Thấy gì qua các đợt điều chỉnh thuế ôtô?

Đức Thọ Hiền Mai
Việc 5 lần điều chỉnh thuế nhập ôtô trong vòng 16 tháng của Bộ Tài chính đang cho thấy sự bất ổn trong công tác ban hành chính sách
Trong 4 tháng đầu năm 2008, hai quyết định tăng thuế liên tiếp với tổng mức tăng là 23% sẽ lại đưa giá xe hơi gần như trở lại vị trí cũ.
Trong 4 tháng đầu năm 2008, hai quyết định tăng thuế liên tiếp với tổng mức tăng là 23% sẽ lại đưa giá xe hơi gần như trở lại vị trí cũ.
Việc 5 lần điều chỉnh thuế nhập ôtô trong vòng 16 tháng của Bộ Tài chính đang cho thấy sự bất ổn trong công tác ban hành chính sách.

“Chân nam đá chân chiêu”

Thật hiếm thấy sắc thuế nào lại được điều chỉnh với tốc độ chóng mặt như thuế ôtô. Điều đáng nói là những lần điều chỉnh thuế suất luôn có tác dụng vô hiệu hóa lẫn nhau trong khi lần nào cũng được cho là… hợp lý.

Trong ba lần giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc liên tiếp từ mức 90% xuống còn 60% của năm 2007, lần nào đại diện Bộ Tài chính cũng đều khẳng định mức thuế được điều chỉnh vừa phù hợp với lộ trình hội nhập lại vừa góp phần đưa ngành công nghiệp ôtô, thị trường ôtô phát triển đúng hướng thậm chí gián tiếp giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Với cách giải thích như vậy, ai cũng có thể hình dung ra được hình ảnh chính sách thuế ôtô giống như một người đang đi kiểu… “chân nam đá chân chiêu”.

Nhìn vào những kết quả mà chính sách thuế thời gian qua mang lại sẽ thấy rõ hơn nhận định này. Ở khía cạnh giá xe, một trong những mục tiêu quan trọng của ba lần giảm thuế năm 2007 là làm giảm giá xe qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì thế giá xe nhập khẩu (đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quyết định giảm thuế này) đã giảm xuống 15-20%.

Tuy nhiên, ngay trong 4 tháng đầu năm 2008, hai quyết định tăng thuế liên tiếp với tổng mức tăng là 23% sẽ lại đưa giá xe hơi gần như trở lại vị trí cũ, tức trước thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc hạ xuống mức 80%. Còn nếu nhìn chính sách thuế như một “cây gậy” tham gia điều chỉnh kinh tế vĩ mô, một sự tự vô hiệu hóa lẫn nhau trên cùng một loại giải pháp sẽ lại hiện ra.

Tạm bỏ qua việc nhận xét về khả năng lường trước những hệ lụy mà “cây gậy” đó mang lại, ai cũng có thể thấy rằng mục tiêu giảm nhập siêu mà Bộ Tài chính đặt ra tại hai quyết định tăng thuế vừa qua chính là một sự sửa sai. Tuy nhiên, cái sai này là sai về ý nghĩa và kết quả khi không lường trước được tác động, còn về mặt chính sách, Bộ Tài chính không sai.

Không sai nhưng… rối

Về câu chuyện điều chỉnh thuế ôtô, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã từng nói rằng “cắt giảm thuế là một trong những cam kết bắt buộc với tất cả các quốc gia khi hội nhập kinh tế quốc tế, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, cam kết này lại được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước. Điều này có nghĩa mục tiêu là cố định và đích đến là có thời hạn, nhưng cách thức để đạt được mục tiêu là do mỗi quốc gia tự quyết định, tùy theo hoàn cảnh thực tế của nước mình”.

Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng khẳng định thêm, “mức cam kết gia nhập WTO là mức cam kết trần. Trong phạm vi đó, Nhà nước có thể điều hành mức thuế suất phù hợp tình hình thực tế, miễn là không vượt quá mức cam kết trần”.

