Hai điều kiện để tiếp tục được mua ôtô công

An Nhi
Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động mua sắm tài sản công theo quy định tại Nghị quyết 11 của Chính phủ
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động mua sắm tài sản công theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục thực hiện tạm dừng mua sắm ôtô, phương tiện vận tải chuyên dùng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp nhận thấy việc tạm dừng mua sắm xe công sẽ gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thì các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Để được tiếp tục mua xe công, các đơn vị phải đáp ứng được hai điều kiện: Một là sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp lại, sử dụng hiệu quả tối đa số xe ôtô, phương tiện vận tải chuyên dùng hiện có để bố trí cho cơ quan, đơn vị nhưng vẫn không đáp ứng được để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ; Hai là đã được bố trí kinh phí mua xe ôtô, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dự toán ngân sách được giao.

Đối với các tài sản công khác, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện tạm dừng mua sắm mới đối với các tài sản có giá trị mua sắm từ 100 triệu đồng trở lên. Với tài sản có giá trị mua sắm dưới 100 triệu đồng, nếu đảm bảo đủ 2 điều kiện như trên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và yêu cầu nhiệm vụ công tác, quyết định việc mua sắm, trang bị, thay thế đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ, hiệu quả, tiết kiệm đối với từng trường hợp cụ thể.

Về việc mua sắm ôtô, trang thiết bị của dự án có sử dụng vốn ODA, đối với gói thầu mua sắm tài sản của dự án thuộc Danh mục các dự án cắt giảm đầu tư theo Nghị quyết 11 thì thực hiện tạm dừng; đối với gói thầu mua sắm tài sản của dự án không thuộc Danh mục các dự án cắt giảm đầu tư theo Nghị quyết 11 thì tiếp tục thực hiện theo tiến độ, kế hoạch triển khai dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn đối với dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại, việc mua sắm tài sản thực hiện theo thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và cơ quan, tổ chức viện trợ.

Công văn cũng hướng dẫn về việc mua sắm ôtô, trang thiết bị của dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang triển khai. Theo đó, với gói thầu mua sắm tài sản của dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Danh mục các dự án cắt giảm đầu tư theo Nghị quyết 11 thì thực hiện tạm dừng; đối với gói thầu mua sắm tài sản của dự án đầu tư xây dựng cơ bản không thuộc Danh mục các dự án cắt giảm đầu tư theo Nghị quyết 11 thì tiếp tục thực hiện theo tiến độ, kế hoạch triển khai dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.