Thị trường ô tô trong nước “dò” chân sóng

Lê Vũ
Sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 1/2024 sụt giảm mạnh, cho thấy các doanh nghiệp khá thận trọng về bức tranh thị trường ô tô năm 2024. Các chuyên gia dự báo sắp có một đợt sóng tăng trưởng mới, nhưng chưa có đủ căn cứ để xác định đâu mới là “chân sóng”.
Các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng ô tô trong nước để thăm dò thị trường. Ảnh: VAMA
Các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng ô tô trong nước để thăm dò thị trường ngay tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2024, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 23.300 chiếc, giảm 16,6% so với tháng 12/2023 (27.900 chiếc).

Có nhiều lý do cho sự sụt giảm này. Một là, thời điểm đầu năm mới gần với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tổ chức, doanh nghiệp và người dân thường tập trung các hoạt động tổng kết năm, giải quyết công việc tồn đọng và chuẩn bị đón Tết cùng gia đình, dẫn đến nhu cầu mua sắm hàng hóa xa xỉ như nhà đất, ô tô giảm. Các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô vẫn còn một lượng hàng tồn kho nhất định của năm trước nên cũng không cần tăng cường sản xuất, thay vào đó sẽ đợi kết quả kinh doanh tháng 1 được công bố để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Hai là, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm khá mạnh trong năm 2023. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng xe ô tô được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 347.400 chiếc, giảm 12,3% so với năm 2022. Điều này cho thấy thị trường ô tô Việt Nam chưa thể ổn định ở ngưỡng doanh số trên nửa triệu chiếc như kỳ vọng. Do đó, việc cắt giảm sản lượng trong tháng 1/2024 là cần thiết để giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn.

Ba là, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (lần 3) theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024. Đây là một trong những chính sách quan trọng giúp kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tùy thuộc giá niêm yết của mỗi chiếc xe, người tiêu dùng có thể tiết kiệm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng nhờ chính sách ưu đãi này. Do đó, sau khi chính sách hết hiệu lực, nhiều người sẽ có xu hướng theo dõi diễn biến thị trường và các chương trình ưu đãi riêng của hãng xe trước khi quyết định xuống tiền.

Thị trường ô tô Việt Nam có cơ hội tăng trưởng kể từ nửa cuối năm 2024? Ảnh: Hyundai Thành Công
Thị trường ô tô Việt Nam có cơ hội tăng trưởng kể từ nửa cuối năm 2024 hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.

Mặc dù vậy, nếu so với cùng kỳ tháng 1/2023, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 1/2024 vẫn tăng 14,6%. Trước đó, doanh số ô tô toàn thị trường tháng 1/2023 chỉ đạt 17.314 xe (theo VAMA), giảm hơn 43% so với cùng kỳ và cũng là tháng kinh doanh “bết bát” nhất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, tình hình đã được cải thiện rõ rệt khi doanh số ô tô đạt 38.740 xe, tương đương mức bình quân của năm 2022. Do đó, việc các hãng xe gia tăng sản lượng so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy niềm tin vào thị trường đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, để củng cố niềm tin này sẽ cần thêm nhiều yếu tố khác, bao gồm số liệu của ngành và các chỉ số chung của nền kinh tế.

Hiện tại, số liệu do Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) công bố vào ngày 12 hàng tháng, dù chưa đại diện cho toàn bộ thị trường nhưng cũng có giá trị tham chiếu rất lớn đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Xu hướng vận động của thị trường trong năm sẽ trở nên rõ ràng hơn sau khi kết quả kinh doanh quý I được công bố. Trước đó, tháng 5/2022, sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (lần thứ 2) hết hiệu lực, doanh số ô tô đã giảm mạnh từ 43.816 xe xuống còn 25.159 xe. Tuy nhiên, sau đó, doanh số ô tô đã phục hồi trở lại các tháng sau đó, đạt mức trên 30.000 xe/tháng.

Một số chuyên gia nhận định, thị trường ô tô trong nước đã qua cơn “bĩ cực”, nhưng đã đến hồi “thái lai” hay chưa thì chưa thể khẳng định. Ở thời điểm hiện tại, xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân vẫn còn thấy rõ, do những khó khăn nội tại của năm 2023 vẫn còn kéo dài. Tuy nhiên, thị trường ô tô sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh trở lại kể từ nửa cuối năm 2024 nếu như có những “cú hích” phù hợp, đó là tăng trưởng GDP đạt 6,5%, lãi suất cho vay giảm và thị trường bất động sản “ấm” dần lên.

Tin mới

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

#Auto Hashtag: Những nhầm tưởng tai hại về xe Hybrid của người tiêu dùng

Cuộc cách mạng “xanh” hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải dường như đang chia thành hai nhánh phát triển có tính khả thi nhất hiện nay, một là xe thuần điện, hai là xe Hybrid. Trong giai đoạn đầu, đa số các hãng ô tô đều tâm niệm rằng xe thuần điện mới là “chân ái” và họ bước vào một cuộc chạy đua đầy cam go, khốc liệt. Nhiều người từng cho rằng, xe Hybrid chỉ là giải pháp chuyển giao và sẽ sớm bị quên lãng. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, một số hãng ô tô lại bắt đầu “bẻ lái” sang tập trung phát triển xe Hybrid, khiến cuộc so kè giữa hai dòng xe này đang ngày càng trở nên cân bằng.
Chiến thuật chia rẽ EU của Trung Quốc

Chiến thuật chia rẽ EU của Trung Quốc

Mặc dù sử dụng nhiều phương án hoạt động vận động hành lang nhằm chia rẽ các nước trong khối EU để chặn thuế quan EV mới nhưng EU vẫn áp mức thuế rất cao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã sẵn sàng tìm phương án để làm suy yếu EU.
Những lưu ý cần biết khi sử dụng tài khoản giao thông

Những lưu ý cần biết khi sử dụng tài khoản giao thông

Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.