Rõ ràng Bộ Tài chính đã không hề làm sai lộ trình, không hề làm sai nguyên tắc. Nhưng theo như nhận xét của GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, khiếm khuyết của Bộ Tài chính khi nghiên cứu và ban hành chính sách thuế đối với ôtô chính là khả năng dự báo yếu kém dẫn đến những hệ quả không như mong muốn.

Bên cạnh đó, như một số chuyên gia khác cũng nhận xét, những lần điều chỉnh thuế vừa qua đã cho thấy một vấn đề khác là Bộ Tài chính không hề thấy hoặc không quan tâm việc những quyết định đó đã và sẽ làm các doanh nghiệp và người tiêu dùng "khổ sở" như thế nào.

Nhìn lại thời gian trước khi Việt Nam bắt đầu thực hiện những cam kết theo các hiệp định thương mại và WTO, việc điều chỉnh các loại thuế suất thường dựa theo một loạt các lợi ích và mục tiêu khác nhau. Trong đó Bộ Tài chính được tự quyết định các mức thuế suất chừng nào mức thuế quan vẫn nằm trong phạm vi mức thuế quan mà Quốc hội phê duyệt.

Nay, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng thì việc ban hành các chính sách (trong đó có thuế) còn phải tuân thủ các nguyên tắc chung của quốc tế.

Về nguyên tắc, việc điều chỉnh các sắc thuế lớn, quan trọng có thể được thực hiện một cách bất thường phù hợp với ưu tiên quốc gia, giống như thuế ôtô thời gian vừa quan. Nhưng xét theo hướng thực hiện cắt giảm thuế quan được thương lượng để gia nhập WTO thì vẫn còn yêu cầu nữa theo Nghị định thư gia nhập WTO, theo đó Việt Nam phải giảm mức thuế trần theo công thức "cắt giảm đều theo các năm" để đạt tới "mức thuế trần cuối cùng" vào thời điểm được quy định trong phụ lục về lộ trình.

Như vậy có thể coi việc giảm thuế nhập khẩu ôtô 3 lần liên tục trong một năm đưa mức thuế vượt xa mức thuế trần cam kết WTO là một cách làm vội vã, cho dù việc thực hiện nó để nhằm những mục tiêu quan trọng. Nếu cứ áp đúng lộ trình giảm đều theo các năm thì có lẽ sẽ không có kiểu 1 tháng 2 lần điều chỉnh thuế như bây giờ.

Quy trình cắt giảm thuế theo cam kết WTO còn làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Trên thực tế có rất nhiều dòng thuế "áp dụng" tức là các mức thuế đang áp dụng với hàng nhập khẩu đã thấp hơn mức thuế suất trần của WTO. Đối với những lĩnh vực và các mức thuế được áp dụng đã thấp hơn mức thuế trần thì Việt Nam có quyền tăng các mức thuế áp dụng đó mà vẫn đáp ứng được các cam kết WTO của mình, trong phạm vi cho phép của mức thuế trần. Việc 2 lần liên tiếp tăng thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vừa qua của Bộ Tài chính thực chất đã được thực hiện theo nguyên tắc này.

Cần những “hội nghị Diên Hồng”

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vài năm qua Bộ Tài chính thường “làm chính sách” theo cách tiếp nhận và xem xét "thư yêu cầu" của các bên quan tâm đối với các thay đổi trong các mức thuế quan. Các bên quan tâm gồm các cơ quan Nhà nước khác, các cơ quan đại diện sở hữu trong doanh nghiệp (thường là doanh nghiệp Nhà nước) hoặc các tổ chức khác thuộc phạm vi quản lý hay dựa theo các lợi ích thương mại cụ thể. Thông thường lợi ích của người tiêu dùng không được đưa vào xem xét trong quá trình này.

