Đề xuất gia hạn 11.400 tỷ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 6

Trâm Anh
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước dự kiến được gia hạn 4 kỳ, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến 11,4 nghìn tỷ đồng...
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9.
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 6 và phải nộp về ngân sách chậm nhất là ngày 20/11/2022. Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn 04 kỳ, từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9 là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng.

Theo đó, để việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và tháng 9/2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Theo đó, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế các tháng chậm nhất là ngày 20/11/2022.

Việc gia hạn áp dụng đối với trường hợp kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn và áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thực hiện kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Về trình tự, thủ tục đề nghị gia hạn, Bộ Tài chính đề xuất, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu điện, cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thì thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 20/11/2022.

Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn hoặc trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thì cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước.

Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn.

Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, do thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin có thuế suất thấp, đủ để cầu tiêu dùng đối với xe điện tăng lên. Theo đó một lượng nhu cầu xe chạy xăng được thay thế bởi xe điện, dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng 170- 250 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn 04 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9) là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng.

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2022 theo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Bộ Tài chính đánh giá, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô.

Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ô tô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, một trong những thị trường ô tô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh “đóng băng”, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2021.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.