Lần đầu tiên sau gần 1 thế kỷ, GM không còn là hãng xe lớn nhất ở Mỹ

Bình Minh
Toyota, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, lần đầu tiên trở thành hãng xe chiếm thị phần lớn nhất ở Mỹ, giành lấy “ngôi vương” mà hãng xe Mỹ General Motors (GM) đã nắm giữ trong gần 1 thế kỷ qua...
Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota tại một sự kiện ở Tokyo, tháng 12/2021 - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota tại một sự kiện ở Tokyo, tháng 12/2021 - Ảnh: Bloomberg.

Trang CNN Business cho biết, diễn biến này một lần nữa cho thấy sự thất thế của các hãng xe Mỹ ngay tại thị trường quê hương.

Mới hồi năm 2005, Toyota còn là hãng xe thứ tư ở Mỹ về doanh số, trong khi GM, Ford và DaimlerChrysler chễm chệ ở 3 vị trí đầu bảng với tổng thị phần 57%. Đến năm 2021, GM, Ford và Stellantis (hãng xe châu Âu sở hữu thương hiệu Chrysler) chỉ còn chiếm 38% thị phần ô tô tại Mỹ trong 9 tháng đầu năm. Tính thêm cả Tesla thì các hãng xe Mỹ cũng chỉ chiếm hơn 40% thị phần tại “sân nhà”.

Ngày 4/1, cả Toyota và GM cùng công bố doanh số cả năm 2021 tại Mỹ. Theo đó, GM bán được 2,2 triệu xe, ít hơn 114.000 xe, tương đương 5%, so với đối thủ đến từ Nhật.

GM đuối một chút so với Toyota trong quý 2, và bị tụt lại xa hơn trong quý 3. Đến quý 4, doanh số của Toyota tại Mỹ giảm 30% so với cùng kỳ 2020, nhưng doanh số của GM giảm 43%, nên Toyota tiếp tục dẫn trước.

Cuộc khủng hoảng thiếu con chip trong năm 2020 đã gây gián đoạn hoạt động sản xuất của các hãng xe và nguồn cung ô tô. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh số của các hãng xe tại thị trường Mỹ giảm chóng mặt. Doanh số toàn thị trường ô tô Mỹ trong quý 4 được dự báo giảm 24% so với cùng kỳ 2020 – theo Cox Automotive.

Giới chuyên gia cho rằng không có gì đảm bảo chắc chắn Toyota có thể giữ được vị trí số 1 ở thị trường Mỹ trong những năm tới. “Tôi không chắc là Toyota sẽ giữ được ngôi vị này. GM sẽ chẳng có phép màu gì đâu, nhưng đơn giản là họ có nhiều kênh để bán hàng hơn và nhiều thương hiệu xe hơn”, chuyên gia Jessica Caldwell của Edmunds phát biểu.

Cuộc khủng hoảng khan hiếm con chip được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm nay, sau khi góp phần đẩy giá xe ở Mỹ lên mức cao kỷ lục trong năm ngoái. Việc thiếu chip có thể sẽ khiến cả Toyota và GM, cũng như nhiều hãng xe khác, phải tiếp tục giảm sản lượng về mức thấp hơn so với nhu cầu của thị trường.

“Con chip vẫn là nhân tố khó lường của năm nay”, nhà phân tích Michelle Krebs của Cox Automotive phát biểu.

Bà Krebs nói rằng lợi thế về doanh số tại Mỹ của GM trong những năm trước đến từ việc hãng này bán nhiều xe cho doanh nghiệp, chẳng hạn các công ty cho thuê xe. Nhưng năm nay, do nguồn cung xe hạn chế, lượng xe bán cho doanh nghiệp chỉ còn rất ít.

Trước khi “soán ngôi” GM tại Mỹ, Toyota đã chiếm vị trí số 1 về doanh số toàn cầu của đối thủ Mỹ vào năm 2007. Vài năm sau đó, hai hãng thường xuyên hoán đổi vị trí số 1 và số 2 cho nhau, với lần gần đây nhất Toyota vượt lên là vào năm 2012. Cuộc đua doanh số toàn cầu hiện nay là giữa Toyota và hãng xe Đức Volkswagen.

Về phần mình, GM chiếm “ngôi vương” doanh số tại Mỹ từ đối thủ đồng hương Ford vào năm 1927. Trong suốt gần 1 thế kỷ kể từ đó, GM luôn giữ vững vị trí này, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, bao gồm cuộc đình công khiến các nhà máy của GM tê liệt hồi năm 2019, hay thời gian hãng rơi vào cảnh phá sản hồi năm 2009.

Bà Caldwell cho rằng triển vọng của GM sáng hơn nhiều so với những khó khăn mà hãng đang phải đương đầu. GM đã đầu tư lớn cho một tương lai hoàn toàn xe điện, trong khi Toyota có phần chậm chân hơn trong kế hoạch điện hoá xe.

“Nếu xe điện và xe tự lái là tương lai, thì GM đã có sự chuẩn bị khá tốt”, bà Caldwell nhận định.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.