Đối với thuế nhập khẩu ôtô thời gian vừa qua, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng phản hồi rằng họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp nhưng dường như hoàn toàn bị bỏ ngoại cuộc.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ôtô đã tỏ ra khá mỏi mệt khi thích ứng với chính sách thuế thời gian vừa qua. Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng việc điều chỉnh chính sách thuế cần phải có lộ trình và đặc biệt là họ cần phải có tiếng nói, cần được đề xuất những giải pháp sát thực để mỗi quyết định điều chỉnh được phù hợp và có hiệu quả hơn.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Ford Việt Nam Micheal Pease, trong một cuộc trao đổi với báo giới gần đây, đã bảy tỏ sự chia sẻ với Chính phủ trước những khó khăn của nền kinh tế, song cũng tha thiết mong muốn Chính phủ đưa ra được những kế hoạch trước khi chính thức quyết định điều chỉnh để doanh nghiệp có thể kịp thời điều chỉnh theo.

Đồng quan điểm với ông Micheal, ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Âu châu cũng khẳng định các doanh nghiệp luôn thông cảm và chia sẻ với những khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt. Khi kinh tế đất nước khó khăn, lạm phát tăng cao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 hội nghị với các tập đoàn, tổng công ty lớn, với các tỉnh, thành phố trên cả nước để cùng nhau tìm ra giải pháp tháo gỡ cho nền kinh tế.

Nhưng ở từng ngành, ví như ngành ôtô, cũng rất cần những “hội nghị Diên Hồng” riêng để các doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến và đề xuất giải pháp. Việc làm này có thể do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thực hiện.

Thực tế, một số quyết định điều chỉnh thuế suất áp dụng đối với các sản phẩm trong ngành ôtô trước đây cũng đã nhận được những “phàn nàn” từ cộng đồng doanh nghiệp do họ không được tham khảo ý kiến. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều quyết định của Bộ Tài chính không thể đạt được mục tiêu đề ra trong khi lại gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp.

Hơn nữa, nếu những “hội nghị Diên Hồng” được tổ chức thường xuyên trước những đợt điều chỉnh chính sách, có được sự feed-back (phản hồi) kịp thời của các cơ quan chức năng, chắc hẳn những tin đồn thất thiệt như thời gian vừa qua sẽ không còn “đất” mà sinh sôi.

“Thuế là một công cụ để Chính phủ điều tiết kinh tế nên việc điều chỉnh thuế, nếu vẫn nằm trong lộ trình cam kết, là việc cần thiết. Có điều, mỗi quyết định điều chỉnh cần phải có sự tham vấn từ nhiều phía, trong đó có các doanh nghiệp sẽ chịu tác động trực tiếp đồng thời phải có thời gian được ấn định chí tiết và sớm để các doanh nghiệp có thể kịp thời thay đổi kế hoạch phù hợp với tình hình mới”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Tin mới

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

Cuộc cách mạng “xanh” hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải dường như đang chia thành hai nhánh phát triển có tính khả thi nhất hiện nay, một là xe thuần điện, hai là xe Hybrid. Trong giai đoạn đầu, đa số các hãng ô tô đều tâm niệm rằng xe thuần điện mới là “chân ái” và họ bước vào một cuộc chạy đua đầy cam go, khốc liệt. Nhiều người từng cho rằng, xe Hybrid chỉ là giải pháp chuyển giao và sẽ sớm bị quên lãng. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, một số hãng ô tô lại bắt đầu “bẻ lái” sang tập trung phát triển xe Hybrid, khiến cuộc so kè giữa hai dòng xe này đang ngày càng trở nên cân bằng.
Chiến thuật chia rẽ EU của Trung Quốc

Chiến thuật chia rẽ EU của Trung Quốc

Mặc dù sử dụng nhiều phương án hoạt động vận động hành lang nhằm chia rẽ các nước trong khối EU để chặn thuế quan EV mới nhưng EU vẫn áp mức thuế rất cao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã sẵn sàng tìm phương án để làm suy yếu EU.
Những lưu ý cần biết khi sử dụng tài khoản giao thông

Những lưu ý cần biết khi sử dụng tài khoản giao thông

Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.