kế còn khá nhiều (ước tính khoảng hơn 5.800 chiếc) nên các hãng xe và đại lý xe hơi vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng về lượng xe mới nhập về để vừa đảm bảo cung đủ cầu, vừa sẵn sàng cho các biến động mới của thị trường kể từ đầu năm 2024.

Tin mới

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Theo Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế cho Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện tại.
Những xu hướng của ngành ô tô toàn cầu 2025

Những xu hướng của ngành ô tô toàn cầu 2025

Bước sang năm 2025 ngành công nghiệp ô tô thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi và biến động. Các nhà phân tích của GlobalData đã dự báo 10 xu hướng chính định hình ngành công nghiệp ô tô thế giới vào năm 2025.