Những thứ không nên để trong xe ô tô ngày nắng nóng
Thực phẩm, đồ uống sẽ thường bị hư hại, biến chất nếu để lâu trong ô tô dưới trời nắng nóng.
Ở vùng nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, nhất là vào mùa hè ở khu vực bắc miền Trung hay miền Bắc, nhiệt độ trong ô tô thường chênh lên đến vài chục độ so với nhiệt độ bên ngoài. Thậm chí, nếu để xe ngoài trời nắng gắt, nhiệt độ trong xe có thể lên đến 80-90 độ.
Tuy nhiên, nhiều người Việt lại hay có thói quen để sẵn các loại đồ vật ở trong ô tô. Đây là một thói quen không tốt. Đặc biệt, có một số đồ vật nếu để trong xe lâu sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
THỰC PHẨM
Vào những ngày hè nắng nóng cao điểm, nhiệt độ trong ô tô lên đến trên dưới 80 độ cộng với hiện tượng hấp hơi, bí khí. Do đó, chỉ cần để quên thực phẩm trong xe trên 1 tiếng đồng hồ là nhiều loại thực phẩm dạng tươi sống sẽ bị hỏng, ôi thiu, biến chất độc hại và coi như trở thành… rác thải.
Với những loại thực phẩm, đồ ăn ngay, hiện tượng dễ nhận thấy sau khi để trong xe dưới thời tiết nắng nóng là mùi hôi, biến dạng… Chẳng hạn, chỉ cần để chocolate trong xe khoảng 30 phút là sẽ chảy rữa.
Vấn đề là nhiều chị em phụ nữ lại hay có thói quen biến chiếc ô tô của mình thành một cửa hàng tạp hoá thu nhỏ. Có những chị em tranh thủ mua đồ buổi sáng nhưng đến chiều mới đem về nhà chế biến. Đây rõ ràng là một thói quen nguy hại cần chấm dứt ngay.
MỸ PHẨM, THUỐC CHỮA BỆNH
Trước hết, chúng ta cần hiểu sơ qua về nguồn gốc của thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm.
Về cơ bản, thuốc chữa bệnh hay hoá mỹ phẩm là một dạng hợp chất được kết hợp từ các thành phần chiết xuất từ thực vật, động vật, khoáng chất và cả hoá chất. Khi được kết hợp đúng và các thành phần vừa đủ, mỹ phẩm hay thuốc sẽ có tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ hay làm đẹp. Tuy nhiên, khi ở trong các môi trường khác nhau, những thành phẩm này hoàn toàn có thể biến đổi, mất tác dụng ban đầu và thậm chí sinh ra những độc tính.
Với hầu như mọi loại thuốc chữa bệnh, chúng ta luôn được khuyến cáo bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời và tốt nhất là trong điều kiện nhiệt độ dưới 25 độ C. Bởi vậy, nếu để trong xe vào ngày nắng nóng, các loại thuốc không chỉ mất tác dụng mà thậm chí còn biến thành thuốc độc.
Tương tự thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm về bản chất cũng là các dạng hợp chất hay dược liệu tổng hợp. Do đó, việc để trong xe trời nắng nóng cũng sẽ gây nguy hiểm khi sử dụng.
ĐỒ UỐNG CÓ GA, MẬT ONG
Việc đỗ ô tô dưới trời nắng nóng cả ngày sẽ biến không gian trong xe nóng nực và yếm khí chẳng khác nào một cái lò hấp. Nhiều trường hợp, nhiệt kế trong xe có thể báo lên đến trên 90 100 độ C, tức là đã gần đến nhiệt độ sôi của nước.
Đáng lưu ý là trong môi trường nóng, khô, yếm khí như vậy, những lon đồ uống có ga như Pepsi, Coke… có thể bục vỡ, thậm chí phát nổ nhỏ bất kỳ lúc nào. Tất nhiên, lon nước có ga dù có phát nổ cũng chưa đến mức gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nhưng hãy tưởng tượng, một lon (hay chai) nước có ga dung tích lớn bục ra, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp, chán chường hơn là có thể bạn sẽ phải thay thế những chi tiết nội thất bị nước có ga làm hỏng.
