Kinh doanh gặp khó, các hãng ôtô đua nhau sa thải

An Huy
Tập đoàn Đức Daimler, chủ thương hiệu Mercedes-Benz, vừa tuyên bố cắt giảm ít nhất 10.000 nhân viên
Ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đang đứng trước nhiều thay đổi lớn - Ảnh: Reuters.
Ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đang đứng trước nhiều thay đổi lớn - Ảnh: Reuters.

Tập đoàn Đức Daimler, chủ thương hiệu Mercedes-Benz, vừa tuyên bố cắt giảm ít nhất 10.000 nhân viên trên toàn thế giới. Động thái này đưa Daimler nối dài danh sách các hãng sản xuất ôtô tiến hành sa thải hàng loạt để ứng phó với tình trạng giảm tốc kinh tế toàn cầu và cuộc cách mạng điện hóa xe hơi.

Theo tin từ CNN Business, vào hôm thứ Sáu, Daimler cho biết công ty cần cắt giảm chi phí nhân sự để tập trung nguồn lực cho việc phát triển xe sạch - một yêu cầu cấp thiết đang gây ra những chuyển biến to lớn trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu và làm dấy lên làn sóng đầu tư vào xe chạy điện.

"Ngành công nghiệp ôtô đang ở trong một cuộc chuyển đổi lớn nhất trong lịch sử", Daimler nói trong một tuyên bố, đồng thời cho biết hãng muốn cải thiện năng lực cạnh tranh, sức sáng tạo và sức mạnh đầu tư.

Giám đốc nhân sự Wilfried Porth của Daimler cho biết trong số khoảng 10.000 nhân viên bị cắt giảm, có khoảng 10% là các vị trí quản lý. Hãng này hiện có khoảng 300.000 nhân viên trên toàn cầu, trong đó 60% làm việc tại Đức. Đợt sa thải này dự kiến sẽ giúp Daimler tiết kiệm 1,4 tỷ Euro, tương đương 1,5 tỷ USD trong thời gian từ nay đến 2022.

Các hãng sản xuất ôtô truyền thống trên thế giới đang mạnh tay điều chỉnh mô hình kinh doanh với hy vọng thích nghi với một thế giới mới trong đó xe chạy điện được dự báo sẽ thay thế dần xe chạy xăng dầu.

Do xe chạy điện có ít linh kiện hơn so với xe chạy động cơ đốt trong, nên việc lắp ráp loại xe này đòi hỏi ít nhân công hơn. Tuy nhiên, việc phát triển xe điện tốn kém hơn nhiều so với phát triển xe chạy động cơ đốt trong.

Cũng trong tuần trước, Audi - hãng xe thuộc tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất Đức Volkswagen - tuyên bố cắt giảm 9.500 nhân viên trong thời gian từ nay đến 2025, tương đương 10% số nhân viên trên toàn cầu. Kế hoạch này sẽ tiết kiệm cho Audi số tiền 6 tỷ Euro, tương đương 6,6 tỷ USD trong vòng 10 năm. Song song với đó, thương hiệu xe sang này sẽ tạo 2.000 công việc trong lĩnh vực xe điện và các công nghệ mới khác.

Hồi tháng 5, hãng xe Mỹ Ford tuyên bố sa thải hàng nghìn nhân viên trên toàn cầu. Và chỉ một tháng sau, Ford tuyên bố sa thải thêm 12.000 nhân viên nữa trong nỗ lực cải tổ hoạt động kinh doanh đang bết bát ở thị trường châu Âu.

Trong tháng 7, hãng xe Nhật Nissan cho biết sẽ giảm 12.500 nhân viên trên toàn cầu.

Không chỉ đối mặt với cách mạng điện hóa xe, ngành công nghiệp ôtô còn đang phải ứng phó với sự sụt giảm doanh số xe trên diện rộng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới giảm tốc mạnh vì thương chiến Mỹ-Trung.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings dự báo doanh số thị trường ôtô toàn cầu giảm 3,1 triệu xe trong năm nay, mức giảm mạnh hơn cả hồi năm 2008 khi thế giới còn đang ở giai đoạn cao điểm của khủng hoảng tài chính.

Các hãng xe đang đối mặt với sức ép đặc biệt lớn ở Anh và Ấn Độ, hai quốc gia mà sự giảm tốc kinh tế đã gây suy giảm nhu càu tiêu thụ xe mới, khiến sản lượng xe phải giảm theo. Số ôtô xuất xưởng ở Anh đã giảm trong 16/17 tháng qua vì những bấp bênh quanh việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit.

Tại Trung Quốc, thị trường xe lớn nhất thế giới, doanh số ôtô đang trên đà sụt giảm liên tục. Năm nay có thể sẽ trở thành năm thứ hai liên tiếp doanh số ôtô tại Trung Quốc đi xuống, một sự suy giảm chưa từng có tiền lệ.

Những thay đổi to lớn hiện nay buộc các hãng xe phải tìm kiếm đối tác hoặc tìm cách thâu tóm đối thủ. Hãng Fiat Chrysler và PSA Group - chủ thương hiệu Peugeot - vào tháng trước công bố kế hoạch sáp nhập, tạo ra một thế lực mới trong ngành công nghiệp ôtô. Daimler cùng với đối thủ Đức BMW thành lập một liên doanh phát triển công nghệ xe không người lái. Hãng Honda thì đã rót vốn vào mảng xe không người lái của đối thủ Mỹ General Motors (GM).

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.