Quốc hội Mỹ “tấn công” Chủ tịch Toyota

Kiều Oanh
Chủ tịch tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về cuộc khủng hoảng thu hồi xe tồi tệ đang diễn ra
Ông Akio Toyoda (trái) và ông Yoshimi Inaba, Chủ tịch Toyota tại thị trường Bắc Mỹ, tại phiên điều trần - Ảnh: Reuters.
Ông Akio Toyoda (trái) và ông Yoshimi Inaba, Chủ tịch Toyota tại thị trường Bắc Mỹ, tại phiên điều trần - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới, ông Akio Toyoda vừa ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về cuộc khủng hoảng thu hồi xe tồi tệ đang diễn ra của hãng.

Bất chấp lời “xin lỗi sâu sắc” và cam kết chịu trách nhiệm của ông Toyoda, các nhà làm luật Mỹ đã tỏ rõ thái độ giận dữ trong phiên điều trần này.

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 24/2, tại đồi Capitol ở Washington đã diễn ra phiên điều trần đầy căng thẳng của người đứng đầu Toyota trước Quốc hội Mỹ. Ngay từ đầu phiên, ông Toyoda đã thể hiện rõ thái độ cầu thị khi khẳng định ông sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về những vụ thu hồi xe Toyota với số lượng kỷ lục đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Đồng thời, ông cam kết sẽ nghiêm túc hơn trong việc xem xét những lời phàn nàn, khiếu nại của khách hàng và thừa nhận hãng xe của ông đã có sai sót. Ông Toyoda cũng tiếp tục nhắc lại “lời xin lỗi sâu sắc vì những tai nạn mà người sử dụng xe Toyota đã gặp phải”.

Hiện Toyota đang phải thu hồi khoảng 8,5 triệu xe tại khắp thị trường 5 châu lục vì những lý do liên quan tới an toàn, như thảm sàn xe có thể mắc kẹt vào chân ga hoặc chân ga tự mắc kẹt, khiến xe tăng tốc đột ngột ngoài chủ ý của người lái và có khả năng gây tai nạn, và chân phanh có vấn đề. Uy tín chất lượng lâu năm của hãng xe Nhật đã tổn hại nghiêm trọng vì sự cố thu hồi xe bắt đầu từ hơn một tháng trước này.

Sự xuất hiện của ông Toyoda trước Quốc hội Mỹ đánh dấu đỉnh cao trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại hãng. Cùng tham gia phiên điều trần với ông Toyoda còn có Chủ tịch Toyota tại thị trường Bắc Mỹ là ông Yoshimi Inaba. Cả hai quan chức hàng đầu này của “đại gia” công nghiệp ôtô số 1 thế giới đã bị Ủy ban Giám sát và cải cách chính phủ của Hạ viện Mỹ “quay” bằng những câu hỏi hóc búa và thái độ kém thân thiện.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Ray LaHood thẳng thừng tuyên bố, những chiếc xe bị thu hồi của Toyota là “không an toàn”. Ông LaHood còn cho rằng, Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã quá dễ dãi đối với các hãng xe, trong đó có Toyota.

Hạ nghị sỹ Eleanor Holmes Norton hỏi thẳng ông Toyoda rằng, bà đang sử dụng một chiếc Camry chạy nhiên liệu tổ hợp và liệu xe của bà có an toàn. Hạ nghị sỹ Paul Kanjorski thì cho rằng, vì vụ việc này, người Mỹ đã mất mát nhiều niềm tin vào những gì dán nhãn “Made in Japan” (“Sản xuất tại Nhật Bản”), và niềm tin của bản thân ông hiện cũng đang đặt cạnh một dấu chấm hỏi.

Trong buổi điều trần, ông Toyoda ra sức trấn an các nhà làm luật và người tiêu dùng Mỹ. Nhưng nỗ lực này của ông đã bị chặn lại khi các nhà làm luật Mỹ đưa ra chứng cớ là một bản ghi nhớ trong đó vào năm 2009, Toyota đã tự hào vì tiết kiệm được 100 triệu USD bằng cách thuyết phục các nhà chức trách của Mỹ chấp nhận việc hãng chỉ thu hồi thảm sàn xe, thay vì thu hồi cả xe liên quan tới lý do xe tăng tốc ngoài chủ ý.

Ông Toyoda cho biết, hơn ai khác, ông muốn những chiếc xe do Toyota sản xuất ra phải là những chiếc xe an toàn. “Tên của tôi xuất hiện trên mọi chiếc xe”, ông nói. Tuy nhiên, khi đề cập tới vấn đề kỹ thuật trong sự cố thu hồi, ông phủ nhận lý thuyết cho rằng, một vài rắc rối về tăng tốc xe xuất phát từ hệ thống điện tử của xe thay vì do kẹt chân ga hay kẹt thảm sàn xe vào chân ga. “Tôi hoàn toàn tự tin là không có sai sót gì trong hệ thống van tiết lưu điện tử”, ông Toyoda nói.

Tới thời điểm này, kẹt chân ga hay kẹt thảm sàn xe vào chân ga vẫn được xem là lý do khiến Toyota phải thu hồi xe, nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, nguyên nhân phải nằm trong hệ thống điện tử của xe.

Xe Toyota tăng tốc ngoài chủ ý được xem là lý do dẫn tới 5 vụ tai nạn xe hơi chết người tại Mỹ. 29 vụ tai nạn ôtô có nạn nhân tử vong khác liên quan tới xe Toyota đang được các nhà chức trách điều tra rõ nguyên nhân.

Trong phiên điều trần, Hạ nghị sỹ Paul Kanjorski cảnh báo với các quan chức của Toyota rằng, hãng này sẽ phải bồi thường cho các nạn nhân thương vong trong các vụ tai nạn trên theo quy định của pháp luật Mỹ. “Các ông sẽ bị yêu cầu bồi thường”, ông Kanjorski nói với thái độ gay gắt.

Hạ nghị sỹ John Mica thì cho rằng, đây là một ngày buồn đối với các chức trách Mỹ và với cả Toyota. “Tôi tiếc cho các ông và tiếc cho hàng ngàn người Mỹ đang làm việc tại 10 nhà máy của Toyota tại Mỹ”, ông Mica nói.

Ngoài việc lãnh đạo phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, Toyota còn đang bị cơ quan chức năng nước này điều tra về tội hình sự và chứng khoán.

Tin mới

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Doanh số ô tô tại Việt Nam xác lập đỉnh mới trong tháng 10

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 10 đã lập kỷ lục mới với doanh số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Số liệu toàn thị trường do VAMA tổng hợp bao gồm doanh số của 17 thành viên và số xe nhập khẩu của các hãng xe ngoài VAMA.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” thêm gần 2 tỷ USD cho VinFast

Từ nay đến hết năm 2026, tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố cam kết hỗ trợ tài chính cho Công ty VinFast. Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ cho VinFast 50.000 tỷ đồng. Đồng thời, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.