Ngoài đồ uống có ga thì những chai hoặc can mật ong cũng hoàn toàn có thể bục vỡ trong môi trường nóng. Mật ong vốn dĩ rất đặc và luôn co lại trong môi trường nhiệt độ lạnh và nở bung khi bị nóng. Thông thường, người có kinh nghiệm sẽ không bao giờ rót đầy mật ong vào chai để tránh trường hợp khi nó nở ra sẽ rất đến tình trạng bục nắp chai. Thế nhưng, dù rót không đầy mà để trong nhiệt độ nóng, mật ong cũng vẫn sẽ nở ra và nén phần không khí còn lại, khi đến giới hạn, chai mật sẽ bục mạnh bắn tung toé mật ong ra khắp nơi. Do đó, việc để bình chứa mật ong trong xe dưới thời tiết nắng nóng nên được hạn chế tối đa.
ĐỒ VẬT BẰNG NHỰA
Dùng đồ nhựa bảo quản thực phẩm, đồ uống vốn dĩ đã không tốt, bảo quản ở môi trường nóng như trong ô tô mùa hè càng vô cùng nguy hại.
Nhựa là một dạng hợp chất được tạo thành từ một loạt chất hóa học phức tạp mà thậm chí ngay các nhà sản xuất cũng không biết rõ về chúng.
Theo Giáo sư Martin Wagner tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ nắm rõ thông tin chi tiết về hơn 4.000 loại hóa chất được sử dụng trong các loại bao bì, khay, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa. Trong khi đó, tổng số hóa chất trên thực tế được cho là lớn hơn rất nhiều.
Một điểm rất đáng chú ý là các nhà khoa học phát hiện ra rằng có đến 60% sản phẩm nhựa sở hữu độc tính chung; 40% có thể tạo ra hiện tượng kích ứng oxi hóa được cho là có mối liên quan chặt chẽ đến ung thư, tiểu đường và một số bệnh lý về tim mạch; và 30% có thể gây hại nghiêm trọng đến hệ nội tiết (liên quan đến ung thư và các vấn đề về khả năng phát triển của cơ thể).
Những đồ vật bằng nhựa khi bị đặt trong môi trường khắc nghiệt là khoang ô tô dưới nắng hè, những hoá chất trong đồ nhựa chứa thực phẩm hay đồ uống sẽ “loạn chiến”, chúng “xâm lược” vào thực phẩm, đồ uống của chúng ta khiến cho nguy cơ về bệnh tật càng tăng lên rất nhiều.
ĐỒ ĐIỆN TỬ
Thành phần quan trọng nhất trong các loại đồ điện tử chính là bảng mạch, hệ thống các vi mạch và linh kiện thì nhỏ li ti. Đó đều là những thứ cực kỳ dễ hư hỏng. Bởi vậy, cơ chế của các loại đồ điện tử khi làm việc sẽ phát nhiệt và các nhà sản xuất buộc phải xử lý tản nhiệt bằng quạt gió hoặc một số loại vật liệu tiêu nhiệt khác.
Khi để đồ điện tử như smartphone, máy vi tính, máy ảnh… ở trong xe phơi dưới nắng hè, một loạt linh kiện có thể bị biến dạng, mất chức năng sử dụng. Đáng sợ hơn, trong nhiều trường hợp bị quá nhiệt, pin của các thiết bị điện tử hoàn toàn có thể phát nổ.
Bởi vậy, để đồ điện tử trong xe vào mùa hè nắng nóng sẽ rất dễ hư hỏng thậm chí gây nguy hiểm cho người sử dụng.
BẬT LỬA, BÌNH XỊT CÓ GA
Đây là những loại đồ vật cực kỳ dễ phát nổ bởi trên thực tế, ở những điều kiện như va đập mạnh hay quá nóng, bật lửa hoặc bình xịt có ga hoàn toàn có thể phát nổ bất kỳ lúc nào.
Với bật lửa, khi chúng phát nổ thì chúng ta biết kết quả rồi. Bởi vậy, hãy hạn chế tối đa việc để quên chúng trong xe.