Nỗ lực lần cuối cho công nghiệp ôtô

Đức Thọ
Chính thức công bố chiến lược và quy hoạch cho ngành công nghiệp ôtô giai đoạn mới
Nhiều ý kiến cho rằng, với chiến lược công nghiệp ôtô giai đoạn mới, sự 
chần chừ và thiếu nhất quán như quãng thời gian 10 năm qua đối với chiến
 lược công nghiệp ôtô giai đoạn trước là không được phép tồn tại - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhiều ý kiến cho rằng, với chiến lược công nghiệp ôtô giai đoạn mới, sự chần chừ và thiếu nhất quán như quãng thời gian 10 năm qua đối với chiến lược công nghiệp ôtô giai đoạn trước là không được phép tồn tại - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngày 26/8, Bộ Công Thương đã chính thức công bố chiến lược và quy hoạch cho ngành công nghiệp ôtô giai đoạn mới.

Trước đó, ngày 16/7 và ngày 24/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã liên tiếp ký các quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo bản chiến lược và quy hoạch mới, công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ được tập trung phát triển để trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế đất nước với các mục tiêu khá tham vọng. Đáng chú ý, ôtô lắp ráp trong nước (CKD) sẽ cơ bản đáp ứng được đa số nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa.

Đơn cử, bản quy hoạch nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 60% tổng nhu cầu ôtô du lịch dưới 10 chỗ ngồi, 90% nhu cầu ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, 78% nhu cầu xe tải và 15% nhu cầu xe chuyên dụng. Đến năm 2030, khả năng đáp ứng cho thị trường đối với từng loại xe sẽ lần lượt tăng lên 70%, 92%, 80% và 20%.

Về sản lượng xe CKD, bản quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt tổng số 227.496 xe, năm 2025 đạt 466.375 xe và đến năm 2030 đạt tổng sản lượng 862.761 xe.

Đối với công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch cũng đặt mục tiêu phấn đầu đáp ứng 30-40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, chế tạo được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, từng bước tham gia vào hệ thống cung ứng các linh kiện, phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ôtô thế giới.

Để công nghiệp ôtô Việt Nam có thể phát triển được như kỳ vọng và “quy hoạch”, theo đại diện Bộ Công Thương, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo bộ chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan gấp rút rà soát và tính toán để xây dựng hệ thống chính sách hợp lý.

Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, bản chiến lược và quy hoạch công nghiệp ôtô giai đoạn mới đã nêu khá rõ các nhóm giải pháp và cơ chế, chính sách cho công nghiệp ôtô.

Đáng chú ý, các cơ chế, chính sách sẽ được tập trung chủ yếu vào 2 đối tượng là nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, những ưu đãi để công nghiệp ôtô phát triển cũng sẽ không bao phủ lên toàn ngành mà chỉ chú trọng đến một số nhóm sản phẩm cần ưu tiên như xe tải nhẹ đến 3 tấn, xe khách 16-24 chỗ ngồi và xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi thân thiện với môi trường.

Điểm khiến không ít ý kiến tiếp tục băn khoăn về tính khả thi của chiến lược công nghiệp ôtô giai đoạn mới là hiện nay, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa có thành tựu gì đáng kể sau gần 20 năm chăm bẵm, quy mô thị trường vẫn quá nhỏ bé, hệ thống chính sách vẫn còn nhiều bất cập và có sự vênh nhau giữa các ngành liên quan.

Tuy nhiên, điểm băn khoăn nhất chính là liệu công nghiệp ôtô còn đủ thời gian để phát triển không khi sức ép của xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đang ngày càng lớn. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á sẽ giảm về 0%.

Trong khi thời gian không còn nhiều thì khối lượng công việc, các cơ chế, chính sách cần phải hoàn thiện một cách đồng bộ lại rất lớn, do đó đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc không chỉ của ngành công thương và các doanh nghiệp ôtô mà còn của cả các ngành liên quan khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, với chiến lược công nghiệp ôtô giai đoạn mới, sự chần chừ và thiếu nhất quán như quãng thời gian 10 năm qua đối với chiến lược công nghiệp ôtô giai đoạn trước là không được phép tồn tại. Điểm mấu chốt là dường như, đây sẽ là cơ hội cuối cùng để các ngành cùng nhau nỗ lực đưa ra các giải pháp phát triển công nghiệp ôtô. Bởi lẽ, nếu thất bại thêm một lần nữa, cơ hội sửa chữa, điều chỉnh sẽ hoàn toàn tan biến.

Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết hiện tại bộ đang cùng các ngành Tài chính, Giao thông Vận tải, Khoa học Công nghệ rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách để đưa ra các nhóm giải pháp đồng nhất. Dự kiến, các đề xuất sẽ được trình Thủ tướng xem xét, quyết định vào tháng 11 năm nay.

Tin mới

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Tay ngang làm ô tô, “ngựa ô” Xiaomi chỉ mất 9 tháng đạt doanh số gây bất ngờ

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Xiaomi được biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới đã tạo ra tác động đáng kể đến thị trường xe điện (EV) thời gian qua. Xiaomi đã vượt qua mục tiêu bán hàng đầy tham vọng vào năm 2024 là 130.000 xe chỉ trong vòng 9 tháng. Mẫu xe điện đầu tiên của công ty, SU7, ra mắt vào tháng 3, là nền tảng cho thành công này dù vướng phải nhiều tranh cãi.
Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Từ 1/1/2025 tăng nặng các mức xử phạt với tài xế “lái ẩu”

Theo Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế cho Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao so với hiện tại.