Hyundai Thành Công có được ưu đãi đặc biệt?

Viết Chung
Để vận hành thử nhà máy, Hyundai Thành Công đã được phép nhập khẩu 5.000 bộ linh kiện có mức độ rời rạc khác với quy định
Hyundai Santa Fe, một trong những mẫu xe đa dụng rất ăn khách tại thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Hyundai Santa Fe, một trong những mẫu xe đa dụng rất ăn khách tại thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Để vận hành thử nhà máy, Công ty Cổ phần Ôtô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTC) đã được phép nhập khẩu 5.000 bộ linh kiện có mức độ rời rạc khác với quy định, trong đó đáng chú ý là phần thân xe đã được hàn và sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu.

Cụ thể, ngày 31/5/2010, HTC đã có Công văn số 157/TC-XNK gửi Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị cho phép nhập khẩu linh kiện khác với quy định. Ngày 7/7/2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã gửi văn bản trả lời số 1610/BKHCN-ĐTG đồng ý với đề nghị của HTC.

Trong bản thông cáo gửi các cơ quan báo chí chiều 7/11/2011, HTC cho biết đến nay công ty mới nhập khẩu hơn 100 bộ linh kiện trong tổng số 5.000 bộ linh kiện được phép nhập khẩu.

Theo tổ công tác liên ngành bao gồm các đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc hiệu chỉnh, hoàn thiện dây chuyền công nghệ và vận hành chạy thử và đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật trước khi sản xuất hàng loạt là hoàn toàn cần thiết, nhu cầu nhập khẩu bộ linh kiện với mức độ rời rạc theo thỏa thuận của doanh nghiệp với bên chuyển giao công nghệ, nhưng khác với mức độ rời rạc nêu trong Quyết định 05 của Bộ Khoa học và Công nghệ là chấp nhận được.

Được biết, đến nay HTC đã bán ra thị trường khoảng 40 chiếc xe Santa Fe và Sonata được lắp ráp từ những bộ linh kiện đã được nhập khẩu. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, một đại diện HTC cho rằng những chiếc xe được lắp ráp thử nếu đạt tiêu chuẩn thì hoàn toàn có thể bán ra thị trường.

Tuy nhiên, theo các biểu thuế hiện hành, đối với một mẫu xe chở người dưới 10 chỗ ngồi, thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đang ở các mức từ 72% đến 82% trong khi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện đáp ứng độ rời rạc theo quy định ở các mức  5% - 10% - 20% và cụm linh kiện ở các mức 20% - 30% - 37%. Như vậy, nếu HTC nhập khẩu đủ 5.000 bộ linh kiện và sau đó bán ra thị trường hàng nghìn xe được lắp hoàn chỉnh sau công đoạn vận hành thử thì vô hình trung, nhà sản xuất này sẽ được hưởng lợi từ những khoản chênh lệch rất lớn giữa thuế nhập khẩu linh kiện và thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Trả lời báo Thanh Niên, một quan chức của một nhà sản xuất ôtô lớn tại Việt Nam đánh giá, việc “nhập khẩu 5.000 bộ linh kiện cho các mẫu xe du lịch từ 5 - 7 chỗ gồm phần thân xe đã được hàn và sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu là tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng, tạo cơ chế xin cho và không công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô”.

Trong khi đó, trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia trong ngành đề nghị giấu tên cũng tỏ ra lo ngại khi cho rằng, nếu một số nhà sản xuất ôtô khác cũng xin phép được ưu đãi nhập khẩu hàng nghìn bộ linh kiện bán thành phẩm để vận hành thử dây chuyền hay nhà máy mới, sau đó số xe lắp thử đạt tiêu chuẩn lưu hành và được bán ra thị trường thì dù sau đó ngừng hẳn dây chuyền thì cũng đã thu được lợi.

Vị chuyên gia này cũng thắc mắc, là nếu vận hành thử dây chuyền và nhà máy, tại sao HTC không chạy thử cả công đoạn rất quan trọng là hàn và sơn. Bởi đối với các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, đây là công đoạn tối quan trọng và đòi hỏi đầu tư lớn cả về vốn lẫn công nghệ và nhân lực.

Tin mới

EU và Đức đạt thỏa thuận khí thải cho xe hơi năm 2035

EU và Đức đạt thỏa thuận khí thải cho xe hơi năm 2035

Sau căng thẳng leo thang những ngày qua, cuối cùng Đức đã đạt được được thỏa thuận với Liên minh châu Âu về một quy định mang tính bước ngoặt yêu cầu ô tô mới phải trung hòa carbon vào năm 2035, giải quyết tranh chấp có nguy cơ làm suy yếu kế hoạch chi tiết đầy tham vọng của khối này nhằm giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
EU và Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về luật cấm xe động cơ đốt trong

EU và Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về luật cấm xe động cơ đốt trong

Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU đã kết thúc vào thứ 6 (24/3) cuối tuần qua nhưng kết quả không như mong đợi bởi những bế tắc chưa tìm được cách giải quyết. Tranh cãi về kế hoạch cấm bán ô tô động cơ đốt trong mới của EU vào năm 2035 phụ thuộc vào việc liệu Ủy ban châu Âu và Đức có thể đồng ý về một thoả thuận có thể làm hài lòng cả hai bên hay không.
Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài “đau đầu” trong cuộc chiến xe điện tại Trung Quốc

Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài “đau đầu” trong cuộc chiến xe điện tại Trung Quốc

Sự cạnh tranh về giá trong ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc đã biến thành một cuộc chiến căng thẳng giữa các hãng xe. Điều đó tạo thêm một thách thức nữa cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vốn đã tụt hậu so với các đối thủ trong nước trong cuộc đua xe điện tại quốc gia tỷ dân này.
Singapore thúc đẩy phát triển xe điện nhưng gặp khó vì… dân giàu có

Singapore thúc đẩy phát triển xe điện nhưng gặp khó vì… dân giàu có

Nỗ lực khiến người dân ngừng mua ô tô động cơ đốt trong từ năm 2030 của Singapore đang vấp những khó khăn nhất định khi người dân giàu có đang khá đông trong khi tổng dân số chỉ khoảng gần 6 triệu người. Với mức thu nhập và tài sản hiện có, cư dân ở quốc gia này nhiều người có đủ thu nhập để sở hữu những chiếc siêu xe ở một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới. Vì vậy xe điện vẫn chưa đủ hấp dẫn.