Sướng như… bán xe hơi

Hiền Mai
Họ, những người-bán-hàng mới thực sự là thượng đế. Có những người đã phải thốt lên, bán ôtô ở Việt Nam sướng thật
Nhiều người đang phát sốt lên vì xe - Ảnh: Đức Thọ.
Nhiều người đang phát sốt lên vì xe - Ảnh: Đức Thọ.
Bạn bỏ ra cả tỷ bạc để mua một chiếc xế hộp. Bạn hình dung mình sẽ được nhân viên bán hàng săn đón, chăm sóc tận tình như một “thượng đế” thực thụ.

Nhưng có thể bạn đã ngộ nhận.

Phát sốt vì xe

Con số hơn 10.000 xe mà các hãng ôtô nội địa đang “nợ” khách hàng theo hợp đồng nói lên điều gì? Ở góc nhìn thị trường, đó là biểu hiện hùng hồn nhất của sự mất cân đối nghiêm trọng cán cân cung – cầu trên thị trường ôtô.

Ở góc nhìn khác, qua nhận xét của đại diện tập đoàn chuyên về xe hơi thể thao Lotus (Anh), là sự bất ngờ cấp độ “sốc” về cách mua xe của nhiều người dân Việt Nam và mối quan hệ khách hàng – nhà cung cấp… kỳ quặc nhất thế giới.

Càng đến cuối năm, số người đăng ký mua xe càng đông. Nhiều người cứ nhất định phải có xe để dùng trước Tết Nguyên đán nên đã sẵn sàng dúi vào tay nhân viên bán hàng vài chục triệu đồng để chen chân lấy xe sớm. Nhiều người đang phát sốt lên vì xe.

Theo một chuyên gia, chính vì điều này nên thị trường càng trở nên "khó chịu", các hãng xe không thèm nghĩ đến chuyện giảm giá cho dù người dân vô cùng mong muốn và Nhà nước cũng đã tung ra vài biện pháp để thực hiện điều đó.

“Tôi lên Hà Nội đã nửa tuần nay để tìm mua một chiếc Chevrolet Captiva. Dù đã biết thời hạn nhận loại xe này rất chậm nhưng tôi không nghĩ nó lại muộn và căng thẳng đến thế. Đại lý nào của Vidamco cũng trả lời tôi rất… vô trách nhiệm, là “cứ ký hợp đồng, đặt cọc đi, tháng 11 năm sau sẽ có xe. Nếu muốn lấy xe trước Tết cũng được, nhưng phải chi thêm vài nghìn (đôla Mỹ). Còn không thì cứ đến chỗ khác mà mua.” Bực mình quá, tôi quyết định đi mua một chiếc xe nhập khẩu. Đến các salon ôtô nhập khẩu, không khí dễ chịu hẳn. 20 ngày nữa tôi sẽ lên nhận xe và thanh toán toàn bộ tiền.” Đó là câu chuyện bức xúc của Phan Đăng Châu, một nhà buôn trẻ tại thành phố Thái Bình.

Xin lỗi! Tôi mới là “thượng đế”

Trước đây, mỗi khi vị khách nào đó bước đến sát cánh cửa kính, nhân viên kinh doanh của đại lý đã đon đả chào mời, rồi nước non, tâm sự về xe. Họ “yêu quý” và chăm sóc vị khách tiềm năng thật kỹ càng, thậm chí sẵn sàng trao vào tay chiếc chìa khóa để khách lượn vài vòng, cốt sao để khách quyết định mua chiếc xe và họ được hưởng một món hoa hồng, khoản chi kinh doanh từ hãng.

Nhưng bây giờ, khi khách hàng đề nghị làm hợp đồng mua xe, nhân viên bán hàng bắt đầu đưa ra vài điều kiện bắt phải hoàn thành, trong đó quan trọng nhất là khoản lót tay không nhỏ nếu muốn có xe sớm. Vậy là quy luật đảo lộn, họ, những người-bán-hàng mới thực sự là thượng đế. Có những người đã phải thốt lên, bán ôtô ở Việt Nam sướng thật.

Một câu chuyện khác. Mới đây, ông Hồ Mộng Trần, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Trung Hưng (ngụ tại 145/21 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp.HCM) đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi để phản ánh bức xúc trong việc mua xe tại Công ty Toyota Đông Sài Gòn. Ngày 28/9, ông được ủy quyền đến Công ty Toyota Đông Sài Gòn để đặt mua một xe Toyota Inova G cho công ty. Theo thỏa thuận, ông đặt cọc 15 triệu đồng để được ký hợp đồng và tiến hành làm thủ tục nhận xe trong vòng một tuần sau đó.

Nhưng sau nhiều lần Công ty Đông Sài Gòn hứa hẹn, ông đành nhận tiền về vì không chịu nổi những "yêu sách" mà bên bán đưa ra.

Thêm một câu chuyện nữa. Một doanh nhân trong lĩnh vực tài chính tại Hà Nội cần mua một chiếc Toyota Vios và tất nhiên, vị doanh nhân này cần có xe trước Tết Nguyên đán để gia đình sử dụng. Trước khi quyết định mua, anh này vẫn nghĩ rằng mẫu xe Vios hiện nay đang bị coi là giá cao do đó khó xảy ra tình trạng cháy hàng như nhiều mẫu xe khác. Tuy nhiên, hỏi khắp một lượt các đại lý, câu trả lời đều là “sớm nhất tháng 2/2008 mới có xe, không thì phải sang tháng 3”.

Cuối cùng, điểm đỗ của vị doanh nhân này là đại lý Toyota H.K. Với 600 USD lót tay cho nhân viên bán hàng, anh nhận được một lời hứa “trong tháng 12/2007 có xe”.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.