Loay hoay xe chiến lược

Đức Thọ
Dòng xe chiến lược vẫn đang nhận được nhiều phản hồi khác nhau, thậm chí trái ngược
Avanza, mẫu xe của Toyota phù hợp với dòng xe chiến lược - Ảnh: Đức Thọ.
Avanza, mẫu xe của Toyota phù hợp với dòng xe chiến lược - Ảnh: Đức Thọ.
Dòng xe chiến lược cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam do Bộ Công thương đề xuất lên Chính phủ mới đây vẫn đang nhận được nhiều phản hồi khác nhau, thậm chí trái ngược, từ giới chuyên gia, nhà làm chính sách, các doanh nghiệp ôtô và người dân.

Phải có xe chiến lược

Trao đổi xung quanh đề xuất về xe chiến lược, ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), cho rằng để ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có thể phát triển được, thì nhất thiết phải đề xuất một dòng xe nào đó làm chiến lược.

Theo ông Trụ, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cứ mãi “lẹt đẹt” là do từ trước tới nay chưa hề có đề xuất nào về xe chiến lược cho ngành công nghiệp ôtô. Và khi không có dòng xe nào làm thế mạnh thì rõ ràng là không thể có được ngành công nghiệp ôtô đúng nghĩa chứ chưa nói đến chuyện phát triển.

“Nếu không đề xuất dòng xe nào đó làm chiến lược mà tập trung sản xuất thì tôi cho rằng vài năm nữa tương lai ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ kết thúc. Chỉ còn gần 10 năm nữa là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN xuống mức 0% thành hiện thực, vì vậy nếu không làm nhanh chúng ta sẽ không kịp, không còn thời gian để phát triển ngành công nghiệp ôtô. Lúc đó chỉ có thể nhập khẩu. Người tiêu dùng sẽ mua xe nhập khẩu, không mua xe trong nước nữa. Thế thì sẽ không có ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, không có ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ôtô. Điều đó sẽ dẫn đến đủ thứ hậu quả”, ông Trụ nêu lên nguy cơ.

Về việc lựa chọn dòng xe chiến lược có 6-9 chỗ ngồi và dung tích xi-lanh thực dưới 1,5 lít, ông Trụ cho rằng đó cũng mới chỉ là đề xuất, nên chuyện nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều nhau cũng là bình thường.

“Chẳng hạn nhiều người cho rằng làm dòng xe này khó vì vướng về mặt kỹ thuật, 6-9 chỗ lại chỉ có 1,5 lít thì xe yếu. Nhưng thực ra kỹ thuật không phải là vấn đề. Vấn đề quan trọng là chọn hay không chọn loại xe này. Vì nó liên quan đến câu chuyện cạnh tranh. Cá nhân tôi cho rằng không thể chọn xe 5 chỗ trở xuống vì không thể cạnh tranh với các nước như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu; cũng không thể chọn xe bán tải vì không cạnh tranh được với Thái Lan; không thể chọn MPV vì Indonesia đang rất mạnh…”, ông Trụ phân tích.

Đồng quan điểm với ông Ngô Văn Trụ, một số chuyên gia khác cũng cho rằng để công nghiệp ôtô Việt Nam có thể phát triển, nhất thiết phải có một dòng xe nào đó làm thế mạnh. Bởi lẽ, Việt Nam là quốc gia đi sau về công nghiệp ôtô nên nếu làm lại, làm theo các nước khác thì không thể phát triển, không thể cạnh tranh nổi.

Bài học ở rất gần. Sở dĩ Thái Lan trở thành một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp ôtô thế giới là vì họ đã chọn được xe pick-up (bán tải) làm loại xe phù hợp cho chiến lược. Tương tự là Indonesia với dòng xe đa dụng MPV.

Còn về dòng xe được Bộ Công thương đề xuất, thực ra đó cũng là một giải pháp tình thế, bởi nó trung dung giữa nhu cầu tiêu dùng với yêu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nhất là không “đụng hàng” với các nước khác, gần nhất là hai quốc gia trong khu vực là Thái Lan và Indonesia.

Cần có chính sách hợp lý

Cho đến nay, khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) chưa có ý kiến chính thức về đề xuất của Bộ Công Thương, thì có lẽ Toyota là hãng xe “để ý” đến dòng xe chiến lược hơn cả.

Cũng dễ hiểu, bởi Toyota là hãng xe lâu nay vẫn cổ súy đồng thời cũng thành công nhất với dòng xe đa dụng 6-chỗ. Chỉ có điều, tiêu chí về động cơ có dung tích nhỏ đang khiến hãng xe này còn “lăn tăn” cho dù tại Indonesia, Toyota cũng đã thành công với một số mẫu xe thuộc loại này.

“Cá nhân tôi rất thích xe đa dụng 6-9 chỗ. Là nhà sản xuất, tôi sẽ quyết tâm làm loại xe này. Vì theo quan điểm của tôi, xe phải chở được nhiều người, phải có giá hợp túi tiền người dân và phải tiết kiệm nhiên liệu”, ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam bảy tỏ.

Tuy nhiên, khi nhắc đến việc có sẵn sàng làm dòng xe chiến lược do Bộ Công Thương đề xuất hay không, người đứng đầu liên doanh ôtô có doanh số lớn nhất Việt Nam cũng tỏ ra băn khoăn.

Ông này cho rằng, về kỹ thuật thì xe 6-9 chỗ có dung tích xi-lanh 1,5 lít không phải là không làm được. Điều quan trọng là Chính phủ có những chính sách ưu đãi hợp lý để doanh nghiệp có thể “đánh đổi” mà tập trung sản xuất.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng có thể làm được loại xe chiến lược do Bộ Công Thương đề xuất. Tuy nhiên, do làm xe 6-9 chỗ lại có dung tích nhỏ nên doanh nghiệp phải lựa chọn sử dụng vật liệu nhẹ nhằm giảm tự trọng xe, sử dụng động cơ áp dụng công nghệ tăng áp nhằm tăng công suất mà cả hai công nghệ này đều có giá thành cao dẫn đến giá xe sẽ đắt.

Do đó, để doanh nghiệp có thể tập trung sản xuất thì cần phải có những chính sách ưu đãi hợp lý. Qua đó, doanh nghiệp có thể tăng dung lượng thị trường, giảm giá thành xe từ các loại thuế…

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.