Nhìn lại thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2021
Thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2021 với nhiều biến động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục gây nên những tác động tiêu cực. Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy xin tổng hợp lại một số điểm nhấn đáng chú ý của thị trường ô tô 6 tháng đầu năm vừa qua.
Một tin rất không vui đã đến với các nhà sản xuất ô tô ngay trong ngày đầu tiên của năm 2021 là chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước (CKD) không được gia hạn.
Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính về việc gia hạn chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho xe CKD trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng chính sách này đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, việc tiếp tục gia hạn hỗ trợ lệ phí trước bạ cũng ít nhiều gây ra những bất công đối với các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng.
Cùng nhìn lại tình hình thị trường năm 2020 để thấy rõ hơn vai trò quan trọng của chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với ngành ô tô Việt Nam. Nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó góp phần kích thích nền kinh tế sau đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 4, ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP trong đó quy định hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô CKD. Chính sách hỗ trợ kéo dài cho đến hết ngày 31/12/2020.
MẤT HỖ TRỢ, LAO VÀO GIẢM GIÁ
Nghị định 70 giống như một cú “bẻ lái” giúp cỗ xe ô tô vượt qua khó khăn. Nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ, chi phí đơn thuần khi mua các loại xe CKD của người tiêu dùng đã giảm được 5-6% tuỳ từng địa phương. Đáng chú ý là sau khi Nghị định 70 được ban hành, nhiều hãng xe thậm chí bỏ “tiền túi” để hỗ trợ tiếp 50% lệ phí trước bạ còn lại cho khách hàng. Các hãng xe nhập khẩu cũng không thể đứng ngoài cuộc khi buộc phải lao vào cuộc đua hỗ trợ lệ phí trước bạ bằng nguồn kinh phí tự thân. Nhờ đó, chi phí mua xe đã giảm xuống tương đương với 10-12% giá xe.
Gần như lập tức, sức mua ô tô trên toàn thị trường đã hồi phục mạnh mẽ. Thống kê của VAMA cho thấy, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, sức mua ô tô trên toàn thị trường đã tăng trưởng liên tiếp ở 2 con số khi so sánh các tháng liền kề với nhau.
Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ từ Chính phủ hết hiệu lực đã đẩy ngành ô tô Việt Nam vào tình thế khó khăn. Để “tự cứu mình”, các hãng xe đã buộc phải lao vào một cuộc chạy đua giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng. Nhờ đó, một cơn “bão” giảm giá trên diện rộng và có cường độ mạnh đã diễn ra trong suốt giai đoạn nửa đầu năm nay.
Hàng loạt mẫu xe trên thị trường được giảm giá mạnh mẽ, nhiều mẫu xe có mức giảm đến hàng trăm triệu đồng, một số mẫu xe hạng sang giảm giá đến vài trăm triệu đồng. Ngay cả một số hãng xe lớn như Toyota hay Hyundai vốn thờ ơ với những biện pháp kích cầu tương tự cũng phải lao vào cuộc chơi giảm giá. Các dòng xe kén khách như BMW 740Li hay Land Rover có thời điểm giảm giá đến 500-800 triệu đồng.
Theo nhận định của giới kinh doanh ô tô, cơn “bão” giảm giá diễn ra trong nửa đầu năm 2021 có quy mô và cường độ không thua kém gì đợt giảm giá hồi năm 2017, giai đoạn thị trường gần như rơi vào trạng thái “đóng băng” do tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu thuế 0% từ các nước khu vực Đông Nam Á. Thậm chí đến thời điểm này, sẽ là rất khó khăn để tìm được một mẫu xe… không giảm giá trên thị trường.
XE MỚI Ồ ẠT “ĐỔ BỘ”
Thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2021 đã đón nhận số lượng các mẫu xe mới ra mắt kỷ lục. Do năm 2021 rơi vào thời điểm mà rất nhiều mẫu xe bước sang vòng đời sản phẩm mới hoặc phiên bản nâng cấp (facelift) nên việc các hãng xe ồ ạt giới thiệu ra thị trường bất chấp những khó khăn chồng chất do dịch bệnh Covid-19 cũng là điều dễ hiểu. Theo tính toán sơ bộ thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, đã có gần 30 mẫu xe mới hoặc phiên bản nâng cấp được tung ra thị trường. Trong đó đáng chú ý có nhiều mẫu xe rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng như Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda City, Honda CR-V, Ford Everest hay Hyundai Santa Fe.
Cùng với đợt giảm giá mạnh mẽ, các mẫu xe mới cũng chính là gam màu tươi sáng phủ lên bức tranh toàn cảnh của thị trường ô tô nửa đầu năm nay. Nhờ sự đa dạng về sản phẩm và các mẫu xe cũng được nâng cấp mạnh mẽ, từ đó người tiêu dùng có nhiều lựa chọn tốt hơn giúp sức mua trên thị trường không bị tụt dốc bởi sức kéo của đại dịch Covid-19.
Liên tiếp hai tháng cuối quý 2/2021, sức mua ô tô trên toàn thị trường đã bị sụt giảm so với 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì bức tranh thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2021 vẫn còn nhiều gam màu tươi sáng, nhất là so với cùng giai đoạn này của năm 2020.
Thống kê của VAMA cho biết, tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2021 đạt 150.481 chiếc, tăng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng bán hàng của xe CKD đạt 85.085 chiếc, tăng 29%; lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đạt 65.396 chiếc, tăng 59%.
Có thể thấy rằng, ngành ô tô Việt Nam đã có giai đoạn nửa đầu năm đầy nỗ lực vượt khó. Lưu ý là phải đến tháng 4/2020 thị trường ô tô mới bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Trong khi đó, cả giai đoạn nửa đầu năm nay, các hãng xe liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn trong kinh doanh, hoạt động sản xuất cầm chừng.
Rõ ràng, dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường ô tô vẫn đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao về sức mua. Thành quả đó, theo đánh giá thì chủ yếu đến từ những giải pháp kích cầu mạnh mẽ từ bản thân các hãng xe, cụ thể là những đợt giảm giá, khuyến mại liên tiếp. Đồng thời, như đã đề cập ở trên, việc các mẫu xe mới ồ ạt vượt qua đại dịch để ra thị trường cũng là một cú hích đáng kể.
Tuy nhiên, với hiện tượng sụt giảm sức mua trong tháng 5 và tháng 6, thị trường ô tô Việt Nam giai đoạn nửa cuối năm 2021 được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi bản thân các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bắt đầu có dấu hiệu kiệt sức.